Giải thể chưa hẳn thoát được trách nhiệm pháp lý
LS. Hồ Thị Trâm(*)
(KTSG) - Nhiều doanh nghiệp không thể chống chọi được do dịch bệnh kéo dài hai năm nay đã phải tìm đường rút lui khỏi thị trường và thoát khỏi các trách nhiệm pháp lý bằng cách tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp giải thể đều đặt dấu chấm hết trách nhiệm pháp lý.
Đối mặt với tình trạng phải trả chi phí mặt bằng, tiền lương, tiền lãi ngân hàng và các khoản chi phí khác giữa lúc dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn, cơ hội kinh doanh thấp hoặc không còn nữa, nhiều doanh nghiệp đã chọn cách giải thể doanh nghiệp để chấm dứt hoạt động và được giải thoát về mặt trách nhiệm pháp lý.
Lượng doanh nghiệp đăng ký giải thể tăng
Số liệu thống kê từ cơ quan quản lý doanh nghiệp cho thấy, các đợt tái dịch trong năm 2021 này khiến cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ phải rút lui khỏi thị trường ngày càng nhiều. So với cùng kỳ năm 2020, số lượng doanh nghiệp giải thể tăng 33,8% và số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 25,7%(1). Tuy nhiên, không phải tất cả mọi trường hợp giải thể là trút bỏ được hoàn toàn mọi trách nhiệm pháp lý cho doanh nghiệp và cá nhân người quản lý doanh nghiệp.
Một câu chuyện pháp đình được ghi nhận: công ty A khởi kiện công ty B để yêu cầu thanh toán nợ phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa giữa hai công ty. Tòa án sau khi thụ lý đơn khởi kiện đã triệu tập công ty B để lấy lời khai và làm việc liên quan đến khoản nợ theo đơn khởi kiện của công ty A, nhưng công ty B không có mặt. Tòa án quyết định thu thập chứng cứ và gửi công văn đến Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và Đầu tư là cơ quan quản lý công ty B để xác minh tình trạng hoạt động của công ty B.
Văn bản trả lời và trích lục hồ sơ giải thể được cấp bởi Phòng đăng ký kinh doanh cho biết công ty B “đã giải thể”, tức là đã hoàn thành thủ tục giải thể và không còn hoạt động nữa. Qua đối chiếu hồ sơ cho thấy, công ty B giải thể trước khi công ty A nộp đơn khởi kiện để đòi nợ. Trong vụ án này, tòa án đề nghị công ty A rút đơn khởi kiện vì công ty B đã giải thể, bên bị kiện đã không còn tồn tại. Nguyên đơn muốn kiện đòi nợ thì kiện cá nhân các thành viên hội đồng thành viên. Nguyên đơn sau đó đã rút đơn khởi kiện và điều chỉnh lại đơn khởi kiện, tại mục người bị kiện lúc này là các cá nhân người quản lý công ty B để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ.
Theo yêu cầu của luật, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài. |
Phải giải quyết hết nợ trước
Dưới góc độ pháp lý, giải thể doanh nghiệp là thủ tục luật định để một doanh nghiệp khi nhận thấy không còn khả năng hoạt động và mong muốn thoát khỏi nghĩa vụ pháp lý một cách hợp pháp.
Theo Luật Doanh nghiệp, khi muốn chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần sẽ ban hành nghị quyết, quyết định về việc giải thể doanh nghiệp của mình. Tuy nhiên, theo yêu cầu của luật, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài.
Các khoản nợ doanh nghiệp phải thanh toán bao gồm tất cả các khoản nợ: (i) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết; (ii) nợ thuế; (iii) các khoản nợ khác, (iv) chi phí giải thể doanh nghiệp.
Hồ sơ giải thể doanh nghiệp phải nộp các tài liệu gồm: (i) thông báo về giải thể doanh nghiệp, (ii) báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp; (iii) danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có).
Thậm chí, trong trường hợp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì doanh nghiệp phải có phương án giải quyết nợ gửi đến các chủ nợ, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích có liên quan. Phương án giải quyết nợ phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ. Nói chung, giải thể muốn thực hiện được phải xoay quanh việc giải quyết nợ xong xuôi trước đã.
Đặc biệt, Luật Doanh nghiệp còn dự liệu trường hợp, nếu khoản nợ nào đó vẫn còn nhưng doanh nghiệp được giải thể vì những lý do thiếu sự trung thực của doanh nghiệp, hoặc làm sai hồ sơ giải thể để được giải thể, thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, các cá nhân là thành viên hội đồng quản trị công ty cổ phần, thành viên hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân, giám đốc hoặc tổng giám đốc, thành viên hợp danh, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ giải thể doanh nghiệp.
Trường hợp hồ sơ giải thể không chính xác, giả mạo, những người này phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán quyền lợi của người lao động chưa được giải quyết, số thuế chưa nộp, số nợ khác chưa thanh toán và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về những hệ quả phát sinh trong thời hạn năm năm kể từ ngày nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Rõ ràng, trường hợp này trách nhiệm pháp lý đã chuyển hóa từ trách nhiệm hữu hạn của công ty (trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần) sang trách nhiệm vô hạn cho đến khi hết trả nợ bằng chính tài sản cá nhân của người quản lý.
Như vậy, giải thể chỉ giúp cởi bỏ hết trách nhiệm khi doanh nghiệp đã hoàn tất thanh toán các khoản nợ trước hoặc trong khi thực hiện thủ tục giải thể. Trong trường hợp không thể hoàn tất trả nợ thì doanh nghiệp nên tìm giải pháp pháp lý hợp pháp khác, có thể là yêu cầu mở thủ tục phá sản, để chấm dứt hoạt động đúng quy định của pháp luật thay vì tìm mọi cách để có được tình trạng “đã giải thể” nhưng trách nhiệm pháp lý đối với những người quản lý doanh nghiệp vẫn còn.
(*) Công ty Luật TNHH ADK & Co Việt Nam Lawyers
(1) https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/597/5390/infographic-ve-tinh-hinh-dang-ky-doanh-nghiep-6-thang-nam-2021.aspx