(KTSG Online) - Dự báo giá xăng trong nước sẽ giảm nhiều trong kỳ điều hành định kỳ vào ngày 11-7 nhờ việc giảm kịch sàn của thuế bảo vệ môi trường và bối cảnh giá xăng dầu thế giới sụt giảm.
- Giảm thuế môi trường với xăng còn 1.000 đồng/lít từ ngày 11-7
- Giá xăng giảm 410 đồng một lít sau 7 kỳ tăng liên tiếp
Theo định kỳ vào thứ 2 tuần tới (11-7), giá xăng trong nước sẽ đến đợt điều chỉnh giá. Với việc giá xăng nhập khẩu đang thấp hơn so với 2 kỳ trước đó, có thể giá xăng trong nước sẽ phần nào được "hạ nhiệt".
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 5-7 giảm mạnh so với kỳ trước. Cụ thể, bình quân xăng RON 92 (loại dùng pha chế xăng E5 RON 92) là 138,5 đô la/thùng; xăng RON 95 là 147,2 đô la/thùng. Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới ở kỳ điều hành trước là 147,8 đô la/thùng xăng RON 92, 154,8 đô la/thùng xăng RON 95.
Đáng chú ý, ở kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11-7 tới đây, chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường cũng chính thức có hiệu lực. Theo đó, giá xăng sẽ giảm thêm 1.100 đồng.
Tuy nhiên, mức giảm giá sẽ còn phụ thuộc nhiều vào việc cơ quan quản lý điều hành sẽ trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu bao nhiêu. Bởi lẽ hiện nay Quỹ bình ổn giá xăng dầu của nhiều doanh nghiệp lớn đã bị âm.
Giá cơ sở xăng dầu hiện nay được tính trên 4 yếu tố: giá xăng dầu thành phẩm thế giới, các loại thuế, trích lập - chi sử dụng quỹ bình ổn giá (BOG) và các khoản phí cùng lợi nhuận định mức.
Tính đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 17 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 4 lần giảm; lần giảm giá mạnh nhất là hơn 1.000 đồng/lít và lần tăng mạnh nhất là gần 3.000 đồng/lít.
Hiện, giá xăng E5 RON 92 trong nước đã có kỳ giảm đầu tiên đưa mặt hàng này về mức 30.890 đồng/lít còn xăng RON 95 còn 32.760 đồng/lít, dầu diesel xuống 29.610 đồng/lít.
Tại phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Chính phủ sớm khẩn trương nghiên cứu cắt giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cũng cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ một số đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi giá xăng dầu, như ngư dân, cơ sở vận chuyển hành khách/hàng hóa, người nghèo, thu nhập thấp...
Tại cuộc họp chiều 8-7, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá, cho rằng trong bối cảnh chịu nhiều áp lực, kết quả điều hành giá trong 6 tháng đầu năm là rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh thời gian tới, tình hình diễn biến khó lường, áp lực tăng giá, kiểm soát chỉ số giá và lạm phát rất lớn.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái những hàng hóa thiết yếu ảnh hưởng đến chỉ số giá phải có giải pháp phù hợp, như xăng dầu tuy có sự điều chỉnh nhưng giá xăng RON95 vẫn neo rất cao (32.763 đồng/lít). Vừa qua, chúng ta đã tính toán giảm thuế bảo vệ môi trường. Nếu còn dư địa thì có thể đề xuất với cấp có thẩm quyền giảm thêm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt.
“Phải xử lý nhanh chính sách tài khóa này để kiểm soát vì xăng dầu tác động lớn đến CPI”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố có giải pháp bình ổn giá, kiểm soát giá và thực hiện chức năng quản lý giá ở địa phương, kiểm tra các yếu tố hình thành giá, tình hình có bất thường thì phải tiến hành thanh tra ngay. Giá xăng dầu trong nước đang thấp hơn một số nước trong khu vực, cần tăng cường chống thẩm lậu qua biên giới.