Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giải ‘cơn khát’ vaccine ngừa Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giải ‘cơn khát’ vaccine ngừa Covid-19

Đào Loan

Giải 'cơn khát' vaccine ngừa Covid-19

(KTSG Online) – Chỉ hơn nửa tháng, kể từ lúc một nhân viên khách sạn tại Yên Bái, nơi có đoàn chuyên gia Ấn Độ cách ly tập trung, được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2 vào cuối tháng 4, đến nay cả nước đã có hơn 700 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng; 26 tỉnh, thành đã có dịch.

Cho đến thời điểm này, những biện pháp chống dịch mạnh tay đang giúp cả nước cơ bản kiểm soát được Covid-19. Nhưng để các hoạt động kinh tế, xã hội có thể trở lại bình thường thì không có biện pháp nào hữu hiệu bằng việc tăng độ phủ vaccine ngừa Covid-19, nhằm tạo được miễn dịch cộng đồng.

Trong bối cảnh cả thế giới đang "khát" vaccine, phải chăng Việt Nam nên thay đổi cách thức tìm nguồn vaccine, tương tự như việc Chính phủ đang thay đổi kế sách chống dịch theo hướng chủ động tấn công.

Theo văn bản về việc phê duyệt kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility hỗ trợ, được Bộ Y tế đưa ra vào cuối tháng 2 vừa qua, Việt Nam hướng tới mục tiêu 80% dân số được tiêm vaccine để đảm bảo miễn dịch cộng đồng.

Tuy nhiên, căn cứ nguồn cung ứng vaccine hiện tại, mục tiêu trong giai đoạn trên là bảo đảm khoảng 20% dân số cả nước được tiêm phòng khi có đủ nguồn vaccine, đảm bảo 95% đối tượng nguy cơ được tiêm.

Từ cuối tháng 2 đến nay, đại dịch đã không còn như trước. Với những biến chủng SARS-CoV-2 mới, dịch đã bùng lên ở nhiều nơi khiến thế giới càng khan hiếm vaccine hơn.

Tính đến giờ, Việt Nam chỉ mới nhận được hai lô vaccine của AstraZeneca, lô thứ nhất có 117.600 liều, lô thứ hai có 811.200 liều. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dự kiến vào ngày 16-5 tới sẽ có thêm 1,682 triệu liều, tức số lượng có vẫn còn rất ít so với số lượng cần. Cơ quan quản lý y tế cũng đã nhiều lần lên tiếng về khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung ứng.

Hôm 10-5 vừa rồi, thông tin từ cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 cho biết, vì nguồn cung khan hiếm nên đến cuối năm nay vẫn chưa thể có vaccine để tiêm đại trà cho người dân, do đó chưa thể có tác động của vaccine vào miễn dịch cộng đồng một cách đáng kể.

Vì thế, Chính phủ tiếp tục thúc giục và giao Bộ Y tế khẩn trương, chuẩn bị kỹ đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vaccine cũng như bố trí, huy động mọi nguồn lực để thực hiện, tức thực hiện song song cả việc nhập khẩu vaccine từ nước ngoài và tự sản xuất.

Trong khi các công ty sản xuất vaccine trong nước vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm vaccine, còn nguồn cung ở nước ngoài lại khan hiếm, một số ý kiến cho rằng nên thay đổi cách tìm kiếm vaccine. Thay vì tìm nơi để mua vaccine, cơ quan y tế có thể tính đến cách khác là sớm mua công thức để sản xuất tại Việt Nam để nhanh chóng có vaccine tiêm ngừa cho người dân.

Thái Lan đang đi trước trong cách tiếp cận này. Theo một bản tin phát hành trên TTXVN hồi cuối tháng 3, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết, hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) đã bày tỏ hài lòng về các tiêu chuẩn an toàn tại nhà máy sản xuất vaccine Siam Bioscience của Thái Lan và sẽ gửi đến đây lô nguyên liệu đầu tiên vào tháng 6 tới để sản xuất vaccine.

Siam Bioscience đang nâng cấp nhà máy ở tỉnh Pathum Thani để sản xuất hàng triệu liều vaccine AstraZeneca nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và các nước ở khu vực Đông Nam Á.

Vài thông tin gần đây cho thấy, có vẻ như kế sách mới cũng đang được Bộ Y tế tính đến. Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo khẩn trương đàm phán mua trọn gói công nghệ mRNA để sản xuất vaccine tại Việt Nam. (Vaccine mRNA Covid-19 là một trong những loại vaccine giúp cơ thể phòng ngừa Covid-19 đầu tiên đã được phép sử dụng tại Mỹ).

Người đứng đầu ngành y tế cũng chỉ đạo mua và chuyển giao các công nghệ tiềm năng khác đồng thời tham gia vào các cơ chế chia sẻ công nghệ chung của Tổ chức Y tế thế giới.

Trong đợt dịch lần thứ tư này, Thủ tướng Chính phủ đã đề cập đến cách tiếp cận mới trong chống dịch là chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công. Nếu đẩy nhanh hơn nữa kế hoạch tăng nguồn cung vaccine bằng cách nhanh chóng mua công nghệ để tự sản xuất trong nước thì thế chủ động trong phòng chống dịch lại càng được củng cố, giúp cho việc đi lại, giao thương sớm phục hồi trong đại dịch. 

Mời đọc thêm:

Covid-19 xâm nhập bệnh viện, tăng cách ly y tế lên 21 ngày

Người hết cách ly tập trung vẫn phải xét nghiệm SARS-CoV-2

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ để giám sát cách ly và chống dịch

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, tăng thời gian cách ly tập trung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới