Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giải quyết ô nhiễm: chỉ cần làm đúng luật

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giải quyết ô nhiễm: chỉ cần làm đúng luật

Đến bao giờ những dòng kênh đen tại TPHCM mới trở lại trong xanh như hơn 10 năm trước đây? – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Câu chuyện Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải suốt 14 năm qua chỉ là một trong số những câu chuyện về sự hủy hoại môi trường và cũng là minh chứng cụ thể về buông lỏng quản lý nhà nước.

>> Ô nhiễm: “thủ phạm” từ các khu công nghiệp!

Sự yếu kém trong quản lý nhà nước đối với vấn đề môi trường được thể hiện từ khâu quy hoạch, cấp phép đầu tư, cho đến cách thức xử lý các doanh nghiệp vi phạm.

Phát biểu tại hội nghị chuyên đề về ô nhiễm môi trường trên địa bàn TPHCM được tổ chức sáng 7-10, đại biểu HĐND Đặng Văn Khoa đã nói trước hàng trăm đại biểu tham dự hội nghị rằng thực trạng môi trường trên địa bàn thành phố không còn ở mức báo động nữa, mà đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Nguyên nhân gây ô nhiễm thì rất nhiều, nhưng theo ông Khoa, có 3 nguyên nhân chủ quan lớn. Trước hết, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường từ cấp trung ương đến địa phương trong thời gian qua đã nói và hô hào nhiều hơn là hành động, và chính quyền buông lỏng khâu quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Ông Khoa dẫn chứng Luật Bảo vệ môi trường ban hành từ năm 1993, trong đó, điều 27 ghi rõ rằng “mọi cở sở sản xuất kinh doanh, bệnh viện, khách sạn … đều phải có hệ thống xử lý chất thải trước khi thải ra ngoài phạm vi quản lý của mình”.

“Như vậy suốt từ hơn 15 năm qua, nhà nước chúng ta thực thi luật bảo vệ môi trường này như thế nào đây?!”, ông Khoa hỏi  

Nguyên nhân thứ hai, theo vị đại biểu HĐND này, là do các nhà sản xuất kinh doanh đã thiếu trách nhiệm với cộng đồng về mặt thực thi pháp luật lẫn trách nhiệm, lương tâm trước xã hội. Có thể nói rằng họ vì lợi nhuận đã bất chấp tất cả.

Và một trong những nguyên nhân quan trọng khác là phản ứng của người dân trước thực trạng ô nhiễm môi trường quá yếu ớt, chưa quyết liệt. “Người dân chưa phát huy hết sức mạnh của quyền làm chủ đất nước này khi môi trường bị ô nhiễm đang tàn phá chất lượng sống của chính họ”, ông Khoa nói.

Từ ba nguyên nhân trên, ông Khoa cho rằng cách giải quyết hết sức đơn giản. “Chỉ cần các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, gồm Bộ Tài nguyên- Môi trường, UBND các cấp, Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, Sở Tài nguyên- Môi trường hãy làm theo đúng Luật Bảo vệ môi trường và buộc mọi người tuân thủ theo đúng luật pháp thì thực trạng ô nhiễm môi trường sẽ thay đổi ngay”, ông Khoa nói.

Ông Nguyễn Văn Hoàng Hải, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường thuộc Công an TPHCM cho biết, thời gian qua thành phố nói nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường, nhưng chưa thấy đề cập đến vấn đề xuất nhập khẩu cũng đang đe dọa đến môi trường nghiêm trong.

Ông Hải tiết lộ vừa qua, lực lượng cảnh sát môi trường thành phố đã phát hiện hai công ty nhập khẩu khoảng 2 ngàn tấn thép phế liệu chứa tạp chất độc hại. Hiện số lượng thép phế liệu này đang được lưu giữ tại Cảng Sài Gòn. Hai công ty nhập khẩu lượng thép phế liệu trên gồm Công ty Mega Star và Công ty Vòng Tròn.

Theo trưởng Ban Kinh tế ngân sách HĐND thành phố Nguyễn Minh Hoàng, hiện vẫn còn 141 doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm trong khu vực nội thành chưa chịu di dời ra ngoại thành. Nguồn nước kênh, rạch trên địa bàn thành phố ngày càng ô nhiễm nặng và ở diện rộng hơn.

Riêng nguồn nước sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Thị Vải ngày càng ô nhiễm nặng, có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước Nhà máy nước Thủ Đức và Tân Hiệp.

Ông Hoàng kiến nghị thành phố xem xét điều chỉnh những bất hợp lý trong qui hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và dự án sân gôn trên địa bàn thành phố. Ông cũng đề xuất việc ngưng xây dựng và mở rộng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và sân gôn khu vực ngoại thành.

Còn đại biểu HĐND Trương Trọng Nghĩa thì nói rằng qua nghiên cứu các tài liệu về môi trường suốt 15 năm qua, ông nhận thấy thành phố có sự tụt hậu về quản lý nhà nước về môi trường. Điều này gây tác hại nhiều mặt đến đời sống người dân, cả kinh tế lẫn sức khỏe, di chứng để lại lâu dài và chắc chắn tốn kém rất nhiều để khắc phục.

Ông Nghĩa đề nghị đã đến lúc phải áp các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường đi đôi với chỉ tiêu phát triển đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các hiệp hội ngành nghề.

“Chúng ta phải dám chấp nhận đình chỉ hoạt động hoặc đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường ngay lập tức. Tôi rất tiếc là qua câu chuyện của Vedan, chúng ta chưa làm được điều này”, ông Nghĩa nói.

Ông còn nói rằng khi thành phố giao kinh phí cho một cơ quan, một cán bộ nào đó để làm công tác bảo vệ môi trường mà làm mấy năm trời chẳng thấy kết quả, chuyển biến gì thì thành phố nên xem xét điều chuyển người khác có năng lực để làm tốt hơn.

Vị đại biểu HĐND này nói rằng song song với chiến lược phát triển kinh tế của thành phố từ nay đến năm 2020, cần có chiến lược riêng về bảo vệ môi trường. Chiến lược này cần có những nội dung, bước đi cụ thể và có kinh phí thực hiện.

“Bảo vệ môi trường phải thành tiêu chí, tiêu chuẩn trong đánh giá khen thưởng trong nhiểu lĩnh vực và hoạt động của nền kinh tế, vì không thể để trường hợp doanh nghiệp, tổ chức một tay làm ra lợi nhuận, còn tay kia lại tàn phá môi trường và  để cho người khác xử lý”.

Một đại biểu HĐND khác là ông Phạm Minh Trí lại cho rằng: “Những chỉ số tăng trưởng GDP của thành phố thời gian qua mang màu sắc của ô nhiễm môi trường, màu đen của kênh rạch và màu trắng, màu tím của cỏ cây quanh khu công nghiệp chứ không phải phát triển theo màu xanh như mong muốn”.

Ông Trí nhấn mạnh, thời gian qua thành phố đã ưu tiên cho phát triển kinh tế hơn là bảo vệ môi trường. Do đó,  ông đề nghị thành phố cần có cải cách sâu rộng hơn về quản lý nhà nước ngành tài nguyên và môi trường. Cụ thể, nên bố trí 60% kinh phí và nhân sự cho lĩnh vực môi trường, 40% cho ngành tài nguyên thay cho cách phân bổ như hiện nay là 40-60.

Về phía chính quyền, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trung Tín cũng cho rằng, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong thời gian qua trên địa bàn thành phố đang diễn biến phức tạp và theo chiều hướng ngày càng tăng.

Ông Tín thừa nhận, về chủ quan, có nguyên nhân buông lỏng quản lý kéo dài, xử phạt không nghiêm của cơ quan chức năng.

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, ông Tín cho biết trước mắt, thành phố sẽ kiểm tra và rà soát lại quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị theo hướng phát triển có đánh giá đầy đủ về tác động môi trường.

“Ngoài ra, UBND thành phố đang giao Sở Tài nguyên- Môi trường xây dựng các tiêu chí để làm cơ sở tiến hành đình chỉ, ngưng hoạt động các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường”, ông Tín nói.

Theo ông Tín, thành phố quyết tâm từ nay đến cuối quí 1-2009, tất cả các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp sẽ hoàn tất việc đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ngoài ra, bằng nhiều giải pháp cấp bách, thành phố sẽ phấn đấu trong vòng 3-4 năm tới, sẽ giải quyết cơ bản tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Ông Huỳnh Thành Lập, Phó chủ tịch HĐND thành phố cho biết cơ quan này đang tổng hợp các ý kiến và số liệu điều tra khảo sát về môi trường. Theo đó, dự kiến sẽ ban hành một Nghị quyết về giải quyết ô nhiễm môi trường vào cuối năm nay.

Theo số liệu từ UBND thành phố, trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai hiện có khoảng 60 khu công nghiệp đang hoạt động. Dự báo đến năm 2010, tổng lượng nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt gây ô nhiễm thải vào lưu vực gần 4,3 triệu mét khối mỗi ngày. Trong đó, sông Sài Gòn tiếp nhận khoảng gần 2 triệu mét khối nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt ô nhiễm mỗi ngày.

VĂN NAM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới