(KTSG Onlines) - Từ đầu năm 2023 tới nay, giá vật liệu xây dựng trong nước liên tục tăng lên, như giá thép có tới 5 lần tăng liên tiếp, giá cát cũng không ngừng tăng lên và giá xi măng cũng “rục rịch” tiến lên.
- Vượt qua bão giá vật liệu xây dựng
- Suy thoái kinh tế tác động mạnh đến thị trường bất động sản và lĩnh vực xây sửa nhà ở và vật liệu xây dựng
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 28-2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2023 tăng 0,45% so với tháng trước; trong đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng đứng thứ 2, sau nhóm giao thông với mức tăng 1,81%.
Trong số đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,99% do giá thép tăng cao chủ yếu do giá nhập các loại nguyên liệu đầu vào sản xuất thép như: quặng sắt, than mỡ, thép phế liệu, cuộn cán nóng… tăng. Giá thuê nhà tăng 0,28% so với tháng trước do nhu cầu thuê nhà để ở tăng cao sau dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Theo TTXVN, một số chuyên gia cho rằng dự kiến có nhiều công trình xây dựng khởi công trong năm nay dẫn đến nhu cầu sử dụng sắt, thép, xi măng tiêu thụ mạnh. Một số nguyên vật liệu xây dựng khác như nhựa đường, đất, cát, đá sẽ có biến động theo chiều hướng tăng trong năm 2023 do nguồn cung khan hiếm.
Trước diễn biến giá vật liệu xây dựng năm 2023 vẫn tiềm ẩn những nguy cơ biến động theo chiều hướng tăng, các chủ đầu tư, nhà thầu hay người dân có nhu cầu xây dựng ở cũng sẽ bị tác động.
TTXVN dẫn thông tin từ chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng trên phố Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, giá thép sắp tới sẽ còn biến động vì hầu như tuần nào cũng có hãng báo giá tăng. Mặc dù vậy, sức mua vật liệu xây dựng vẫn khá chậm. Hầu như khách hàng từ những công trình lớn đều không có mà chỉ có khách lẻ sửa chữa nhà mua rải rác.
Tại khu vực miền Trung, theo phản ánh của một số cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng tại tỉnh Quảng Nam cho thấy, giá sắt, thép, gạch, cát, xi măng trên địa bàn đều tăng so với năm 2022. Hiện giá sắt xây dựng là 17,5 triệu đồng/tấn (tăng 500.000 đồng), xi măng 110.000 đồng/bao (tăng 20.000 đồng).
Tùy theo từng loại sắt, xi măng mà giá tiền chênh lệch khác nhau. Tuy nhiên, tăng mạnh nhất là giá cát xây dựng với giá hiện tại là hơn 400.000 đồng/m3 trong khi thời điểm trước Tết Nguyên đán chỉ dao động từ 230.000-250.000 đồng/m3.
Tương tư, nhiều điểm bán cát xây dựng tại Đà Nẵng gặp phải tình trạng không có cát để bán hoặc kho phải tạm đóng cửa. Cát xây dựng khan hiểm, giá bán trên thị trường hiện tăng từ 50.000-70.000/m3. Do đó, các công trình đang đứng trước nguy cơ phải tạm thời dừng thi công, hoặc phải tìm biện pháp khác giải bài toán này.
Nhiều điểm chuyên cung cấp cát xây dựng tại thành phố này thông báo hết hàng hoặc kho đóng cửa. Không có hàng bán, giá cát xây dựng tăng chóng mặt lên từ 450.000-480.000 đồng/m3; trong khi thời gian trước đó chỉ từ 340.000-370.000 đồng/m3.
Vật liệu xây dựng tăng giá, không chỉ người dân lo lắng, mà các doanh nghiệp, chủ đầu tư các công trình xây dựng cũng gặp không ít khó khăn, do chi phí giá thành tăng cao, làm giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.
Theo ông Nguyễn Triệu Hải Đăng, Giám đốc Công ty Thiết kế Thi công Xây dựng IHome Quảng Nam, năm 2023 giá vật tư leo thang mỗi ngày, đặc biệt giá cát xây dựng tăng đột biến do thiếu nguồn cung. Đầu năm 2023, đơn vị đã triển khai 3 công trình xây dựng nhưng vẫn chưa thi công mà chỉ báo giá cho khách hàng.
Thế nhưng, với giá vật liệu tăng cao như hiện nay thì báo giá trước và sau Tết sẽ bị đội lên 5-10%. Nếu áp giá cũ để xây dựng thì khi hoàn thiện công trình sẽ thua lỗ nặng.
Xem lại giá cát chỉ đào ra bán lấy tiền mà tăng hàng trăm ngàn đồng/m3; trong khi đó sắt thép, xi măng đầu tư lớn vậy chỉ tăng có mấy ngàn đồng/tấn. Liệu có lợi ích nhóm trong việc quản lý khai thác cát không? ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều triệu người dân và các doanh nghiệp xây dựng công trình, gây mất trật tự an ninh kinh tế của đất nước.