Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giải quyết thủ tục hành chính của TPHCM còn chậm, manh mún

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tất cả các địa phương đã xây dựng dịch vụ công trực tuyến liên thông trong việc thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai. Bình thường, thủ tục này của TPHCM phải mất 28 ngày nhưng các địa phương chỉ thực hiện khoảng 30 phút đến 1 tiếng.

Ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, đưa ra thông tin như trên tại Hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2022 và phân tích, đánh giá các chỉ số liên quan công tác cải cách hành chính năm 2021 của TPHCM được tổ chức ngày 12-8.

Một góc quang cảnh hội nghị tại UBND TPHCM. Ảnh: L.H

Tại hội nghị, ông Nguyễn Duy Hoàng đề nghị TPHCM sớm hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử. Ông cho rằng việc này thành phố triển khai hơi chậm.

Theo vị Phó cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương xây dựng hệ thống đồng bộ cổng thông tin điện tử một cửa với Cổng thông tin quốc gia, để Thủ tướng hằng ngày theo dõi việc giải quyết thủ tục hành chính tại các đơn vị trên cả nước. Ông Hoàng lưu ý rằng hiện nay TPHCM làm rất chậm và manh mún.

“Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết khoảng 5,3 triệu hồ sơ, nhưng hiện nay trên hệ thống mà Thủ tướng theo dõi chỉ có 11.000 hồ sơ”, ông Hoàng nói, và cho rằng: “Như vậy, với gần 5,3 triệu hồ sơ thì hoàn toàn lãnh đạo thành phố không kiểm soát được, chỉ mang tính chất qua báo cáo giấy”.

Trên cơ sở báo cáo của Sở Nội vụ, hiện nay về cơ bản 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn, nhưng Thủ tướng theo dõi chỉ khoảng 63% hồ sơ là đúng hạn, tức 37% hồ sơ bị trễ hạn.

“Nhưng qua báo cáo giấy, hiện nay các cơ quan đơn vị trên địa bàn thành phố cho rằng 99,87% đúng hạn là không đúng, phản ánh rõ chất lượng giải quyết và phản ánh của người dân – doanh nghiệp”, ông Hoàng đánh giá, và lưu ý rằng chỉ có 11.000 hồ sơ/5,3 triệu hồ sơ đã giải quyết trong 6 tháng đầu năm, còn lại trôi nổi bên ngoài, hoàn toàn không kiểm soát được, dẫn đến tình trạng báo cáo sai.

“Việc này phải hoàn thiện sớm để đảm bảo tất cả các hồ sơ, thủ tục hành chính phải được cập nhật vào phần mềm điện tử một cửa, phải đảm bảo đồng bộ trên cổng dịch vụ công để giúp lãnh đạo thành phố kiểm soát được toàn bộ quá trình”, ông Hoàng nói.

Ông Hoàng đề nghị thành phố tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để làm cơ sở cho việc xây dựng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 đảm bảo phù hợp, thân thiện, hiệu quả giúp người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hanh chính.

Hiện nay thành phố có khoảng 800 dịch vụ công trực tuyến nhưng chỉ có khoảng 22 dịch vụ kết nối với Cổng thông tin quốc gia, dẫn đến việc giải quyết thủ tục hành chính không rút ngắn được thời gian. Ông Hoàng cho rằng, về cơ bản, cổng dịch vụ công trực tuyến của TPHCM xây dựng là đơn lẻ, không có sự liên thông, liên kết giữa các cơ quan dẫn đến việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp không đảm bảo kết quả, không rút ngắn được thời gian.

Ông Hoàng dẫn chứng, hiện các địa phương cơ bản đã xây dựng được dịch vụ công trực tuyến liên thông cho việc thanh toán trực tuyến nghĩa vụ đất đai và thuế nhưng TPHCM chưa làm được điều này. “Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, trung bình thực hiện thủ tục này của chúng ta mất 28 ngày nhưng các địa phương chỉ mất 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ”, ông Hoàng nêu, và tiếp tục đánh giá: “Thành phố quá chậm so với các địa phương”.
Một kiến nghị khác của ông Hoàng là thành phố cần triển khai nghiêm túc việc tiếp nhận xử lý kiến nghị và thực hiện xin lỗi người dân trong giải quyết thủ tục hành chính để tránh chậm, muộn, gây bức xúc.
“Mặc dù là thành phố đông dân, lượng giao dịch lớn nhưng thành phố là một trong các địa phương đứng đầu trong việc dân và doanh nghiệp phản ánh về chậm trễ, thái độ trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính chiếm 20% đối với tổng số phản ánh kiến nghị trong cả nước”, ông Hoàng nói và ông mong TPHCM thực hiện đề án đổi mới cơ chế một cửa liên thông theo hướng gắn với số hóa giấy tờ hồ sơ trong giải quyết thực hiện thủ tục hành chính.
Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, tháng 10-2022, thành phố sẽ hoàn thành cổng dịch vụ công. Cổng sẽ cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn phần với các thủ tục hành chính đủ điều kiện. Cụ thể thành phố sẽ cung cấp 403 dịch vụ công trực tuyến và 25 dịch vụ công thiết yếu theo đề án 06.
Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử từ tháng 10 tới sẽ trở thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất của toàn thành phố. Hệ thống này sẽ kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống xác thực định danh của công an.
Hệ thống này cũng có khả năng công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị. Đây cũng là công cụ để các cấp lãnh đạo giám sát hiệu quả và thúc đẩy trách nhiệm của các đơn vị trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.
Với hệ thống thông tin một cửa điện tử, sở này sẽ thiết lập 1.454 thủ tục hành chính của các sở ban ngành và các địa phương để người dân nộp hồ sơ trực tiếp và trực tuyến.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới