(KTSG Online) - Giá vàng trên thị trường quốc tế lần đầu tiên vượt 2.200 đô la Mỹ/ounce sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì triển vọng giảm lãi suất 3 đợt trong năm nay.
Vàng dậy sóng trước kỳ vọng nới lỏng tiền tệ
Sáng nay (21-3), giá vàng giao ngay ở thị trường New York có lúc tăng hơn 1,6%, lên mức cao kỷ lục mới 2.222,39 đô la Mỹ/ounce trước khi thu hẹp đà tăng. Kim loại quí này tăng giá mạnh kể từ giữa tháng 2, nhờ các yếu tố hỗ trợ dài hạn như rủi ro địa chính trị dâng và lực mua của các ngân hàng trung ương, dẫn đầu là Trung Quốc. Tuy nhiên, đà tăng giá mạnh mẽ gây ngạc nhiên cho nhiều nhà quan sát thị trường dày dạn kinh nghiệm vì không thấy chất xúc tác rõ ràng nào.
Những kỳ vọng về việc Mỹ nới lỏng chính sách tiền tệ phần nào thúc đẩy giá vàng trong thời gian gần đây. Điều đó được Fed tái khẳng định vào hôm 20-3 sau cuộc họp kéo dài 2 ngày. Ngoài việc giữ nguyên biên độ lãi suất 5,25-5,5% lần thứ năm liên tiếp, đa số các thành viên của Ủy ban Thị trường mở liên bang, cơ quan hoạch định chính sách của Fed, dự đoán lãi suất sẽ được cắt giảm 2-3 đợt trong năm nay.
Tại cuộc họp báo ở Washington, Chủ tịch Fed Jerome Powell tiếp tục nhấn mạnh các quan chức Fed muốn có thêm bằng chứng cho thấy giá cả đang giảm.
“Nhưng theo quan điểm của hầu hết các thành viên của FOMC, có khả năng chúng tôi sẽ đạt được niềm tin đó và sẽ có những đợt cắt giảm lãi suất”, ông nói.
Ông khẳng định kỳ vọng về đà suy giảm của lạm phát không thay đổi nhiều trong những tuần gần đây, bất chấp một số dữ liệu cho thấy, lạm phát cốt lõi của Mỹ vẫn còn cao và thị trường lao động còn tương đối vững mạnh.
Giá vàng có xu hướng có mối quan hệ nghịch đảo với lãi suất của Mỹ. Khi lãi suất giảm, vàng trở nên hấp dẫn hơn so với các tài sản có thu nhập cố định như trái phiếu chính phủ Mỹ, vốn sẽ mang lại lợi nhuận yếu hơn trong môi trường lãi suất thấp.
Chris Weston, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Pepperstone Group Ltd, cho biết thông điệp mới nhất của Fed đã bật đèn xanh cho các nhà giao dịch vàng quay trở lại thị trường.
Các suy đoán về thời điểm Fed xoay trục chính sách tiền tệ có thể đã tạo ra động lực cho những đợt tăng giá vàng gần đây, với dữ liệu cho thấy các nhà giao dịch trên thị trường tương lai ở Mỹ tăng vị thế mua ròng vàng vào tuần trước nhiều nhất kể từ năm 2019. Kim loại này thậm chí còn được hưởng lợi nhiều hơn khi lãi suất của Mỹ thực sự giảm, điều có thể thúc đẩy các quỹ giao dịch hoán đổi danh mục (ETF) vàng tăng lượng nắm giữ.
Về mặt địa chính trị, có một số rủi ro làm tăng sức hấp dẫn của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn. Nga dường như đang chiếm ưu thế trong cuộc chiến ở Ukraine, xung đột Israel-Hamas và cuộc khủng hoảng hàng hải ở Biển Đỏ không có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đó, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm có thể gây ra những biến động lớn trên các thị trường tài chính.
Giá vàng sẽ còn tăng tiếp?
Trong cuộc trò chuyện với hãng tin CNBC hôm 20-3, Aakash Doshi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa phụ trách khu vực Bắc Mỹ của ngân hàng Citi, dự đoán giá vàng có thể tăng lên 2.300 đô la/ounce vào nửa cuối năm 2024. Đợt tăng giá này xảy ra nhờ Fed giảm lãi suất trong 6 tháng cuối cùng của năm,
Ngân hàng Macquarie cũng dự đoán, giá vàng sẽ đạt mức cao mới trong nửa cuối năm. Trong khi đó, các nhà chiến lược của Macquarie cho rằng, lực mua vàng vật chất khiến giá tăng. Mức tăng giá 100 đô la Mỹ mỗi ounce gần đây là do “lực mua vàng đáng kể trên thị trường tương lai”.
Nhu cầu đa dạng hóa dữ ngữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương để ứng phó rủi ro địa chính trị dự kiến tiếp tục hỗ trợ thị trường vàng.
“Các ngân hàng trung ương, những người đã mua vàng ở mức cao lịch sử trong hai năm qua, cũng sẽ tiếp tục mua mạnh trong năm 2024”, Shaokai Fan, Giám đốc toàn cầu phụ trách khu vực ngân hàng trung ương ở Hội đồng Vàng thế giới (WGC) nói.
Ông lưu ý, trong thập niên qua, ở khu vực ngân hàng trung ương, Nga và Trung Quốc là hai khách hàng mua vàng lớn nhất. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lực mua từ khu vực này đã đa dạng hơn.
Chẳng hạn, trong năm 2023, ngân hàng trung ương Ba Lan bất ngờ mua đến 130 tấn vàng. Trong khi đó, Singapore là nước mua ròng vàng lớn thứ ba thế giới trong năm ngoái, với Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) mua vào 76,51 tấn vàng.
Vào lúc 13 giờ hôm 21-3, giá vàng giao ngay giao dịch ở mức 2.209 đô la/ounce, tăng 1%. Theo nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao, giá vàng giao ngay có thể kiểm tra lại mức kháng cự 2.222 đô la/ounce. Nếu vượt qua mức này, vàng có thể tăng lên khoảng giá 2.228- 2.234 đô la/ounce.
Theo Bloomberg, CNBC