(KTSG Online) - Nếu không có công cụ can thiệp như giảm thuế và phí, khả năng giá xăng dầu trong nước có thể điều chỉnh lên đến 30.000 đồng/lít vào vài ngày tới trong bối cảnh giá dầu thế giới ngày 7-3 lập đỉnh mới gần mốc 140 đô la Mỹ/thùng.
Theo oilprice, lúc 6 giờ 20 phút ngày 8-3 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 120,9 đô la Mỹ/thùng, tăng 1,48 đô la, tương đương 1,24%. Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 123,2 đô la/thùng.
Giá dầu đã quay đầu giảm về quanh mốc 125 đô la/thùng sau khi leo lên 137 đô la/thùng trong phiên giao dịch ngày 7-3 khi các thị trường hoảng loạn trước lệnh cấm vận dầu thô của Nga có thể xảy ra.
Giá dầu đã tăng hơn 60% kể từ đầu năm do khủng hoảng và viễn cảnh Mỹ và các đồng minh phương Tây áp đặt lệnh cấm đới với dầu thô của Nga đã đẩy tốc độ tăng cho giá dầu thô kỳ hạn.
Theo giới phân tích, với giá dầu thế giới tăng cao như hiện nay thì phiên điều chỉnh giá xăng theo định kỳ của Việt Nam vào ngày 11-3 tới có thể sẽ thiết lập kỷ lục mới nếu không có công cụ can thiệp như giảm thuế và phí.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu liên tục tăng cao. Giá bán các loại xăng dầu trong nước hiện tại đang áp dụng mức giá bán được điều chỉnh từ lúc 15 giờ chiều ngày 1-3-2022. Hiện xăng A95 đã gần 27.000 đồng/lít, tăng khoảng 50% so với hơn một năm trước. Đây là mức cao nhất trong vòng hơn tám năm qua.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp giá bán trong nước hiện nay được điều chỉnh ngày 1-3 vừa qua khi giá dầu thế giới quanh ngưỡng 100 đô la/thùng. Và sau 7 ngày giờ đã tăng lên rất nhiều và có thời điểm chạm mốc 140 đô la/thùng vào ngày 7-3.
Theo các doanh nghiệp tính toán, giá thế giới tăng 10%, thì giá về đến Việt Nam (khi cộng các loại phí, thuế) sẽ thành 15%; tương đương mức tăng khoảng 3.000 đồng một lít xăng.
Với mức giá như vậy, hiện giá cơ sở (cấu thành từ giá xăng dầu thành phẩm thế giới, thuế, phí...) là âm hơn 3.000 đồng/lít xăng và dầu DO âm tới 4.000 đồng/lít...
Do đó, theo tính toán của các doanh nghiệp giá kỳ điều hành tới có thể phải tăng lên mức tương ứng, tức giá xăng sẽ tăng lên đạt đến khoảng 30.000 đồng/lít nếu không có công cụ can thiệp như giảm thuế và phí.
Kỳ điều hành vào ngày 1-3 vừa qua, Nhà nước đã xả quỹ bình ổn ở mức hơn 200 đồng/lít xăng. Do đó, theo các doanh nghiệp trong đợt điều chỉnh tới, đơn vị quản lý và điều hành giá xăng dầu sẽ dùng công cụ khác nếu không muốn để giá xăng tăng theo mức tăng của thế giới.
Các chuyên gia cho rằng giá xăng dầu trong nước quá cao có thể làm vô hiệu hóa một số chính sách của Chương trình phục hồi kinh tế tổng thể mà Chính phủ đang tiến hành. Bởi lẽ, giá xăng dầu tăng cao đang tác động mạnh tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; làm chi phí đầu vào tăng cao, giá hàng hóa tăng, tạo áp lực lên lạm phát...
Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc giảm các loại thuế, phí để kìm đà tăng giá xăng dầu. Bởi hiện nay các loại thuế, phí chiếm tỷ trọng quá lớn khiến giá xăng trong nước quá cao. Đơn cử các loại thuế, phí chiếm đến gần 45% giá thành bán ra của 1 lít xăng A95.
Gần đây, Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Cụ thể, xăng được đề xuất mức giảm sâu nhất là 1.000 đồng/lít, tức là thuế bảo vệ môi trường đối với xăng còn 3.000 đồng/lít, thay cho mức hiện hành là 4.000 đồng/lít. Các mặt hàng dầu có chung đề xuất với mức giảm là 500 đồng/lít. Thời hạn áp dụng đến hết 31-12 năm nay.
Bộ Tài chính cũng kỳ vọng, Đề án sớm được trình lên Thường vụ Quốc hội, dự kiến là trong khoảng nửa cuối tháng 3 này. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nếu đề án có hiệu lực từ 1-4-2022 cho hết năm nay, kết hợp giá bán lẻ xăng dầu trong nước ổn định như thời điểm hiện tại trong 9 tháng còn lại, tác động của việc giảm thuế sẽ giúp giảm CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,6 - 0,7%. Bên cạnh đó, việc giảm thuế còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, cũng như tiết kiệm chi tiêu cho người dân
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đề xuất, để tạo hiệu ứng lan toả hơn, Bộ Tài chính có thể cân nhắc đến phương án giảm thuế mạnh mẽ và linh hoạt hơn.
Đặt trong bối cảnh các doanh nghiệp đã trải qua 2 năm khó khăn vì dịch bệnh, trợ lực về thuế, phí lại càng trở nên quan trọng hơn.
Dù đánh giá đây là đề xuất tích cực nhưng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiệp hội thì việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cần mạnh mẽ hơn. Đại diện VCCI kiến nghị mức giảm mạnh mẽ hơn: 2.000 đồng/lít đối với xăng và 1.000 đồng/lít đối với dầu
"Trong bối cảnh xăng dầu tăng cao như vậy thì Việt Nam dự báo được hưởng lợi từ giá dầu thô xuất khẩu tăng. Rồi trong 2 tháng đầu năm, thu ngân sách vừa rồi cũng rất tích cực, cho nên chúng tôi cho rằng tương đối khả thi để giảm phí bảo vệ môi trường trên xăng dầu mạnh mẽ hơn", ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI đề xuất.