(KTSG) - Các hãng hàng không đang kiếm được lợi nhuận khổng lồ khi sự bùng nổ du lịch toàn cầu giúp giữ giá vé máy bay ở mức cao. Và nhiều người tin rằng chi phí cho các chuyến bay sẽ còn đắt đỏ hơn nữa trong thời gian tới.
Vào tháng 2-2023, dữ liệu từ công ty phân tích hàng không Cirium cho thấy rằng giá vé trung bình cho hàng trăm tuyến đường bay phổ biến nhất thế giới đã tăng 27,4% so với đầu năm 2022. Ví dụ, giá vé khứ hồi trung bình từ Mỹ đến châu Âu gần 1.200 đô la vào mùa hè này, mức giá cao nhất trong sáu năm qua, trong khi giá vé đi châu Á lên tới gần 1.600 đô la. Ngay cả khi đã hạ nhiệt vào thời điểm hiện tại, giá vé vẫn đang ở mức cao so với tiêu chuẩn lịch sử.
Hồi tháng 6, Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) cho biết, họ kỳ vọng tổng doanh thu của ngành hàng không sẽ lần đầu tiên lên tới 800 tỉ đô la kể từ năm 2019. Điều này sẽ giúp các hãng hàng không bù đắp những thiệt hại nặng nề trong thời kỳ đại dịch, ước tính lên tới ít nhất 200 tỉ đô la trong các năm 2020-2021.
Nhu cầu di chuyển vẫn ở mức cao
Theo các hãng hàng không, nhìn chung có hai lý do chính đằng sau sự tăng giá mạnh mẽ của các chuyến bay: nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung tiếp tục bị gián đoạn.
Đầu tiên, nhu cầu “du lịch phục thù” trong mùa hè năm 2022 và đầu năm 2023 đã khiến giá vé máy bay tăng đột biến.
Theo một khảo sát gần đây của Skyscanner tại Úc, trong năm tới, 75% số người được hỏi dự định đi du lịch nhiều bằng hoặc hơn so với năm 2023. Bên cạnh đó, 35% số người được hỏi dự kiến sẽ chi tiêu nhiều hơn cho du lịch trong năm 2024, và 33% sẽ duy trì mức chi tiêu bằng với năm nay.
Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Mỹ, khi dữ liệu của Skyscanner cho thấy 39% khách du lịch nước này sẽ chi nhiều ngân sách cho chuyến du lịch vào năm 2024 hơn mức họ phân bổ vào năm 2023.
Năng lực hạn chế của ngành hàng không
Trong khi đó, các hãng bay cho biết mặc dù nhu cầu cao đang giúp họ đạt được lợi nhuận kỷ lục nhưng việc thiếu năng lực vận tải đã buộc họ phải tăng giá vé. Những khó khăn của chuỗi cung ứng trong lĩnh vực này đã dẫn đến sự chậm trễ của Airbus và Boeing, những nhà sản xuất đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các hãng hàng không về máy bay và phụ tùng mới.
Giám đốc điều hành Ryanair Michael O’Leary cho biết trong tuần trước rằng, sự chậm trễ của hai nhà sản xuất máy bay lớn là nguyên nhân chính khiến giá vé tăng cao hơn. Chia sẻ với các nhà đầu tư, ông dự báo một số hãng hàng không sẽ buộc phải cắt giảm công suất vào năm 2024 do vấn đề nguồn cung, và do vậy sẽ đẩy giá vé lên cao hơn nữa.
Bên cạnh những rắc rối về chuỗi cung ứng máy bay, các hãng hàng không cũng đang phải vật lộn với chi phí vận hành ngày càng tăng trong bối cảnh vấn đề thiếu hụt nhân sự tại các sân bay trở nên trầm trọng hơn kể từ sau đại dịch. Điều này đã khiến các nhà khai thác sân bay phải cắt giảm công suất.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Karolina Wojtal từ Mạng lưới Trung tâm người tiêu dùng châu Âu của EU, bản thân các hãng hàng không đang cho phép giá tăng cao hơn tỷ lệ lạm phát.
Một số ý kiến cho rằng, họ đang cố gắng bù đắp những tổn thất to lớn phải gánh chịu trong đại dịch bằng cách tính phí quá cao.
Song, các hãng hàng không đã phủ nhận điều này, và nói rằng giá cả đang phản ánh chính xác tình trạng hiện tại của ngành.
Một câu hỏi được nhiều người quan tâm là giá vé máy bay liệu đã đạt đỉnh? Ông Hayley Berg, nhà kinh tế trưởng tại Hopper dự báo mặc dù các chuyến bay quốc tế vẫn còn đắt đỏ, nhưng mức giá này đang giảm dần do động lực từ nhu cầu bị dồn nén đã dần cạn kiệt trong mùa hè vừa qua và động lực sắp tới của thị trường sẽ phụ thuộc vào nhu cầu thường xuyên.
Vấn đề môi trường sẽ thúc đẩy giá vé máy bay
Một vấn đề khác có thể đẩy giá vé máy bay lên cao hơn nữa trong những năm tới là chi phí tiềm ẩn đối với các hãng hàng không khi họ chuyển sang sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững có giá thành đắt đỏ hơn. Ngành hàng không có lượng khí thải carbon lớn và đang chịu áp lực phải giảm lượng khí thải này càng sớm càng tốt.
Ông Willie Walsh, Tổng giám đốc IATA, cho biết hồi đầu năm nay rằng ông dự kiến giá vé sẽ tiếp tục tăng trong 15 năm tới do chi phí cho các loại nhiên liệu bền vững hơn.
Các tổ chức bảo vệ môi trường đã lập luận rằng chi phí đi lại bằng đường hàng không cao hơn có thể giúp cắt giảm sự tăng trưởng của giao thông hàng không và vừa giúp tài trợ cho quá trình chuyển đổi xanh, vừa giảm lượng khí thải trong thời gian ngắn hơn.
Jon Worth, một nhà phân tích giao thông đường sắt tại Đức, cho biết sự bùng nổ du lịch vào năm 2023 cũng đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể số người lựa chọn các phương thức vận tải ít gây ô nhiễm hơn, chẳng hạn như đường sắt, nhưng ông cho rằng cần phải làm gì đó với giá cả để giảm nhu cầu đi lại bằng máy bay.
Đối với ông, điều này đòi hỏi hàng loạt biện pháp, từ việc tăng thuế đối với nhiên liệu cho máy bay, cho đến áp thuế với các khách hàng thường xuyên, tăng phí hạ cánh cho các hãng hàng không tại các sân bay hay cắt giảm hỗ trợ trực tiếp của chính phủ cho lĩnh vực này.
Quan điểm này hiện cũng được ủng hộ bởi chính phủ Pháp. Bộ trưởng Giao thông Pháp Clément Beaune gần đây cho biết ông đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các quốc gia EU khác để đặt ra mức giá tối thiểu cho các chuyến bay trong phạm vi EU nhằm cố gắng giúp hạn chế lượng khí thải.
Nguồn: DW, Qz.com, SCMP, Brussels Times, Financial Times, Strait Times, The Guardian