Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giải bài toán nhân lực ĐBSCL

BSA

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong khuôn khổ sự kiện Mekong Connect 2021 với chủ đề “Phục hồi kinh tế và liên kết phát triển trong bình thường mới”, các đại biểu tham gia cuộc thảo luận chuyên đề “Nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp và đồng bằng sông Cửu Long” đưa ra nhiều góp ý chính sách khác nhau, nhưng đồng thuận ở quan điểm: bài toán nhân lực cho đồng bằng phải giải từ góc độ kinh tế.

Nông dân ĐBSCL chuẩn bị đất xuống giống vụ lúa đông xuân 2021-2021. Ảnh: H.P

GS. Nguyễn Quân (nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ):

- Đây là chủ đề các địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đặc biệt quan tâm. ĐBSCL là vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây của cả nước, đóng góp lớn cho nền kinh tế, nhưng ĐBSCL lại đang chịu thiệt thòi nhiều nhất, cả về đầu tư, cả về nguồn nhân lực.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp đang xây dựng chiến lược cho nông nghiệp giai đoạn 2030-2045, có xác định nông nghiệp là trụ cột. Việc này cũng còn đang tranh cãi, tuy nhiên, dù có là trụ cột hay không thì vẫn hết sức quan trọng.

Hiện nay nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ sau đại học, đại học, cao đẳng của ĐBSCL rất thấp, thấp hơn cả Tây Bắc và Tây Nguyên. Bản thân tôi cũng ngạc nhiên về thực trạng này. Với thực trạng này, việc công nghiệp hóa sẽ rất khó khăn. Chưa kể làn sóng di cư của ĐBSCL ra các khu vực khác như Đông Nam bộ và kể cả Đà Nẵng nữa.

Việc thiếu lao động có trình độ cao, lao động trẻ là rất phổ biến. Bài toán đặt ra là làm sao đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho ĐBSCL, không chỉ cho ngành nông nghiệp.

Tôi hy vọng những người chọn ở lại quê hương trong đợt tháo chạy Covid-19 vừa rồi (60%) có thể được coi là những người được đào tạo, dù không cao lắm, nhưng họ cũng có những sự đào tạo nhất định, có thể ở lại để xây dựng quê hương, góp phần cho sự phát triển công nghiệp của quê hương.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn (Đại học Cần Thơ):

- ĐBSCL dân số 17,3 triệu người, là vùng có tỷ lệ nhập cư thấp nhất, xuất cư cao nhất. Dân số không tăng mà giảm 0,3%. Có tình trạng di cư tại chỗ, dẫn đến tình trạng các nhà máy thiếu nhân công.

Thiếu lao động, đặc biệt là lao động trẻ, lại thêm thiên tai và biến đổi khí hậu. Vì vậy, không hấp dẫn các nhà đầu tư.

Trong bối cảnh 1,3 triệu người lao động miền Tây về quê tránh Covid-19, hiện chỉ có 40% quay trở lại TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ, những người ở lại này cũng đang có nhu cầu lao động.

PGS.TS. Phan Thanh Bình (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội):

- ĐBSCL chiếm 13% diện tích, gần 20% dân số cả nước, đóng góp lúa gạo, hải sản, cây ăn trái. Trong đó, lúa gạo xuất khẩu của ĐBSCL chiếm đến 90%, thủy hải sản chiếm đến 60-70%. Vì sao thế giới, vì sao Nhật Bản rất quan tâm đến ĐBSCL? Vì họ biết đây là nguồn cung cấp lương thực quan trọng không chỉ cho nước ta mà cả châu Á và thế giới.

Người ĐBSCL vẫn là người Việt Nam, nhưng rất đặc thù, đây là những người rất năng động và sáng tạo. Họ đi vào cái mới rất hay và rất nhanh. Bà con ta có thể học không cao, nhưng thấy cái mới là nhảy vào làm và học được liền.

Chúng ta phải hiểu ĐBSCL, phải hiểu con người ĐBSCL mới có thể giải quyết được vấn đề của ĐBSCL.

Chúng ta có nhiều quy hoạch, bộ nào cũng có nhưng, hình như các quy hoạch đang đi theo các hướng khác nhau.

20 năm trở lại đây vùng ĐBSCL có nhiều thành quả. Đứng về mặt đào tạo, 13 tỉnh ĐBSCL tỉnh nào cũng có trường đại học hoặc phân hiệu các trường đại học, hoặc như Cần Thơ có đến bảy trường. Viện nghiên cứu cũng khá nhiều.

Đối với tôi như vậy tức là cũng có thành quả, thế nhưng, có hai điểm đáng chú ý. Thứ nhất, trình độ học vấn chung, trình độ đào tạo chung thấp. Thuộc loại thấp dưới trung bình cả nước. Mặc dù, nói dân đồng bằng cần thực chất, nhưng thực chất thì phải có cái gì để thể hiện cái thực chất đó chứ. Đó là cái trình độ, cái nền. Nếu nói hội nhập, nói đến công nghệ thì nền tảng này cũng hết sức quan trọng.

Thứ hai, nguồn nhân lực không đáp ứng được nhu cầu phát triển của ĐBSCL, trước hết là nông nghiệp. Chưa kể người trẻ còn rời địa phương để đi lên các thành phố lớn. Và như thế không đáp ứng được để phát triển hết tiềm năng của ĐBSCL. Đi kèm với đó là thu nhập của bà con còn thấp, thấp hơn trung bình cả nước.

Hiện nay, việc giải bài toán nguồn nhân lực cho ĐBSCL còn nhiều vấn đề đặt ra:

Vấn đề thứ nhất là kinh tế: Ta thấy rõ ràng làm giàu bằng nông nghiệp là không dễ. Chúng ta nói an ninh lương thực, nhưng an ninh lương thực dừng lại ở diện tích bao nhiêu là vừa. Từ đó đặt ra vấn đề là công nghiệp phát triển như thế nào? Hay công nghiệp nó đi vào nông nghiệp như thế nào?

Chúng ta cũng chưa nghĩ đến kinh tế biển của ĐBSCL. Chúng ta có cả bán đảo Cà Mau, vậy ĐBSCL đâu chỉ có lúa, hải sản, cây ăn trái, chúng ta có kinh tế biển nữa chứ?

Vấn đề thứ hai đó là biến đổi khí hậu: Người ta nói ĐBSCL là sông nước, nhưng ĐBSCL giờ thiếu nước. Giờ Bến Tre đang dần biến thành vùng nước lợ, chúng ta phải xem xét lại. Tiếp đến là sạt lở. Hàng trăm héc ta ở An Giang, hàng chục héc ta ở Đồng Tháp, rồi mũi Cà Mau nữa, đây cũng là những vấn đề phải nhìn nhận.

Đó là hai vấn đề lớn, nếu không giải quyết được kinh tế và biến đổi khí hậu thì chúng ta không thể nào giải quyết được vấn đề nguồn nhân lực.

Qua các nghiên cứu thực tế tôi thấy có mấy vấn đề như sau: Đầu tiên đó là chiến lược, quy hoạch và quản trị vùng. Tôi nhấn mạnh là chiến lược cho cả vùng chứ không phải cho riêng một tỉnh, thành nào cả. Chính sách nguồn nhân lực phải là chiến lược cho cả vùng. Vấn đề quy hoạch vùng và quản trị vùng phải bài bản từ ngay chỗ này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phải nhìn lại xem quy hoạch và chiến lược chung cho ĐBSCL cho cả vùng và quản trị cả vùng luôn. Hiện nay, hội đồng điều phối vùng đang có cơ chế hoạt động như thế nào?

Kế đến, là giáo dục ở đồng bằng: cứ đến vụ mùa học sinh bỏ học rất nhiều. Vậy bây giờ ta học theo cả nước hay theo mùa vụ của riêng ĐBSCL? Chúng ta phải tính đến chỗ này. Không thể dạy ở ĐBSCL như dạy ở TPHCM được. Đào tạo phải gắn với yêu cầu phát triển của địa phương. Đào tạo chuyên gia phải từ ĐBSCL, cần những người sống tại chỗ. Càng ngày càng hiếm đi các chuyên gia được đào tạo tại chỗ, bám sát thực tiễn của đồng bằng.

Còn về vai trò trung tâm kinh tế dẫn dắt cho đồng bằng: Trước hết là TPHCM và sau đó là Cần Thơ. TPHCM hiện đang sử dụng nhân lực, vật chất của đồng bằng nhưng trách nhiệm với đồng bằng như thế nào? TPHCM phải có chiến lược rõ ràng. Thứ nhất phải chuyển giao kiến thức. Và thứ hai phải chuyển dần những đơn hàng gia công đơn giản về đồng bằng.

Bà Tiêu Yến Trinh (Tổng giám đốc Công ty Talentnet):

- Đồng tình với anh Bình với quan điểm, kinh tế phải dẫn dắt. Theo tôi, có ba chiến lược với nguồn nhân lực: thứ nhất, thu hút nhân tài, săn đầu người; thứ hai là đào tạo nguồn nhân lực; thứ ba là mượn chuyên gia từ các địa phương thậm chí cả cả nước khác.

Về thu hút nhân tài: Tôi sẵn sàng ngồi với lãnh đạo 13 tỉnh để bàn về chiến lược này. Đầu tiên phải đặt câu hỏi là làm sao để thu hút người tài về Mekong. Thứ nhất, phải tạo câu chuyện để họ tự hào. Mình tạo câu chuyện, trao quyền, trao dự án cho họ, họ về ngay, như thế thì phải có dự án trọng điểm. Thứ hai, làm sao giống như Trung Quốc, để thu hút người tài, họ xây dựng cơ sở đất đai, nhà ở, giáo dục, an sinh xã hội... Có thể kết nối với các tập đoàn về giáo dục. Cuối cùng mới đến lương bổng, phúc lợi.

Mặt khác, trong 13 tỉnh, xem ngành nào là trọng điểm sau đó chọn lọc các doanh nghiệp trọng điểm, chẳng hạn tốp 20 doanh nghiệp, giúp họ nâng tầm quản trị, nâng tầm công nghệ để họ thành những mũi nhọn phát triển.

Về đào tạo: Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp. Trước khi đào tạo cần phải hỏi nhu cầu doanh nghiệp. Để doanh nghiệp đặt hàng, nhưng quan trọng phải hiểu trong doanh nghiệp có trường học, trong trường học có doanh nghiệp. Tức là vừa học vừa hành, chứ không phải học xong rồi mới hành.

Về chiến lược mượn chuyên gia: Giờ có những nguồn lực, đặc biệt là về công nghệ, có chuyên môn cao, không thể đào tạo hay thu hút về ngay được thì dùng chiến lược mượn nhân tài ở các địa phương khác, thậm chí cả nước ngoài.

Nói tóm lại, phải đi từ nhu cầu kinh tế. Đào tạo hay giải quyết bài toán về nguồn nhân lực phải đi ra từ nhu cầu thực sự của nền kinh tế. Chẳng hạn bây giờ ta tìm các doanh nghiệp (quy mô) 1.000 tỉ đồng trong 13 tỉnh, thành, tìm ra họ, xem họ là các doanh nghiệp trọng điểm để tìm hiểu nhu cầu nguồn nhân lực và chiến lược, tầm nhìn tương lai của họ ra sao, rồi từ đó giải bài toán nguồn nhân lực cho họ.

Ông Nguyễn Lâm Viên (Chủ tịch Công ty Vinamit):

- Nếu đồng bằng cứ đi theo cách cũ thì chúng ta sẽ thụt lùi. Phải làm sao thay đổi. Phải hướng theo hướng mới, phải đi theo công nghệ sinh học. Phải tạo ra tinh thần đổi mới từ đội ngũ kỹ sư, nông học mới. Chúng ta nghĩ rằng Trung Quốc cần sản lượng, nhưng như thế là sai. Họ cần chất lượng. Chúng ta làm ra sản phẩm chất lượng thì chúng ta tự tin, ngược lại, nếu chúng ta cứ tiếp tục canh tác theo lối hóa học thì chúng ta sẽ thất bại.

Bây giờ chúng ta dựa vào đội ngũ kỹ sư trẻ, tìm các giải pháp sinh học cho vấn đề nông nghiệp. Nếu chúng ta định hướng rõ như vậy thì các sinh viên sẽ đi theo và chúng ta có thể đạt những tiêu chuẩn mang tính bền vững cao hơn. Và chúng ta không sợ không có thị trường.

Chúng ta nên đào tạo nguồn nhân lực từ bây giờ theo định hướng rõ ràng như vậy, tôi tin rằng chúng ta sẽ có một tương lai khác.

PGS.TS. Đàm Sao Mai (Phó hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp TPHCM):

- Nhiều học trò của tôi học xong thì không muốn về quê. Vì nước chảy chỗ trũng, thu nhập ở thành phố cao hơn. Thành ra nghĩ về nguồn nhân lực thì phải nghĩ về vấn đề đó, đó là lương bổng.

Nhưng tôi cũng dạy cho nhiều bạn khởi nghiệp ở các tỉnh. Có nhiều bạn muốn đưa sản phẩm của tỉnh mình ra thị trường, nhưng rất khó vì chưa được đào tạo bài bản.

Như vậy, mình vừa phải làm sao để thu hút người trẻ học ở thành phố về quê và vừa phải làm sao để có những đào tạo cơ bản cho những bạn khởi nghiệp ở địa phương.

Ở các tỉnh thuê mướn nhân sự không đơn giản. Lớn nhất là tiền không có vì chi phí rất lớn.

Chúng ta có thể tính đến chương trình chuyên gia tình nguyện, chi phí thấp, nhưng lại phải đặt ra vấn đề là có người ở địa phương để tiếp nhận và triển khai ra ngoài không. Nông dân mình giỏi, nhưng cũng bảo thủ. Không đơn giản là người ta tin.

Hiện nay mỗi tỉnh đều có trung tâm Innovation, đây nên là đầu mối kết nối.

ThS. Huỳnh Phước Nghĩa (Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing, Đại học Kinh tế TPHCM):

- Khi chúng tôi hoạch định phát triển phân hiệu Vĩnh Long của trường, chúng tôi căn cứ vào ba nền tảng: thứ nhất, tư duy lại doanh nhân nông dân; thứ hai là các khoảng trống đào tạo, đào tạo tại chỗ; thứ ba là xem xét lại phát triển mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường, dạy mà không xài được là không được.

Phân hiệu Vĩnh Long có năm nhóm ngành: 1. Công nghệ sinh học; 2. Năng lực công nghệ cao, công nghệ tự động và áp dụng công nghệ; 3. Đào tạo khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, tinh thần doanh chủ; 4. Kinh doanh quốc tế; 5. Logistics và chuỗi cung ứng.

Nguồn nhân lực ĐBSCL dựa trên các nền tảng và các nhóm ngành mà chúng tôi nghiên cứu cũng có thể là một gợi ý đáng để bàn. Hiện phân hiệu Vĩnh Long cố gắng làm sao để kết nối doanh nghiệp và nhà trường, để nhân lực đào tạo ra đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Ông Văn Hữu Huệ (Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long):

- Tôi là người con của đồng bằng, tôi có bảy ý kiến và sau đó rút ra một vấn đề:

Thứ nhất, có thể vài trăm năm nữa ĐBSCL sẽ thành biển. Vì sao, vì đất lún sụt, nước biển dâng, công trình thì lại cứ xây lên.

Thứ hai, ý thức hệ của dân đồng bằng. Ngày xưa có mảnh vườn, miếng ruộng là sống được thành ra tính liên kết rất dở. Tính liên kết không có.

Thứ ba, Nghị định 48, chưa triển khai được. Phân bón giá cao, hàng làm ra không bán được, không xuất khẩu được nên doanh nghiệp họ không đầu tư vào nông nghiệp.

Thứ tư, hạ tầng cơ sở, các tỉnh phía Bắc có đường không, đường sắt, đường bộ. ĐBSCL, đường bộ cũng không xong.

Thứ năm, an ninh lương thực. Không có chuyển đổi sản xuất. Trồng lúa bán giá thấp trong khi trồng cây khác, nuôi con khác không cho làm.

Thứ sáu, VietGap, GlobalGap chi phí cao, làm mấy năm sau hết hạn. Làm Gap đem ra chợ bán không được so với hàng khác.

Thứ bảy, về học đại học. Tôi có đứa cháu học đại học xong ở Sài Gòn làm. Hỏi sao: nói ở Sài Gòn được 10 triệu. Về tỉnh, vô công ty nhà nước làm được 4 triệu. Chưa kể có em học đại học xong giấu bằng đi làm công nhân.

Từ bảy ý trên tôi kính đề nghị: Trung ương các cấp có cơ chế đặc thù cho ĐBSCL.

Ông Trần Thái Nghiêm (Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ):

- Định vị để phát triển nguồn nhân lực, trước hết cần có quan điểm rõ ràng. Mình xây dựng chính sách để phát triển cộng đồng 17,3 triệu dân, hay để cho trọng trách ĐBSCL nuôi cả nước.

Nếu vấn đề là phát triển cộng đồng 17,3 triệu dân thì nên phát huy lợi thế của đồng bằng. Nếu nói lợi thế là trồng lúa thì xin thưa, trồng lúa có nghĩa là muôn đời nghèo.

Kỹ năng sản xuất, kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi của người dân ĐBSCL rất tốt. Nhưng hiện nay nông nghiệp có ba biến: biến đổi khí hậu, biến đổi thị trường, xu thế tiêu dùng, nên chiến lược đào tạo cần phải có thay đổi để phù hợp với ba biến này.

1 BÌNH LUẬN

  1. Nhiều người cứ bàn mãi việc tranh giành người lao động ở nông thôn và thành phố.
    Trong khi nhiều nước đầu tư robot đã giải quyết đồng thời nhiều vấn đề rất hiệu quả. Tuy nhiên rất cần phải có vai trò và trách nhiệm của Nhà nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới