(KTSG Online) - Để quản lý rủi ro và cơ hội từ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh, các doanh nghiệp ngày càng dựa vào một vai trò mới trong tổ chức của họ: giám đốc AI (CAIO - Chief AI Officer). Nhiệm vụ của CAIO là giám sát rủi ro của AI đồng thời xác định các cơ hội kinh doanh và nguồn doanh thu mới từ công nghệ này.
Nhu cầu tuyển dụng CAIO tăng mạnh
Theo dữ liệu của mạng xã hội việc làm LinkedIn, số công ty bổ nhiệm chức danh CAIO trên toàn cầu tăng gần gấp 3 lần trong 5 năm qua.
Fawad Bajwa, người đứng đầu bộ phận AI ở hãng tư vấn và tuyển dụng nhân sự cấp cao Russell Reynolds Associates, ghi nhận đó là sự thay đổi lớn trong môi trường quản trị doanh nghiệp kể từ sau khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào cuối năm 2022.
Chức danh này càng được chú ý sau khi vào tháng trước Nhà Trắng yêu cầu các cơ quan liên bang phải bổ nhiệm các CAIO để đảm bảo trách nhiệm giải trình, khả năng lãnh đạo và giám sát công nghệ AI. Trách nhiệm của vai trò này vẫn đang trong quá trình phát triển. Nhưng nhìn chung, CAIO giám sát hoạt động triển khai AI nói chung và AI tạo sinh nói riêng trong một tổ chức nhằm cải thiện hiệu quả của lực lượng lao động, xác định các nguồn doanh thu mới và giảm thiểu rủi ro về đạo đức và bảo mật.
David Mathison, người sáng lập Hội nghị thượng đỉnh CAIO đầu tiên vào năm ngoái, cho biết vai trò này đòi hỏi “sự hiểu biết sâu sắc về công nghệ AI, học máy, khoa học dữ liệu và phân tích”.
Ông lưu ý, ứng viên cũng “cần hiểu rõ pháp luật” và quản lý tốt sự thay đổi công nghệ AI. Hiện nay, nhiều vai trò lãnh đạo về dữ liệu, quản lý rủi ro và tuân thủ pháp lý đang chuyển sang chức danh CAIO.
Nhu cầu CAIO diễn ra trong bối cảnh các tập đoàn công nghệ đang lao vào cuộc cạnh tranh tuyển dụng nhân tài AI ở phạm vi rộng hơn, với những kỹ sư trẻ được trả mức thù lao lên cả triệu đô la mỗi năm.
“Hoạt động tuyển dụng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Có một nhóm nhỏ tài năng AI đang được nhiều công ty cùng lúc tìm kiếm. Tuy nhiên, CAIO không nhất thiết phải được tuyển dụng từ nhóm nhân tài trong các công ty công nghệ, và họ cũng không yêu cầu mức lương quá cao”, Fawad Bajwa nói.
Ông cho biết vai trò CAIO đang được săn lùng ở khắp các ngành, đặc biệt là trong ngành tài chính, chăm sóc sức khỏe và tiêu dùng.
CAIO cần có chuyên môn quản trị kinh doanh
Theo Tom Hurd, CEO của Zeki, nền tảng theo dõi hoạt động tuyển dụng trong lĩnh vực khoa học, nhân tài công nghệ thường được tuyển dụng từ các phòng thí nghiệm AI ở các trường đại học. Với kiến thức chuyên môn sâu, họ làm việc ở các tập đoàn công nghệ lớn, có ngân sách dồi dào để biến ý tưởng thành sản phẩm. Trái lại, CAIO là những người thường có nền tảng về khoa học máy tính và quản trị kinh doanh.
“Họ dẫn dắt chuyển đổi công nghệ và cách tiếp cận công nghệ trong và ngoài công ty. Kỹ năng của họ thiên về quản trị và xã hội hóa công nghệ”, Hurd nói.
Ryan Bulkoski, người đứng đầu toàn cầu về AI, dữ liệu và phân tích của nhà tuyển dụng nhân sự cấp cao Heidrick & Struggles, đồng ý với nhận xét này. Bulkoski cho biết các chuyên gia công nghệ thường không rời bỏ các lĩnh vực có định hướng nghiên cứu để chuyển sang vai trò mang tính quản trị kinh doanh. Vai trò CAIO thường liên quan đến khía cạnh quản lý công nghệ của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Harrick Vin, CTO (giám đốc công nghệ) của Tata Consultancy Services, cho rằng doanh nghiệp không cần phải thiết lập vai trò CAIO riêng biệt. “Mọi bộ phận của doanh nghiệp, dù là bán hàng, tiếp thị hay công nghệ phần mềm đều cần xác định lại hoạt động để tận dụng công nghệ AI”, ông nói.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Gartner, trách nhiệm AI nhìn chung vẫn chủ yếu thuộc về giám đốc công nghệ và giám đốc thông tin, những người lần lượt dẫn đầu về các sáng kiến AI ở 23% tổ chức. Cuộc khảo sát của Foundry Research hồi năm ngoái ghi nhận rằng, chỉ 21% công ty có kế hoạch bổ nhiệm vị trí CAIO. Tuy nhiên, tỷ lệ công ty có kế hoạch đó cao hơn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (35%) và giáo dục (33%).
Trấn an nỗi sợ hãi về AI
Lan Guan, CAIO của hãng kiểm toán Accenture, cho biết công việc của bà đòi hỏi sự kết hợp giữa kiến thức kỹ thuật vững chắc và hiểu biết sâu sắc về kinh doanh ở các lĩnh vực đa dạng như AI và học máy, khoa học máy tính, thống kê, phân tích dữ liệu, đạo đức, tuân thủ quy định. Bà ước tính, chuyên môn công nghệ chỉ chiếm 35-40% khối lượng công việc của bà với tư cách là người lãnh đạo Trung tâm AI nâng cao của Accenture, nơi phát triển sản phẩm cho khách hàng.
Một số CAIO báo cáo trực tiếp cho CEO hoặc COO (giám đốc hoạt động) của một công ty. Một số khác báo cáo cho giám đốc công nghệ (CTO). Daniel Hulme đảm nhận vai trò CAIO tại WPP sau khi công ty quảng cáo lớn nhất thế giới này thâu tóm Satalia, công ty phát triển các sản phẩm AI và dịch vụ tư vấn AI do Hulme sáng lập và giữ cương vị CEO. Với vai trò kép, vừa là CEO của Satalia, vừa là CAIO của WPP, một phần trong nhiệm vụ của Hulme là xác định các cách AI có thể giúp tạo nội dung cho WPP.
Lan Guan của Accenture cho biết một phần của vai trò CAIO là quảng bá công nghệ AI, xóa tan một số “nỗi sợ hãi và lo lắng” về AI. Bà đang giám sát việc triển khai các cuộc hội thảo và trình diễn công nghệ AI, chẳng hạn như hướng dẫn các nhà phân tích tài chính cách sử dụng AI để xây dựng bảng cân đối kế toán.
Jeff Boudreau, CAIO của hãng máy tính Dell, cũng cho biết một trong những nhiệm vụ của ông là trấn an những mối lo ngại về AI. Một số nhân viên của Dell lo lắng vai trò công việc của họ sẽ biến mất trước sự trỗi dậy của AI. Hulme khuyến khích nhân viên phát triển chuyên môn để họ có thể đặt những câu hỏi hay hơn cho công cụ AI. Ông kêu gọi nhân viên phải xem AI là trợ thủ trong công việc của họ, thay vì mối đe dọa. “Tôi hay nói đùa rằng tôi đang chuyển từ vai trò CAIO sang vai trò sang giám đốc năng suất”, Boudreau chia sẻ.
Theo Lan Guan, công việc của CAIO không chỉ là quảng bá công nghệ AI, mà còn quản lý những mặt hạn chế của công nghệ này, bao gồm việc tuân thủ pháp lý và rủi ro. “Chúng tôi liên tục xem xét lại đạo đức cũng như thông tin sai lệch và tính bảo mật liên quan đến AI”, bà nói.
Theo Financial Times