Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giảm giá xăng, sao không tính ngược lại nền kinh tế được lợi bao nhiêu?

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cứ giảm chút thuế, phí nào là các quan chức tính ra “thất thu bao nhiêu ngàn tỉ đồng tiền thuế”. Sao không tính ngược lại “người dân, doanh nghiệp có lợi bao nhiêu”? Thuế đó chẳng mất đi đâu vì không vào túi Nhà nước thì vào túi người dân, doanh nghiệp! Khi đó, chi phí sản xuất giảm, kéo theo giá cả hàng hóa giảm, cầu tiêu dùng tăng, nền kinh tế được lợi.

Đối với một mặt hàng đặc biệt như xăng dầu, cách tính toán thuế, phí không thể đơn giản là chỉ nhìn một phía từ cơ quan thuế về con số "thất thu" mà phải có cách nhìn tổng thể về sức chịu đựng của nền kinh tế đất nước.

Ở bình diện quốc gia, bài toán như giá xăng dầu hiện nay luôn có hai cách giải, nói nôm na là "giải xuôi" và "giải ngược".

"Giải xuôi" thì rất đơn giản, đây là dạng toán thực tế trong trường phổ thông, cứ giảm mỗi lít xăng 1.000 đồng thì mỗi tháng tiền thuế thu giảm đi bao nhiêu và ước tính đến cuối năm thì tổng tiền thuế "thất thu" là bao nhiêu. Cách giải này ai cũng làm được vì mọi con số đều có sẵn, cứ thế mà nhân lên là ra kết quả.

"Giải ngược" mới khó, đây là bài toán cần chất xám của nhiều chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực. Cách giải này sẽ tính là cứ mỗi 1.000 đồng giảm thì nền kinh tế được lợi ra sao, số tiền ước tính được lợi là bao nhiêu. Ngoài ra, các chuyên gia còn phải tính được đâu là mức giảm tối ưu để cân bằng hài hoà giữa phần "thất thu" tiền thuế về phía Nhà nước với lợi ích chung mà nền kinh tế được hưởng.

Một ví dụ về tầm nhìn và cách "giải ngược" là dự án cao tốc Gyeongbu nối Seoul với Busan ở Hàn Quốc. Cách đây hơn nửa thế kỷ, Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee quyết định xây dựng cao tốc này trong hoàn cảnh nước này còn rất nghèo. Lúc đó, cả quốc hội Hàn Quốc lẫn Ngân hàng Thế giới (WB) đều phản đối, cho rằng chưa phải là thời điểm thích hợp.

Sau khi xem xét cẩn thận các bản tính toán của đội ngũ trợ lý, Tổng thống Park không lùi bước vì theo ông, giải quyết giao thông sau đó sẽ thu lợi lớn nhờ kinh tế phát triển và tăng nguồn thu ngân sách từ việc các doanh nghiệp phát triển quy mô kinh doanh.

Cao tốc Gyeongbu khởi công tháng 2-1968 và hoàn thành vào tháng 6-1970, dài 428 km gồm 4 làn xe chính và 2 làn khẩn cấp cho phép lưu thông tốc độ 100 km/giờ. Con đường này vượt qua nhiều khu vực địa hình rất hiểm trở phải làm 6 đường hầm xuyên núi.

Và đúng như những gì ông Park Chung Hee kỳ vọng, trong ba năm đầu, cao tốc Seoul - Busan đã được sử dụng hữu hiệu để phục vụ cho một khu vực tạo ra 70% tổng sản lượng quốc gia (GDP), và chiếm tới 80% lượng xe lưu thông trong nước. Con đường kết nối hiệu quả cả về địa hình lẫn thời gian giữa các nhà máy sản xuất và các khu vực tiêu thụ, góp phần giúp cho Hàn Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế như mong đợi.

Một chuyện hưởng lợi khác từ dự án này là nhờ kinh nghiệm xây dựng cao tốc Gyeongbu, sau đó nhà thầu Hàn Quốc đã được giao xây dựng “xa lộ Đại Hàn” tại Việt Nam - cách gọi dân gian cho đoạn quốc lộ 1A từ ngã ba Thủ Đức đến ngã ba An Lạc - dài 43 km. Đây là công trình hạ tầng giao thông đâu tiên của Hàn Quốc ở nước ngoài.

Nhờ tầm nhìn xa, ông Park đã không chăm bẵm vào việc cho rằng “túi tiền Nhà nước” bị thiệt hại khi xây dựng cao tốc mà ông còn nhìn ra được “túi tiền người dân” sẽ được lợi lớn hơn nhờ mạng lưới giao thông huyết mạch thuận lợi.

Điều tiết ngân sách một quốc gia trong nhiều trường hợp đòi hỏi phải "giải ngược" bài toán.

2 BÌNH LUẬN

  1. Khi đất nước gặp khó khăn, đến nỗi không thể vượt qua, chỉ có cách dụng chước dựa vào dân. Dân vi bản (Dân là gốc) là vậy. Nhưng khi dân gặp khó khăn, đến mức khó sống nổi, thì Nhà nước phải ra tay. Dân vi quốc (Dân là nước) là vậy. Không có dân thì không có nước. Không còn nước khi dân không còn. Tuy hai mà một.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới