Giải bài toán tính kết nối lỏng lẻo của vùng Đông Nam bộ
T.H
(TBKTSG Online) - Các chuyên gia, nhà quản lý đã cùng đưa ra các góp ý tại Hội thảo "Thúc đẩy hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ" diễn ra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 22-11, trong đó có các băn khoăn, lo ngại về tính liên kết vùng chưa rõ nét, tính kết nối yếu giữa các địa phương trong vùng cũng như thiếu hụt sự chỉ đạo thống nhất trong thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt.
Kết cấu hạ tầng của Đông Nam bộ nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là hạ tầng giao thông. Ảnh minh họa: TTXVN |
Theo các chuyên gia tại hội thảo, các địa phương trong vùng đã chủ động tìm nguồn đầu tư hệ thống giao thông nội tỉnh và liên vùng để phát triển khi ngân sách trung ương còn khó khăn cho đầu tư phát triển hệ thống đường bộ phía Nam. Cụ thể, Bình Dương đã kêu gọi nhiều nguồn vốn trong và ngoài tỉnh vào đầu tư, trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT) trong giao thông và đạt được thành công ngoài mong đợi. Tại Đồng Nai, chính quyền đã chủ động khắc phục khó khăn về nguồn vốn, tích cực tìm nguồn đầu tư nên những năm gần đây, bức tranh giao thông đường bộ của Đồng Nai có nhiều khởi sắc ấn tượng.
Thiếu tính kết nối vùng
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, tính liên kết vùng tại Đông Nam Bộ vẫn chưa rõ nét. Phân tích cụ thể hơn, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, thứ nhất, khu vực phía nam thiếu sự chỉ đạo thống nhất trong thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt. Thứ hai, cơ chế chỉ huy hiện nay rõ ràng, các chương trình hành động của các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ không kết nối được với nhau, tính kết nối tương đối yếu.
Hội thảo Thúc đẩy hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Báo Tuổi Trẻ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức ngày 22-11 tại TP Vũng Tàu. Dân số chiếm khoảng 18% nhưng đóng góp khoảng 40% tổng thu ngân sách và khoảng 38% GDP cả nước, Đông Nam bộ sẽ còn phát triển hơn nếu giải quyết tốt bài toán kết nối vùng. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm đặc biệt, có nhiều chỉ đạo về việc hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông Đông Nam bộ, bao gồm cả đường bộ với hàng loạt tuyến cao tốc đã và đang được triển khai, đường hàng không, đường sắt, đường thủy, chú trọng hệ thống cảng nước sâu đưa hàng hóa ra thị trường thế giới. |
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cũng chỉ ra, nhận thức về lợi ích nối kết hạ tầng giao thông chưa rõ, vẫn còn xoay quanh trong ranh giới địa phương. Vùng Đông Nam bộ chưa hình thành, cập nhật và chia sẻ dữ liệu chung cho toàn vùng; chưa thành lập được Quỹ đầu tư phát triển hạ tầng cho toàn vùng, do chưa có cơ chế phù hợp và sự đồng thuận; chưa giải quyết bài toán lợi ích giữa các địa phương trong toàn vùng, lợi ích của từng tỉnh thành khi triển khai các dự án đầu tư theo quy hoạch, đứng trên góc độ liên vùng.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, cho biết: Quy hoạch ở vùng Đông Nam Bộ đủ 5 phương thức vận tải, tư vấn trong và ngoài nước đều đã đánh giá là quy hoạch khá hợp lý, nhưng thực hiện thì quá chậm. Hiện tại có 11 tuyến cao tốc trong khu vực, với tổng chiều dài 970 km, Theo quy hoạch đến năm 2020 đưa vào khai thác 497 km nhưng hiện tại mới đưa vào khai thác 122 km, đang đầu tư khoảng 278 km.
Về giải pháp, ông Nguyễn Danh Huy cho rằng, cần quyết tâm chính trị từ Trung ương đến địa phương, các tỉnh trong vùng về việc liên kết vùng. Thứ hai là nguồn lực bao gồm nguồn lực từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và huy động từ tư nhân. Thứ ba là cần giải quyết khó khăn về khung pháp lý, cơ chế phân bổ ngân sách và huy động nguồn lực cho các nhà đầu tư tư nhân.
Ông Trần Hoàng Ngân đưa ra các kiến nghị về ngân sách để đảm bảo nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm mang tính liên kết vùng, tạo ra cực phát triển trọng điểm thúc đẩy nền kinh tế của cả nước. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hiệu lực của bộ máy chính quyền, tạo nền tảng cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh.
Ông đề nghị Bộ Nội vụ hỗ trợ TPHCM hoàn thiện để kịp thời triển khai chính quyền đô thị từ tháng 7-2021. Đề xuất phân cấp thí điểm cho chính quyền địa phương quyết định tất cả các dự án đầu tư, phù hợp với quy hoạch, thuộc thẩm quyền của Chính phủ và tự chịu trách nhiệm, ưu tiên cho 4 địa phương: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cũng theo các diễn giả, thời gian qua, Người đứng đầu Chính phủ đã chắt chiu từng cơ hội để thúc đẩy phát triển đất nước, trong đó có những cơ hội thúc đẩy hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ. Suốt 2 năm qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng nhiều lần họp trực tuyến, làm việc, đưa ra nhiều quyết sách, dành sự quan tâm đặc biệt để phát triển hạ tầng giao thông các địa phương Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Lãnh đạo Chính phủ trực tiếp thị sát thực tế, lắng nghe kiến nghị, giải quyết vướng mắc, đôn đốc chuyện kết nối hạ tầng giao thông ở dự án sân bay Long Thành, ở đường vành đai 3, vành đai 4 cho đến chuyện Cảng Cái Mép - Thị Vải, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu…, cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất…
Riêng sân bay Long Thành, Thủ tướng “nóng ruột” đến mức phải nhắc đi, nhắc lại: "Tháng 10, tỉnh Đồng Nai phải có 1.800 ha đất sạch để khởi động một số hạng mục dự án sân bay", các bộ ngành tính toán kết nối hạ tầng đồng bộ với sân bay với tinh thần tích cực tháo gỡ vướng mắc, không chờ đợi, bị động… Thủ tướng đã thẳng thắn, “ai không làm thì đứng sang một bên".
Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu nhấn mạnh: Hội thảo lần này là bước kết nối quan trọng đầu tiên cho 7 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ, các đại biểu sẽ trao đổi, thảo luận về các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn, có tính chất liên kết vùng, đồng thời nhận diện cụ thể những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất, hiến kế cho Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan liên quan chỉ đạo tháo gỡ để thúc đẩy tiến độ thực hiện.
Bảy tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ sẽ tiếp tục có những chương trình, kế hoạch thường niên để giao lưu, trao đổi, học hỏi, gắn kết tình đoàn kết của các địa phương và rà soát lại kết quả thực hiện những vấn đề chia sẻ hôm nay, hoạch định phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới để phát huy thế mạnh của vùng, lợi thế của từng địa phương trên tổng thể phát triển chung của vùng và của cả nước, giúp giải quyết các lực cản về hạ tầng giao thông, xã hội, dân số và những thách thức phi truyền thống, tạo động lực cho quá trình phát triển của vùng Nam Bộ và góp phần nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế của cả nước.
Nút giao thông ngã ba Cát Lái kết nối khu vực cửa ngõ phía Đông TPHCM với các địa phương Đông Nam Bộ khác và miền Bắc. Ảnh: TTXVN |
Tập trung ưu tiên nguồn lực và cơ chế
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho rằng giao thông là "điểm nghẽn" nghiêm trọng của vùng Đông Nam Bộ, nghẽn trên cả 3 tuyến đường bộ, hàng không và đường biển. Một thực trạng khác là ách tắc, là cảng hàng không trung chuyển quốc tế nhưng sân bay Tân Sơn Nhất quá tải; cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải thiếu đồng bộ, thiếu kết nối đường bộ, đường sắt…
Để phát triển hạ tầng giao thông khu vực này, cần phải thay đổi cả tư duy chiến lược và phương thức hành động. “Phía trước là bầu trời, làm sao để Đông Nam Bộ bay lên?”, ông Thiên đặt vấn đề.
PGS.TS Trần Đình Thiên đề xuất, phát triển của TP.HCM, Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là lợi ích chiến lược quốc gia. Tập trung ưu tiên nguồn lực quốc gia và có cơ chế phát triển vượt trước cho Vùng Đông Nam Bộ để đầu tàu này trở thành đầu tàu hiện đại, vùng dẫn dắt mới phát huy đúng lợi thế và tiềm năng.
Đồng thời, cần thay đổi cách tiếp cận thể chế phát triển vùng, theo đó, thực thể vùng có lợi ích tổng thể, có thực lực ngân sách… Song song với đó, cần thay đổi cách tiếp cận lợi ích - lợi ích quốc gia và lợi ích doanh nghiệp - khi chung sức đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, không phải là “tranh chấp lợi ích” mà là phối hợp các tuyến lợi ích.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, tầm nhìn không mới nhưng phải triệt để thực hiện trong phát triển đồng bộ hệ thống giao thông vận tải - không gian và thời gian, cả đường sắt, đường thủy… Thay đổi, cải thiện quan hệ chức năng và cơ chế phối hợp Trung ương – địa phương trong phát triển hệ thống giao thông trong vùng.
Trao đổi về việc phân bổ nguồn lực đầu tư cũng như thế chế phối hợp giữa Nhà nước và tư nhân ở Đông Nam bộ, ông cho rằng quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp, đặc biệt đối với các công trình giao thông lớn, chưa đúng nguyên tắc thị trường cho lắm. Dường như chi phối vẫn là nguyên tắc chọn thầu.
“Chúng ta làm PPP lợi ích chưa rõ, chưa khuyến khích doanh nghiệp, dẫn đến cơ hội bị bỏ lỡ. Do đó, các bộ, ngành cần có cơ chế đặc biệt cho vùng Đông Nam bộ về cơ chế chính sách phát triển hạ tầng giao thông nhằm khuyến khích doanh nghiệp”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Tổng hợp từ Baochinhphu.vn