Thứ bảy, 3/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giải pháp nào để ĐBSCL thoát khỏi vòng lặp ‘xói lở và mất rừng’ vùng ven biển?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trồng rừng ngập mặn bước đầu được xác định giải pháp hiệu quả để hạn chế những tác động tiêu cực đến khu vực ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sinh kế của người dân được giải quyết ra sao để họ “nhường đất” cho phát triển rừng?

Xói lở ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Trung Chánh

Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam (SIWRP) và Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) vừa có khảo sát nhanh ở 5 địa phương ven biển ĐBSCL, gồm Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Việc khảo sát nhằm đánh giá thực trạng và đưa ra các giải pháp để bảo vệ vùng ven biển ĐBSCL.

Mất đất, suy thoái rừng nghiêm trọng

Ông Trần Duy An, Phó trưởng phòng quy hoạch thuỷ lợi của SIWRP, đánh giá vùng ĐBSCL nói chung và khu vực khảo sát (5 địa phương nêu trên) nói riêng đang đối mặt với những thách thức phức tạp do tác động của tự nhiên và hoạt động do con người gây ra, bao gồm biến đổi khí hậu; xây dựng đập thuỷ điện ở thượng nguồn sông Mekong; khai thác cát trên dòng chính và dòng nhánh ở ĐBSCL.

Một vấn đề đáng báo động được chỉ ra qua chuyến khảo sát, đó là sụt lún đất đang diễn ra trên diện rộng, nhất là ở các tỉnh ven biển khi ghi nhận tốc độ sụt lún trung bình là 10-30 mm/năm, thậm chí có nơi lên đến 20-30 mm/năm do khai thác nước ngầm gây ra.

Theo ông An, hệ quả của những yếu tố tiêu cực nêu trên là tình trạng xói lở bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn và xâm nhập mặn diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn.

Theo đó, ĐBSCL có khoảng 285km bờ biển bị xói lở, trung bình hàng năm có khoảng 300 héc ta đất mất đi. “Xu hướng này sẽ ngày càng tăng”, ông An nói và cho biết, vành đai rừng ngập mặn- vốn là tuyến phòng thủ tự nhiên quan trọng- đang bị suy thoái và thu hẹp nghiêm trọng ở nhiều nơi.

Kết quả khảo sát của SIWRP và IUCN cho thấy, riêng năm 2024, tổng diện tích rừng bị “xóa sổ” ở các địa phương được khảo sát gần 131 héc ta. “Đai rừng phòng hộ ngoài đê của 5 tỉnh (được khảo sát) đang trong tình trạng mong manh, chịu áp lực lớn từ xói lở và các hoạt động của con người”, báo cáo khảo sát viết.

Trong khi đó, tình trạng xói lở bờ biển diễn ra rất nghiêm trọng, gây mất đất trên diện rộng ở cả 5 địa phương được khảo sát. Trong đó, tại tỉnh Bến Tre có 19 trên 65km bờ biển bị xói lở nghiêm trọng, gây mất đất với tốc độ trung bình khoảng 20-25 mét/năm.

Còn tại Sóc Trăng, các điểm nóng xói lở ở huyện Vĩnh Châu có tốc độ mất đất lên đến 30 mét/năm; tuyến đê biển Đông ở tỉnh Bạc Liêu dài 56km thường xuyên bị sạt lở, nhất là ở khu vực bị mất rừng phòng hộ ở khu vực Nhà Mát, Gành Hào. “Tốc độ xói lở một số nơi lên đến 25 mét/năm”, báo cáo viết.

Rõ ràng, tình trạng mất đất và suy thoái rừng phòng hộ ở các địa phương ven biển vùng ĐBSCL nói chung và 5 địa phương được SIWRP và IUCN khảo sát nói riêng diễn ra rất nghiêm trọng.

Rừng phòng hộ ven biển biến mất ở nhiều địa phương khu vực ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Khôi phục rừng gặp thách thức không nhỏ

Vòng lặp của “xói lở và mất rừng”, đó là khi xói lở xảy ra sẽ phá huỷ rừng và khi rừng mất đi làm xói lở diễn ra nhanh hơn và điều này tiếp tục làm mất rừng. Đây là vòng xoáy tiêu cực khiến việc phục hồi rừng tự nhiên và cả trồng rừng cũng trở nên rất khó khăn, dù rừng được xác định là một trong những giải pháp hiệu quả bảo vệ bờ biển ĐBSCL.

Tại hội thảo “Hiện trạng bảo vệ bờ biển và khả năng ứng dụng giải pháp dựa vào thiên nhiên hỗn hợp” diễn ra mới đây ở thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Thanh Phong, đại diện của IUCN, cho biết để giải quyết các vấn đề nêu trên, khu vực ĐBSCL đã triển khai nhiều giải pháp, bao gồm giải pháp công trình (xây kè, đê chắn sóng, đê biển, kè mềm tích tụ phù sa...) hay giải pháp dựa vào thiên nhiên kết hợp xây kè chắn sóng tạo bãi bồi để trồng rừng ngập mặn.

Theo ông Phong, ở phía ngoài đê biển, tức phạm vi thuộc đất công nên có thể triển khai trồng rừng ngập mặn được dễ dàng, nhưng gặp thách thức về mặt kỹ thuật là chi phí đầu tư lớn cho kè chắn sóng nhằm bảo vệ lớp rừng phòng hộ được trồng.

Còn phía trong đê, có ưu điểm trồng rừng sẽ không phải đầu tư kè chắn sóng, nhưng đất có sổ đỏ của cá nhân, cho nên, nếu thực hiện trồng rừng vấn đề phải tính đến là đảm bảo được sinh kế khi người dân “nhường đất” cho phát triển rừng ngập mặn.

Câu hỏi được đặt ra, đó là kinh nghiệm thực tế của việc phát triển rừng trên đất sổ đỏ như thế nào?

Theo ông Phong, ở bên trong đê, hiện chưa có dự án được thử nghiệm trồng rừng trên đất sổ đỏ để xác định có thể thực hiện được hay không.

Từ thực tế nêu trên, SIWRP và IUCN đã đưa ra ý tưởng xây dựng mô hình để đánh giá kết quả, trong đó, hỗ trợ người nông dân chuyển đổi nuôi tôm/thuỷ sản truyền thống sang mô hình nuôi công nghệ cao, sử dụng ít đất hơn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả về mặt kinh tế để nhường đất trồng rừng. “Rừng được trồng lúc này ngoài nhiệm vụ bảo vệ cho vùng ven biển ĐBSCL, còn đóng vai trò như một phần của hệ thống xử lý nước thải cho nuôi thuỷ sản”, ông Phong cho biết.

Theo đó, SIWRP và IUCN phối hợp với người dân và chính quyền hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu thử nghiệm khôi phục 18 héc ta rừng ngập mặn trên đất sổ đỏ kết hợp phát triển thủy sản nhằm đánh giá kết quả để làm cơ sở thúc đẩy mở rộng trong tương lai, giúp ĐBSCL thích ứng tốt hơn trước những tác động tiêu cực.

Mô hình được thiết kế tuần hoàn khép kín, tức không xả thải, không lấy nước từ bên ngoài, giúp giảm dịch bệnh, tăng hiệu quả nuôi, mang lại kinh tế cao hơn. “Tất cả nhằm mục tiêu tạo lợi nhuận cho người dân và rừng cũng mang lại sinh kế (kỳ vọng bán tín chỉ carbon từ rừng), thì hy vọng sẽ được nhân rộng”, ông Phong cho biết và thông tin, cuối năm 2025 sẽ đánh giá kết quả để rút ra bài học triển khai cho năm 2026.

TS Nguyễn Nhứt đến từ Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II, cho biết để thúc đẩy người dân phát triển rừng trên đất sổ đỏ, đầu tiên cần phải thay đổi chính sách theo hướng giúp người dân có thể tạo thêm sinh kế từ rừng. Ông đưa ra dẫn chứng, để sản xuất 1kg cá dứa, cần khoảng 7kg lá cây mắm (ủ để làm thức ăn), nhưng luật lại không cho khai thác.

“Vậy phải phải làm cách nào?”, ông Nhứt đặt câu hỏi và gợi ý, cần sửa quy định để phát triển rừng trên đất sổ đỏ, tức phải coi rừng đóng góp trực tiếp cho tài sản của người dân, phải được thu hoạch, tạo ra giá trị kinh tế.

Ông Phạm Trọng Thịnh, Nguyên phân viện trưởng Phân viện điều tra quy hoạch rừng Nam bộ, Tư vấn cao cấp của Chương trình quy hoạch vùng hạ lưu sông Mekong, cho biết phục hồi rừng khu vực ngoài đê biển rất khó khăn, bởi thiếu đê cứng bảo vệ sẽ không trồng được.

“Năm 2022, một công ty Nhật Bản khảo sát muốn trồng rừng ở tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng để lấy tín chỉ carbon, nhưng cuối cùng không làm, bởi nếu xây đê cứng bảo vệ họ bị lỗ vốn”, ông Thịnh dẫn chứng và thông tin, doanh nghiệp này phản hồi vẫn muốn trồng rừng, nhưng với điều kiện Chính phủ hoặc một cơ quan nào đó phải đầu tư đê cứng.

Trong khi đó, để phát triển rừng bên trong đê, trước mắt phải chứng minh hiệu quả, tức tạo được sản phẩm, giúp mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. “Rõ ràng, phải có mô hình hiệu quả để người dân tin, đồng thời, giúp chính quyền từ địa phương đến Trung ương thấy việc trồng rừng mang lại lợi ích để có chính sách nhân rộng ra”, ông cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới