(KTSG Online) - Giá vàng đang tăng trở lại do lo ngại về cuộc chiến ở Trung Đông và nợ quốc gia của Mỹ gia tăng, khiến các nhà đầu tư tìm đến tài sản an toàn này. Cụ thể, giá vàng thỏi đã tăng khoảng 9% trong hai tuần qua.
Giá vàng đang tăng song song với lợi suất trái phiếu Mỹ
Thông thường, lãi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ cao hơn sẽ đẩy giá vàng xuống thấp hơn vì lúc này nhà đầu tư giữ vàng kém hấp dẫn hơn nếu xét ở góc độ đầu tư. Mối tương quan ngược chiều vốn có – giá vàng giảm khi lãi suất tăng và ngược lại - đã bị phá vỡ khi lợi suất thực tế tăng mạnh trong năm qua. Bởi giá vàng được hỗ trợ bởi lượng mua vào kỷ lục của các ngân hàng trung ương, do một số quốc gia muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng đô xanh sau khi Mỹ sử dụng ưu thế của đồng đô để tạo áp lực kinh tế với Nga.
Nhưng lần này giá vàng tăng song song cùng với lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm, đi ngược lại mối quan hệ đảo nghịch thông thường. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn đã dao động gần 5% và thậm chí còn nhanh chóng vượt mốc đó lần đầu tiên sau 16 năm.
Theo các nhà phân tích, vàng cũng có thể được hưởng lợi từ sự bất ổn ở Trung Đông. Điều này càng khiến Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thêm thận trọng về chính sách siết chặt tiền tệ (tăng lãi suất) trong tương lai.
Giá vàng tương lai ở New York đã hai lần vượt ngưỡng 2.000 đô la/troy ounce (tương đương 1/12 Pound, = 31,1035 gram) trong tuần này. Có những dự báo rằng, giá vàng sẽ tiến gần với mức giá kỷ lục 2.089 đô la như hồi tháng 8-2020.
Trung Đông và nợ công của Mỹ là nguyên nhân đẩy giá vàng gia tăng lên?
Mối lo ngại đầu tiên liên quan đến tình hình tài chính ở Mỹ, nơi nợ quốc gia (của Mỹ) đã đạt kỷ lục với hơn 33.000 tỉ đô la, theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ. Việc phát hành trái phiếu kho bạc đã tăng tốc kể từ khi Quốc hội Mỹ nâng trần nợ quốc gia, làm lệch cán cân cung cầu. Xung đột giữa các nhà lập pháp về nguồn tài trợ tạm thời của chính phủ cũng góp phần khiến nhà đầu tư cảm thấy bất an.
Một rủi ro khác đang đóng vai trò quan trọng hiện nay là cuộc chiến Israel - Hamas bùng nổ (vào ngày 7-10) đã khiến nhà đầu tư “chôn” vốn vào vàng. Và nhiều khả năng vàng sẽ là kênh được nhiều nhà đầu tư quan tâm khi mà có thông tin cho thấy, Israel đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công toàn diện trên bộ vào Dải Gaza, đẩy cuộc xung đột sang một giai đoạn mới.
Có thể nói, rủi ro địa chính trị khiến tâm lý thị trường đi xuống, biến vàng trở thành điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư. Đơn cử là giá kim loại quý này đã tăng lên 2.078 đô la vào tháng 3-2022 ngay sau khi Nga đưa quân sang Ukraine, gần mức cao kỷ lục năm 2020.
Giá vàng thường giảm khi lãi suất tăng, vì các nhà đầu tư luôn muốn chọn tài sản có lợi suất cao hơn. Nhưng do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đang tăng do bất ổn tài chính, nên vì thế, các nhà đầu tư lại hướng về vàng. Không giống như cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp hay thậm chí nợ chính phủ, với vàng trong tay nhà đầu tư không sợ bị vỡ nợ do trục trặc của nơi phát hành.
Theo Naohiro Niimura, đối tác của Market Risk Advisory có trụ sở tại Nhật Bản, giá kim loại quý dựa trên hai thành phần là giá tham chiếu dựa trên mối quan hệ nghịch đảo của vàng với lãi suất thực và phần bù rủi ro phát sinh từ các yếu tố khác như các mối lo ngại về tình hình kinh tế. Dựa trên các dữ liệu lịch sử, Niimura ước phần bù rủi ro (risk premium) ở mức 1.431 đô la (trong ngày 24-10), gấp hơn 2,5 lần giá tham chiếu. Phần bù này này đã tăng 115 đô la kể từ ngày 6-10, một ngày trước cuộc tấn công của Hamas và hiện chiếm khoảng 70% tổng giá.
Với mức ước tính này của Niimura, giá này đúng với mức giá 2.003 đô la theo giá giao trên thị trường tương lai New York hôm 26-10 và có thể sẽ tăng cao. "Việc mua vàng tích trữ do nhu cầu về tài sản an toàn trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông đã tăng lên”, Niimura nói.
Xu hướng ngắn hạn hay dài hạn?
Một số nhà quan sát lưu ý rằng việc mua vàng trong trường hợp khẩn cấp có xu hướng ngắn hạn. Họ đưa ra dẫn chứng rằng, giá kim loại này đã tăng vọt trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và mối đe dọa chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô (cũ) trước đây. Sau đó, là những lần tăng giá đột biến khi Chiến tranh vùng Vịnh nổ ra năm 1990 và Chiến tranh Iraq năm 2003, song diễn biến tăng giá chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn ngủi.
Tsutomu Kosuge, người đứng đầu công ty nghiên cứu hàng hóa Marketedge cho rằng, giá vàng leo thang hiện nay do rủi ro địa chính trị thường là tạm thời. Nhưng theo David Meger, giám đốc giao dịch kim loại tại hãng tài chính High Ridge Futures, nhu cầu trú ẩn an toàn sẽ tiếp tục đẩy vàng lên cao hơn sau một thời gian ổn định nhẹ. “Chúng tôi tin rằng căng thẳng địa chính trị và sự bất ổn ở Trung Đông sẽ tiếp tục đẩy giá vàng lên cao hơn”, David Meger cho biết.
Cuộc chiến giữa Israel và Hamas có thể kéo dài hoặc lan sang các nước khác ở Trung Đông. Vì thế mà theo nhận định của Bruce Ikemizu, giám đốc Hiệp hội Thị trường vàng thỏi Nhật Bản, có thể tùy thuộc vào tình hình, giá vàng có thể đạt mức giá mới.
Theo Nikkei Asia, Reuters, Investor’s Business Daily