(KTSG) - Có lẽ chưa lúc nào vấn đề nguồn nước cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được quan tâm như gần một thập niên qua. Trong tám năm, kể từ 2016, mùa mưa lũ nông dân lo âu khi những kỳ nước nổi mênh mông kéo dài dường như chỉ còn trong ký ức; tới mùa khô, nhiều địa phương ven biển nháo nhào vét những dòng nước ngọt hiếm hoi còn sót; các đoạn sạt lở, sụt lún tiếp tục gia tăng, chưa biết chừng nào giảm bớt con số báo động.
Trong hơn 300 năm, người Việt Nam định cư vùng châu thổ cuối dòng của con sông Mêkông lớn nhất Đông Nam Á - nơi trong quá khứ được mặc định là “thiên nhiên ưu đãi, mưa thuận gió hòa, làm chơi ăn thiệt, văn minh sông nước” - không thể ngờ tới một ngày đối mặt với nguy cơ trầm trọng về nước. ĐBSCL - nơi mỗi năm có thể nhận xấp xỉ 450 tỉ mét khối nước ngọt trước khi đổ ra biển, ngày nay, phải buộc lòng công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, xâm nhập mặn để cầu cứu sự giúp đỡ cấp nước từ những vùng đất khác, với trung ương và với cả những tổ chức quốc tế, ở một vài địa phương, tại một vài thời điểm.
Muốn tìm giải pháp cho vấn đề nguồn nước ĐBSCL, chúng ta cần định danh đúng nguyên nhân của nó, cả chính yếu và thứ yếu. Thực tế, nguồn nước có thể thay đổi theo không gian, thời gian và các đối tượng dùng nước, do đó, trật tự các nguyên nhân chính yếu hay thứ yếu có thể đảo nhau.
Bảy thách thức làm thay đổi nguồn nước và giải pháp
Vùng ĐBSCL hiện nay đang đối diện với bảy nguyên nhân, cũng là bảy thách thức làm nguồn nước thay đổi về số lượng, suy giảm về chất lượng và biến động dịch chuyển về sự phân bố theo thời gian. Trong đó, vùng gặp ba thách thức đáng kể do hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, sự gia tăng phát triển các chuỗi đập thủy điện ở thượng nguồn và các dự án chuyển nước sông Mêkông qua các vùng đất khác gây nên những tác động nước xuyên biên giới.
Bốn thách thức khác do các vấn đề sử dụng nguồn nước không bền vững, bao gồm khai thác nguồn nước quá mức của tự nhiên; sử dụng nước không hiệu quả về kinh tế như tập trung quá nhiều nguồn nước để sản xuất lúa nhiều vụ, kể cả trồng lúa trong vùng đất mặn, trong khi giá trị của lúa gạo mang lại rất thấp; việc thay đổi sử dụng đất như chuyển các vùng chứa nước tự nhiên thành khu đô thị, khu công nghiệp, các sân golf, trong khi tình trạng phá rừng hoặc xâm phạm đất rừng phòng hộ lại phổ biến và cuối cùng là gây ô nhiễm nguồn nước do sử dụng nhiều phân bón hóa học, nông dược, xả thải sinh hoạt và công nghiệp ra thủy vực mà không có xử lý đầy đủ.
Câu hỏi đặt ra là giải pháp sống còn nào cho vấn đề an ninh nguồn nước trước mắt và lâu dài ở ĐBSCL? Tất nhiên cũng cần đến những chính sách kịp thời và những phương cách quản trị nguồn nước cấp vùng thật khoa học, hợp lý và chặt chẽ để không gây ra những hối tiếc về sau với những biến động dự báo là khó lường. Cần thay đổi tư duy sử dụng nước khôn ngoan theo hướng thuận thiên. Có thể liệt kê bảy giải pháp lớn, đó là:
(1) Kiểm kê nguồn nước (số lượng, chất lượng và động thái), đồng thời phải thường xuyên theo dõi, quan trắc và dự báo các biến động nguồn nước xuyên biên giới từ thượng nguồn về đến ĐBSCL. Việc kiểm kê nguồn nước vùng ĐBSCL là một phần của công việc kiểm kê nguồn nước quốc gia theo tinh thần của Nghị định 02/2023/NĐ-CP và khoản 1, điều 12 Luật Tài nguyên nước (2012). Có số liệu kiểm kê nguồn nước, chúng ta mới có kế hoạch sử dụng nguồn nước trên căn bản dữ liệu nguồn nước này cho các ngành, các địa phương.
(2) Tăng cường bảo tồn, phục hồi và duy trì các vùng trữ nước: Đây là nguồn dự trữ và cân đối nguồn nước quan trọng như vùng Tứ giác Long Xuyên (có diện tích trên 480.000-500.000 héc ta), vùng Đồng Tháp Mười (khoảng 680.000 héc ta) và chừng bảy vùng đất ngập nước quan trọng rải rác trong vùng ĐBSCL hoặc một số hồ chứa nước nhân tạo ở An Giang, Kiên Giang. Vùng trữ này có thể dự trữ và lấy ra sử dụng cho những thời đoạn khan hiếm như lúc khô hạn, xâm nhập mặn, là nguồn cấp của các nhà máy thủy cục rời vào giai đoạn thiếu hụt nguồn nước hoặc nguồn nước có vấn đề về chất lượng khó xử lý.
(3) Mạnh dạn thu hẹp một phần diện tích trồng lúa ít hiệu quả: Có thể chỉ duy trì khoảng 1,2-1,3 triệu héc ta diện tích lúa vào mùa mưa và chừng 0,6-0,7 triệu héc ta vào mùa khô. Các diện tích trồng lúa này chỉ nên tập trung ở vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng ven sông Tiền, sông Hậu và một phần vùng Đồng Tháp Mười.
Đây là những nơi gần như có nguồn nước ngọt quanh năm như trong báo cáo Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt năm 2022. Phần diện tích này không làm chúng ta thiếu hụt nguồn cung gạo và diện tích khác sẽ được bù bằng những loại nông sản khác ít tốn nước hơn như bắp, khoai, đậu, rau trái, thủy sản... mà giá trị kinh tế cao hơn. Có thể ĐBSCL sẽ giảm một phần gạo xuất khẩu nhưng vẫn bảo đảm Việt Nam không rơi vào việc thiếu hụt an ninh lương thực.
Bảy thách thức làm nguồn nước thay đổi, trong đó, ba thách thức đáng kể do hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, sự gia tăng phát triển các chuỗi đập thủy điện ở thượng nguồn và các dự án chuyển nước sông Mêkông qua các vùng đất khác; bốn thách thức khác do các vấn đề sử dụng nguồn nước không bền vững nội tại.
(4) Cắt bỏ các nguồn gây ô nhiễm, hoặc buộc các hoạt động công nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước như nhà máy chế biến nông thủy sản, nhà máy nhiệt điện, phải có những cải tiến công nghệ xử lý và tái sử dụng nước. Cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra và phạt nặng các hành vi xả thải trái phép. Kiểm soát chặt và truyền thông cho người dân hạn chế sử dụng hóa chất trong sản xuất nông, thủy sản.
(5) Rà soát và điều chỉnh pháp chế nguồn nước, các văn bản pháp quy liên quan đến quản trị nguồn nước phải chặt chẽ hơn, sát với tình hình thực tại và cần tham khảo thêm các tiêu chuẩn dùng nước, tiêu chuẩn xử lý và xả thải ra thủy vực. Công việc này gắn kết với giải pháp (4). Việt Nam cần có những chính sách ưu đãi thuế và khen thưởng các đơn vị đầu tư khoa học và công nghệ tiết kiệm nước, giảm xả thải và có biện pháp tái sử dụng, quay vòng nguồn nước.
(6) Thu hút sự tham gia của người dân trong quản trị nguồn nước. Người dân được quyền giám sát chất lượng nguồn nước, có ý kiến về các kế hoạch sử dụng nguồn nước địa phương và đặc biệt họ phải được thông tin đầy đủ, minh bạch về hiện trạng và các vấn đề nguy cơ về nguồn nước cũng như các đe dọa thiên tai liên quan đến nước.
(7) Tăng cường hiện đại hóa các trạm quan trắc và tần suất theo dõi biến động nguồn nước, có thể kết nối các trạm đo với các thiết bị theo dõi và truyền thông tin tự động kịp thời đến những người ra quyết định, các ngành dùng nước và công chúng.
Hành động cho tương lai
Trong các kế hoạch hành động cấp vùng và cấp tỉnh, các quyết sách phải bao hàm cả biện pháp phi công trình và biện pháp công trình. Về ngắn hạn, giải pháp phi công trình tỏ ra hiệu quả, chi phí thấp, áp dụng dễ hơn và hiệu quả ở cấp cộng đồng. Các giải pháp phi công trình như điều chỉnh lịch thời vụ sát sao, áp dụng các phương pháp tưới tiết kiệm, chống thất thoát nước, các giải pháp chuyển đổi cây trồng vật nuôi căn cứ vào chất lượng nguồn nước (ngọt, lợ, mặn), hướng đến những chọn lựa canh tác ít hơn nhưng nông sản sau chế biến sẽ có giá trị cao hơn.
Cùng với đó, vùng đồng bằng cần khuyến khích người dân trữ nước mưa, nước sạch vào cuối mùa mưa qua những vật chứa truyền thống dựa vào kinh nghiệm bản địa hoặc giúp người dân xây những bể xi măng chắc chắn hoặc mua các túi chứa nước đặt gần nhà để trữ nước, áp dụng phương pháp tưới khô - ướt xen kẽ (Alternate Wet and Dry Irrigation - AWDI). Khi nguồn nước khan hiếm hoặc có vấn đề, người dân nên tham vấn cộng đồng cách ưu tiên phân phối nguồn nước, ví dụ như ưu tiên cho ăn uống, chăn nuôi gia súc, gia cầm, bổ sung nước cho các ao nuôi thủy sản, các vườn cây có giá trị, nếu cần, cắt bỏ vụ khi nguồn nước thật sự khan hiếm.
Giải pháp công trình cần từ những chọn lựa đầu tư nhỏ hoặc vừa trước khi nghĩ đến những công trình lớn hơn để tránh những hối tiếc khó sửa về sau. Cần lưu ý các biện pháp đầu tư quan trắc và thông tin nguồn nước. Các hoạt động nạo vét kênh mương, ao, vùng trũng nên làm định kỳ. Từng bước đầu tư các nhà máy lấy nước thô từ các tỉnh đầu nguồn (An Giang, Đồng Tháp) bơm nước qua đường ống về bổ sung cho các nhà máy cấp nước vùng ven biển. Giải pháp này tuy tốn kém nhưng nguồn nước đưa về các vùng ven biển ít thất thoát và không nhiễm bẩn, đặc biệt tăng mức độ an toàn cấp nước.
Việc khảo sát, thiết kế và xây dựng các hồ trữ nước cho các tỉnh cũng cần đặt ra nhưng nên chọn theo cách phân tán nhiều ao hồ nhỏ sẽ quản lý hữu hiệu hơn là một công trình hồ chứa quá lớn, quá sâu có thể bị mất nước lớn do thấm, bốc hơi mạnh, nhiễm phèn hoặc rút cạn các ao mương nhỏ chung quanh. Về lâu dài, ĐBSCL nên nghiên cứu thực hiện công nghệ bổ cập nhân tạo nguồn nước dưới đất như là một giải pháp tích nước mùa mưa lũ, có thể để dành, phục hồi sự sụt giảm các vỉa nước ngầm hiện này, hạn chế lún nền đất và có thể sử dụng khi gặp tình huống khan hiếm nước vào mùa khô.
(*) Đại học Cần Thơ
Sao các tỉnh không học tập cách làm thủy lợi của tỉnh Trà Vinh. Dù là tỉnh giáp biển, nhưng nhờ có các cống ngăn mặn và trữ nước ngọt trong các kênh cộng với trạm bơm nên Trà Vinh ít bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, đồng thời đối với các khu vực thiếu nước không thể khắc phục thì Trà Vinh khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Bây giờ điều cần làm là xây dựng các cống ngăn mặn, các trạm bơm, đào sâu mở rộng các kênh, mương có sẵn để trữ nước sử dụng cho mùa khô.
Khép cống, bao đê không phải là một cái gì dặc sắc của Trà Vinh. Các tỉnh cũng được đầu tư về các công trình dự án thủy lợi và nó được tiến hành theo tui nhớ là vào khoảng những năm 1990. Khép cống ngăn mặn phải đồng bộ hạ tầng nội đồng, hạ tầng giao thông và chuyển đổi phương thức, phương tiện vận chuyển, đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn và Trà Vinh có thể là một trường hợp được ưu tiên. Mới đây Cần Thơ hội thảo hội nghị gì đó bàn về thương lái cũng đề cập chuyện mở cống cho ghe chuyên chở là một diển hình về khâu thu gom trung gian làm phát sinh chi phí logistics tái cơ cấu nông nghiệp chưa giải quyết được. Khép cống chứa nước còn chịu tác động bởi mức độ nắng hạn và cũng như xâm nhập mặn, nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu… Trong các giải pháp phi công trình và công trình bài viết đưa ra là khá hợp lý. Tuy nhiên có thể bổ sung giải pháp xây dựng nhà máy lọc nước mặn để cung ứng cho hậu cần chiến lược biển kể cả nước sinh hoạt, sản xuất và muối công nghiệp, muối tiêu dùng.
Một biện pháp, tuy bé nhưng tôi nghĩ quan trọng, đó là: Từng người, đặc biệt là nông dân, phải có ý thức tiết kiệm nước.
Từ những năm một chín chín mấy, rồi mới đây trên ti vi, thấy bà con ta tưới cây bằng cái vòi nhựa không có hoa sen đã thấy sốt hết cả ruột.
Còn trên Tây nguyên thì khi UNESCO có những dự án khoan giếng, bà con ta để nước chảy suốt ngày đêm. Quay lên ti vi thì trông mát lắm, hình ảnh ấn tượng lắm,… nhưng ở dưới thì nước ngầm cạn, tất yếu là sụt đất.
Nên xây dựng nhiều hồ nhỏ cấp thôn, xã. Mỗi xã cần xây khoảng 3-4 hồ nhỏ tùy điều kiện địa phương. Điều này vửa giảm chi phí xây dựng, tận dụng nguồn lực địa phương, ít bị nguy hiểm vỡ hồ xảy ra như xây hồ to.
Phải đào ao hồ nhiều vào