(KTSG) - Quan điểm không hình sự hóa các quan hệ dân sự - kinh tế đã được nói đến từ mấy chục năm trước nhưng hầu như không có sự chuyển biến. Nghị quyết 68/NQ-TW của Bộ Chính trị đã thổi vào xã hội một tinh thần mới, cụ thể và quyết liệt hơn. Tuy nhiên, đó vẫn là một bài toán không đơn giản, nên để thành công, cần thiết có sự bàn thảo nhằm có cách tiếp cận vấn đề đúng đắn.
- Hình sự hóa quan hệ dân sự
- Việt Nam cam kết với nhà đầu tư không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự
Cắt nghĩa “hình sự hóa” là gì ?
Hình sự hóa nói ở đây đương nhiên không phải là việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm hay khởi tố một vụ án hình sự trên cơ sở tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Mà vấn đề là những quan hệ hay vụ việc theo tính chất khách quan không thuộc lĩnh vực hình sự, hay không có lý do hợp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự. Chẳng hạn như nó chỉ liên quan đến các bên tham gia như một giao dịch dân sự, thương mại, thậm chí một vi phạm hành chính có tính chất cục bộ, nhưng không tác động tới mức gây nguy hiểm cho lợi ích và trật tự công cộng chung, tuy nhiên lại bị các cơ quan chức năng chuyển thành một vụ án hình sự, dù mới để khởi tố điều tra chứ chưa được viện kiểm sát truy tố và tòa án xét xử.
Hình sự hóa gây tác động và hệ lụy ra sao?
Nếu hình sự hóa chỉ là hệ quả của các sự vụ đơn lẻ khi áp dụng sai, nhầm lẫn hay lạm dụng giữa pháp luật dân sự - kinh tế hay hành chính và pháp luật hình sự thì tác động và hệ lụy của nó hẳn không lớn. Hơn nữa, thực tế đó khó có thể tránh khỏi ở bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, nhiều năm qua, mặc dù dư luận đã phản ánh sự bức xúc xã hội với phản hồi đồng tình từ nhiều nhà lãnh đạo, các sự vụ đó không những không dừng lại hay giảm bớt mà còn có xu hướng tăng lên, trở thành một thực tế hành xử mới trong mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý, cơ quan bảo vệ pháp luật và người dân, doanh nghiệp.
Về tác động, điểm đáng lo ngại nhất là thông qua hình sự hóa, chức năng giám sát thực thi pháp luật của bộ máy nhà nước nói chung thông qua các biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra hay thậm chí sử dụng chế tài hành chính để nhắc nhở, răn đe người vi phạm đã bị bóp méo hay vô hiệu hóa, dẫn đến tình trạng chuyển việc, dồn việc và cuối cùng là ỷ lại vào các cơ quan tư pháp mà tập trung là hệ thống điều tra của ngành công an.
Tại sao xu hướng này được thúc đẩy trong những năm qua? Bởi dường như tất cả các bên chủ động tiến hành quá trình này, bao gồm đương sự có quyền, cơ quan quản lý và cơ quan xử lý, đều “thắng”.
Về hệ lụy, điểm đáng lưu ý không chỉ là các tổn thất, thiệt hại không đáng có về cả tinh thần và vật chất đối với các bên là nạn nhân của hình sự hóa, mà quan trọng hơn, đó là sự mất dần niềm tin và sự tín nhiệm của người dân nói chung và các doanh nghiệp nói riêng vào hiệu lực thực thi của pháp luật và uy tín của các cơ quan quản lý. Nghiêm trọng hơn đối với quốc gia, cách thức và thực tiễn hành xử này trở thành một điểm nghẽn thể chế, gây xáo trộn đời sống dân sự và cản trở sự phát triển.
Điều này giải thích tại sao thay cho các lời kêu gọi, Nghị quyết 68 lần này phải nêu đích danh, chỉ tận việc nhằm chống lại xu hướng hình sự hóa.
Nguyên nhân nào dẫn đến hình sự hóa?
Tôi vẫn cho rằng câu chuyện hình sự hóa bắt nguồn từ một cách nghĩ hay ứng xử đời thường. Nó đơn giản và có vẻ hợp lý, đó là “Việc gì không giải quyết được bằng dân sự hay hành chính thì hình sự hóa”. Tuy nhiên, phân tích sâu hơn thì cần làm rõ như sau:
Thứ nhất, tại sao sự vụ không được giải quyết bằng con đường dân sự hay hành chính?
Giữa các sự vụ dân sự và hành chính đương nhiên có lý do của hình sự hóa khác nhau nhưng cùng chung một logic. Đơn cử một giao dịch dân sự như vay nợ. Nếu bên cho vay đòi mãi mà bên vay không trả thì theo pháp luật bên cho vay có quyền khởi kiện ra tòa. Nhưng anh ta không làm thế vì thấy phức tạp, tốn kém mà cuối cùng có thể đạt được cái lý đúng nhưng không hẳn lấy lại được tiền. Thay vì thế, anh ta tìm cách báo công an để hình sự hóa. Rất may nhưng cũng đáng buồn là cách này thường mang lại hiệu quả. Với việc xử lý một vi phạm hành chính cũng tương tự.
Ví dụ, bên xử lý là cơ quan thuế cảm thấy khó khăn trong việc buộc người vi phạm nộp thuế, nhưng không quyết đoán để mở thủ tục tố tụng tại tòa, mà chọn ứng phó an toàn bằng cách chuyển sự vụ sang cơ quan công an để điều tra hình sự. Theo đó, người nộp thuế có thể ngay lập tức phải chịu sức ép để nộp tiền như buộc khai báo tài sản, thu nhập, bị công bố tên tuổi và hạn chế đi lại, xuất nhập cảnh.
Như vậy sự giống nhau là cùng thiếu niềm tin vào hệ thống hạ tầng pháp luật vốn được thiết kế theo sự phân định chức năng một cách bài bản và khoa học, dẫn đến sự cảm nhận bất lực của các chủ thể có liên quan khi cân nhắc để hành xử đúng bài bản trong mỗi vụ việc. Điều cũng giống nhau và có ý nghĩa hơn trong cả hai loại sự vụ nói trên, đó là thường khi được yêu cầu, cơ quan công an sẽ sẵn sàng tiếp nhận sự chuyển việc và chuyển cả trách nhiệm. Bởi trên tất cả, cách hành xử kiểu “chuyền bóng” ấy xem ra đúng quy trình theo luật định.
Thứ hai, nếu chuyển sang hình sự hóa thì có ích lợi gì?
Tại sao xu hướng này được thúc đẩy trong những năm qua? Bởi dường như tất cả các bên chủ động tiến hành quá trình này, bao gồm đương sự có quyền, cơ quan quản lý và cơ quan xử lý, đều “thắng”. Đó là sự thành công ở các cấp độ khác nhau từ việc xử lý nhanh chóng và đạt kết quả công việc, bao gồm cả lợi ích về vật chất và các điểm cộng về thành tích. Cái “thắng” của hình sự hóa này đương nhiên lấn át và che lấp mọi khổ đau, thất thiệt, cả đáng có và không đáng có, mà các đối tượng là nạn nhân của nó phải gánh chịu.
Thứ ba, nguyên nhân cội rễ của vấn đề ở đâu?
Thực chất, để truy cứu sai phạm trong từng vụ việc hình sự hóa cụ thể là việc làm không thể, trừ góc độ phân tích chuyên môn. Bởi ai sẽ làm công việc điều tra và xác minh khi bên làm việc đó chính là những người trong cuộc, hơn nữa một khi kết luận được chờ đợi sẽ là sự lạm dụng quyền lực để làm trái hay vượt quá chức năng và thẩm quyền. Do đó, theo logic hình thức, khi các bộ phận chức năng đều tỏ ra vận hành đúng nhưng kết quả đầu ra lại không như mong đợi thì cần phải đi tìm nguyên nhân từ hệ thống.
Đặt vấn đề như vậy sẽ dẫn đến câu chuyện dài để bàn thảo. Từ góc độ nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn cá nhân, tác giả xin nêu lên hai luận điểm về thể chế trong giải quyết bài toán này. Đó là việc cải cách hệ thống tư pháp để đưa tòa án thực sự vào trung tâm, đồng thời cải cách cơ chế trong cả xây dựng và thi hành pháp luật nhằm đặt mục tiêu bảo đảm các quyền con người, quyền công dân lên trên hết.
Đề xuất nào để ngăn chặn, hạn chế hình sự hóa?
Để thực hiện mục tiêu đó, trong bối cảnh sửa đổi Hiến pháp và các đạo luật có tính nền tảng về hình sự và tố tụng hình sự, cũng như các luật về tổ chức cơ quan nhà nước mà Quốc hội đang bàn, có thể tiến hành hai giải pháp như sau:
Một là, về luật tố tụng, cần bổ sung các quy trình độc lập và riêng biệt ở giai đoạn tiền xét xử, cho phép các đương sự bị khởi tố hình sự trong giai đoạn truy tố hay sau khi có kết luận điều tra được khiếu nại để tòa án mở thủ tục xem xét tính chính đáng của việc truy cứu trách nhiệm hình sự, trên cơ sở đó kết luận sự vụ có bị hình sự hóa trái pháp luật hay không.
Hai là, cần lưu ý việc hình sự hóa theo nghĩa rộng có thể bao gồm cả việc cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp ban hành những văn bản pháp luật nhằm “nâng cấp” lên thành tội phạm hình sự những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng về bản chất thuộc quan hệ dân sự - kinh tế hoặc hành chính. Do đó, cần thiết lập các tòa án độc lập để xem xét tính hợp hiến của các quy định pháp luật, xét xử các khiếu nại về việc các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành hay bị lạm dụng trong thực thi làm xâm hại các quyền cơ bản của tổ chức, công dân đã được hiến định.
Hai đề xuất cải cách nói trên không mới mà là thực tiễn phổ biến ở các nhà nước pháp quyền. Ủng hộ tinh thần cải cách mạnh mẽ của lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, thiết nghĩ hai giải pháp đó chính là bước thể chế hóa các nội dung chỉ đạo rõ ràng, cụ thể của Nghị quyết 68/NQ-TW.