(KTSG Online) - Phải chăng hiệu ứng của “ca khúc da vàng” mà tôi xem như “kinh cầu” thời mới lớn, khiến lúc nào cũng muốn tìm những kết nối vụn vặt ngẫu nhiên, như mảnh ghép lego, để che lấp bớt mặc cảm tự ti dân tộc? Câu hỏi này dẫn tôi trở về với ký ức khi được đề cử anh Trịnh Công Sơn vào một giải thưởng khu vực, mà trong thâm tâm, tôi mong giải thưởng sẽ không chỉ vinh danh anh Sơn, mà thêm một hào quang góp phần xua đi “tâm lý da vàng nhược tiểu” của mình?
Khoàng cuối năm 1998, chị Linda Bolido, nguyên là Tổng biên tập của tờ Manila Times, và bạn đồng môn với tôi tại Học viện Truyền thông Hoa Kỳ ở Virginia, gửi một email mời tôi đến Manila. Dịp đó chị đề nghị với tôi làm một trong các người đề cử cho giải thưởng Magsasay năm sau.
Tôi có hỏi chị tại sao tôi được vinh dự đó, chị cho biết đơn giản vì tôi là chủ biên của báo tiếng Anh Saigon Times. Chị đưa cho tôi một tập tài liệu và các quy định dành cho người đề cử, trong đó có một điều kiện rất khó là không được công khai với người mình đề cử, vì sợ “xung đột lợi ích”. Tôi chỉ được phép âm thầm điều tra, tìm hiểu về tiểu sử hay thành tích của người tôi muốn đề cử.
Sau hơn một tháng suy nghĩ, đắn đo, tôi quyết định đề cử nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi biết trước đó Việt Nam có ba người nhận giải này ở các hạng mục khác nhau. GS. Võ Tòng Xuân (1993), GS. Tôn Thất Thiện (1968) và Linh mục Nguyễn Lạc Hóa (1964).
Tôi đề cử Trịnh Công Sơn vào hạng mục: hòa bình và ảnh hưởng quốc tế. Với hy vọng chủ đề tình yêu và hòa bình trong nhạc của anh sẽ chiến thắng các ứng viên nặng ký khác: không một vùng đất nào ở châu Á bị chiến tranh tàn phá nhiều như Việt Nam, đất nước của anh và không nghệ sĩ nào có thể tha thiết với hòa bình bằng anh.
Nhà phê bình Đặng Tiến ở Pháp gọi Trịnh Công Sơn là Sơn Trịnh, khi ông nhắc rằng thơ của Nguyễn Bắc Sơn, mà ông gọi là Sơn Nguyễn, cũng có nét giống nhạc Trịnh ở nỗi khát khao hòa bình - một khát vọng lớn hơn tất cả bi quan và lạc quan ở thời điểm sống của hai người nghệ sĩ cùng thế hệ (Trịnh Công Sơn sinh năm 1937 và Nguyễn Bắc Sơn sinh năm 1944). Đặng Tiến viết: “Hai ông Sơn Trịnh và Sơn Nguyễn cùng thế hệ, cùng tâm trạng nên có nhiều ý tưởng hao hao. Trịnh Công Sơn năm 1968 cũng có hát: Đêm nay hòa bình sao mắt mẹ chưa vui? Do đó, Nguyễn Bắc Sơn giữa chiến trận ngâm thơ cùng đại bác, đồng thời cũng lắng nghe:
“Chảy trong lòng men nhạc Trịnh Công Sơn
Đêm không ngủ trong những ngày bão táp
Ôi những ngày máu ứa xác quê hương
Tôi hỡi tôi xin đừng chết nhé
Bóng hòa bình thấp thoáng ở miền Nam”[1]
Còn ảnh hưởng quốc tế, tôi nghĩ, thế giới biết đến anh nhiều. Nhưng tôi “bé cái nhầm” khi không lường hết những “phản ứng phụ” từ một cộng đồng quốc tế khác…, đó là một nhóm nhỏ đồng bào của anh đang cư trú ở hải ngoại, vì nhiều lý do khác nhau đã phản đối lại hành vi của anh hơn là âm nhạc.
Tôi phải tự mình dịch ra tiếng Anh tất cả tài liệu, kể cả một số ca khúc mang tính cổ vũ hòa bình, tình yêu con người…. Riêng mục tiểu sử tác giả tôi không thể hỏi trực tiếp anh Sơn dù tôi có quen anh (như hầu hết những anh chị em làm báo ở Sài Gòn thời đó).
Tôi phải nhờ một đồng nghiệp chơi thân với anh Sơn là nhà báo Huỳnh Phi Long, công tác tại báo Thời báo Kinh tế Sài Gòn vào thời điểm đó. Huỳnh Phi Long nghĩ tôi muốn viết bài về Trịnh Công Sơn, nên nói: “Thôi, ông đừng viết về anh Sơn nữa, nhiều người viết rồi”.
Tôi không nói gì, chỉ cười, và Long vẫn giúp tôi một cách nhiệt tình với nhiều chi tiết. Tôi thức cả đêm dịch ra tiếng Anh và tất nhiên không cho ai biết, trừ người hiệu đính tiếng Anh của báo Saigon Times, chị Helda, một người Scotland. Chị Helda giúp tôi edit toàn bộ tài liệu, theo tính chuyên nghiệp, chị không bao giờ hỏi: để làm gì. Toàn bộ tài liệu về người được đề cử phải gửi bảo đảm bưu diện đến địa chỉ của Ban tuyển chọn Magsaysay ở Philippines.
Bẵng đi một thời gian, một hôm tôi nhận điện thoại đường dài, đó là chị Linda Bolido thân thiết với tôi. Chị nói: người tôi đề cử đã qua vòng sơ tuyển và vào vòng trong. Đến vòng này Ban tổ chức sẽ cử người từ Manila sang Việt Nam trực tiếp phỏng vấn người được đề cử, nhưng không nói rõ mục đích cho người ấy biết.
Linda Bolido và Nona, hai người của Ban tổ chức Magsaysay bay sang Việt Nam. Tôi nhờ Phi Long hẹn ngày với anh Sơn. Nghe có phóng viên nước ngoài, nhất là nữ, anh Sơn nhận lời ngay, như tính hay chiều phụ nữ của anh.
Tôi tiếc những tấm hình chụp hôm đó (do một phóng viên ảnh của báo Saigon Times chụp) đã bị mất trong một vụ cháy phòng làm việc của tôi tại tòa soạn Saigon Times, 35 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TPHCM. Trong những bức hình đó, tôi thích nhất tấm hình tôi ôm đàn ghi-ta làm bộ như đang đàn cho anh Sơn hát và hình anh Sơn ôm hai cô nhà báo (như tôi giới thiệu) người Philippines “không phải là đẹp lắm nhưng rất hấp dẫn”, theo như nhận xét vui của anh.
Phải nói hôm đó, anh Sơn lúc đầu không được khỏe, nhưng sau một hồi nói chuyện anh “sung” hẳn lên, khiến đôi khi, tôi tìm không ra từ thích hợp để dịch, và đôi khi anh hào hứng nói luôn vài câu tiếng Pháp… và thỉnh thoảng tự dịch hay chỉnh vài câu dịch của tôi bằng tiếng Anh, tất nhiên vì sát nghĩa nên rất khó hiểu khiến Linda và Nona tròn mắt nhìn tôi cầu cứu, và kêu lên: Excuse me! Excuse me!...
Cả hai cô ghi chép cẩn thận và tỉ mỉ, không ngại hỏi đi hỏi lại nhiều lần, khiến tôi thỉnh thoảng hơi bực bội, phải dừng lại uống nước. Nói thật, tôi không phải là người giỏi dịch, nhất là vừa dịch tiếng Anh ra tiếng Việt và ngược lại cùng lúc. Câu chuyện của anh Sơn về từng ca khúc thường nặng tính triết lý, về thân phận con người, về chiến tranh và hòa bình. Tôi muốn làm nổi bật nội dung cổ vũ tình người và hòa bình và ảnh hưởng rộng lớn của anh trong dân tộc Việt Nam cho hai người “điều tra viên” của giải thưởng.
Như trên đã nói, hơn 30 năm trước tôi viết "Nỗi buồn Trịnh Công Sơn", nhưng nay tôi muốn sửa lại “Vị đắng Trịnh Công Sơn”.
Thoạt đầu, Linda email cho tôi báo tin vui: anh Sơn đã vào chung kết với danh sách hai đề cử cuối cùng. Năm 2000 trôi đi cùng sự hân hoan lặng lẽ của riêng tôi và nếu có thể, của cả Linda Bolido và Nona, về sự vinh danh một nhạc sĩ Việt Nam. Nhưng cuối cùng, khi Linda gọi điện báo tin anh Sơn chỉ vào danh sách cuối mà không phải danh sách chiến thắng, tôi biết rằng nỗi lo của tôi là sự thật: anh là một nghệ sĩ nhiều hơn là một nhà hoạt động xã hội. Hầu hết các người chiến thắng năm 2000 của Magsaysay là những nhà hoạt động xã hội. Một cựu thị trưởng thành phố Philippines, một nhà bảo vệ môi trường Trung Quốc, hai nhà hoạt động vì người nghèo Ấn Độ và một nhà báo Indonesia sẽ chia sẻ Giải thưởng Ramon Magsaysay 2000, giải thưởng danh giá mà BBC gọi là “phiên bản châu Á của giải Nobel”. Năm 2000 không có giải cho hạng mục “hòa bình” mà anh Sơn được đề cử.
Các giám khảo chung kết không đánh giá cao nhạc sĩ Việt Nam như một nhà “hoạt động” vì hòa bình, hơn nữa một số phản ứng tiêu cực từ vài cộng đồng người Việt hải ngoại, trong đó có cộng đồng người Việt ở Philippines cũng có tác động phần nào đến lá phiếu cuối cùng dành cho anh.
Linda Bolido sau này có nói với tôi đại ý rằng: “Đề cử của Việt Nam hoàn toàn có thể chiến thắng, nhưng năm 2000 quá đặc biệt khi người ta muốn trao cho những nhà hoạt động về môi trường và người nghèo hơn là một nghệ sĩ cổ vũ hòa bình. Họ nghĩ thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của biến đổi khí hậu và đói nghèo-bất công, chứ không có chiến tranh”.
Và năm đó không có mặt anh Sơn trong số năm người nhận giải thưởng vào ngày 31-8-2000, đúng sinh nhật của Ramon Magsaysay. Người buồn nhất không phải anh Sơn (vì anh không biết, mà có biết, cũng chẳng ảnh hưởng đến anh: hào quang âm nhạc của anh đủ lớn rồi), cũng không phải Linda hay Nona, mà là tôi - không phải vì đề cử thất bại, mà vì tôi không được thêm một tia sáng soi vào góc tối tự ti của tôi! Tự hào dân tộc và tự ti dân tộc chỉ cách nhau một sợi chỉ mong manh. Nhưng như nhiều học giả dự báo trong thế kỷ 21 sẽ là một thế kỷ lạc loài, và con người sẽ luôn phải thách thức với việc đi tìm bản sắc của nguồn cội.
Tám tháng sau, ngày 1-4-2001, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ra đi, và hy vọng của tôi cho việc tái đề cử Magsaysay năm 2001, (theo điều lệ không trao giải cho người đã khuất), cũng tan thành cát bụi cùng anh.
-----------
[1] Nguyễn Bắc Sơn: Tác phẩm và dư luận, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2019, tr.179