(KTSG Online) - Theo Bộ Tài chính, đến hết quí 3 năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công cả nước dự kiến đạt hơn 320.000 tỉ đồng, tương đương gần 48% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023.
- Nam Phi điều tra chống lẩn tránh thuế bán phá giá lốp xe Việt Nam
- Bão số 3 gây thiệt hại hơn 81.500 tỉ đồng
Trong khi tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chung còn chậm thì các dự án giao thông trọng điểm quốc gia lại đang đạt được kết quả khả quan hơn so với mức trung bình cả nước, TTXVN đưa tin.
Cụ thể là dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, giai đoạn 1, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, giai đoạn 1, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1, dự án Vành đai 4 thành phố Hà Nội, dự án Vành đai 3 TPHCM, dự án đường Hồ Chí Minh và dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành.
Đến cuối tháng 8, những dự án giao thông trên đã đạt được kết quả khả quan khi giải ngân được 42.198,74 tỉ đồng, cao hơn 4,9% so với tỷ lệ giải ngân chung của cả nước là 36,7%.
Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cho thấy, việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm đang gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là tại một số địa phương, công tác giải phóng mặt bằng còn chậm. Bên cạnh đó, việc cấp phép khai thác mỏ và thủ tục đầu tư gặp vướng mắc cũng đang gây cản trở tiến độ với nhiều dự án.
Để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công tối thiểu 95% như Chính phủ đã đề ra, Bộ Tài chính kiến nghị thành lập các tổ công tác chuyên trách nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, và đẩy mạnh tiến độ giải ngân tại các bộ, ngành, địa phương.
Cơ quan này đề nghị các cấp, các ngành cần khẩn trương tổng kết, rút kinh nghiệm sâu sắc từ thực tiễn triển khai các dự án lớn, phức tạp, đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình và tiết kiệm chi phí.