Giảm lệ phí trước bạ cho ô tô nội địa liệu có phân biệt đối xử?
Trần Nguyễn Phước Thông (*)
(TBKTSG Online) - Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ và cơ quan chuyên ngành phối hợp để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước.
Có thể thấy, mục đích của việc giảm lệ phí trước bạ là để kích thích cho ngành ô tô nội địa sau đại dịch Covid-19 nhưng tính hiệu quả thì cần phải nhìn nhận tỉ mỉ hơn.
Kinh doanh ô tô rớt liên tục theo diễn tiến dịch bệnh
Công nghiệp ô tô: Bớt chạy theo nhãn hiệu Made in Việt Nam hữu danh vô thực
Giảm lệ phí trước bạ sẽ giúp ngành ô tô nội địa phục hồi? Ảnh minh họa Thành Hoa |
Việc kích cầu cho ngành ô tô nội địa thông qua cơ chế giảm lệ phí trước bạ rất có thể sẽ vi phạm các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Liên quan đến những cam kết về thuế nội địa đối với hàng hóa nhập khẩu trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tất cả các nước thành viên WTO phải tuân thủ các nguyên tắc chủ đạo là nguyên tắc đối xử quốc gia và chính sách về trợ cấp.
Nhiều người cho rằng một số nước thành viên WTO cũng có các biện pháp trợ cấp tương tự mà không gặp nhiều phản ứng từ các quốc gia khác. Tuy nhiên, về mặt logic học, khi một người làm sai thì không có nghĩa chúng ta cũng làm sai theo và mặc nhiên khẳng định đó là hành động đúng được. |
Cụ thể, theo Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994 (GATT), các thành viên WTO không được áp dụng, dù trực tiếp hay gián tiếp, các loại thuế và phí nội địa, các quy định và yêu cầu liên quan đến các hoạt động mua, bán, chuyên chở, tiếp thị, phân phối hoặc sử dụng hàng hóa trên thị trường nội địa nhằm mục đích bảo hộ sản xuất trong nước.
Như vậy, điều khoản của GATT đã yêu cầu các thành viên WTO không được sử dụng thuế nội địa nhằm mục tiêu bảo hộ. Nếu Việt Nam áp dụng việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô nội địa thì rất có thể sẽ vi phạm quy tắc này, vì chúng ta đã có hành vi phân biệt đối xử việc trong áp dụng thuế nội địa giữa hàng nhập khẩu và hàng nội địa, nhằm mục đích bảo hộ những hàng hoá nội địa tương tự, hoặc cạnh tranh trực tiếp, hoặc có khả năng thay thế lẫn nhau với hàng nhập khẩu.
Nhiều người cho rằng một số nước thành viên WTO cũng có các biện pháp trợ cấp tương tự mà không gặp nhiều phản ứng từ các quốc gia khác. Tuy nhiên, về mặt logic học, khi một người làm sai thì không có nghĩa chúng ta cũng làm sai theo và mặc nhiên khẳng định đó là hành động đúng được.
Cần phải nhìn lại bản chất của vấn đề và tôn trọng các cam kết ban đầu là tuân thủ đầy đủ các quy định của WTO khi ban hành và áp dụng các luật, quy định và các biện pháp khác liên quan đến thuế nội địa (trừ các quy định liên quan đến rượu và bia), đặc biệt là nguyên tắc không phân biệt đối xử, kể từ thời điểm gia nhập WTO.
Ngoài ra, ở một số cam kết quốc tế khác về thương mại và dịch vụ mà Việt Nam đã hoặc chuẩn bị ký kết, có thể thấy ngành ô tô đã trở thành loại hàng hóa được ưu tiên miễn giảm thuế nhập khẩu, tức là thuộc những sản phẩm được áp dụng biện pháp phi thuế theo ngành.
Ví dụ, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) thống nhất một số cam kết về các biện pháp phi thuế quan trong hai lĩnh vực là ô tô, phụ tùng ô tô và dược phẩm, trang thiết bị y tế, cụ thể là Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với ô tô phân khối lớn (trên 3.000cc cho động cơ xăng và trên 2.500cc cho động cơ diesel) sau 9 năm Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, trong khi EU cam kết loại bỏ thuế cho Việt Nam ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với các dòng xe máy kéo, xe tải chuyên dụng, phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy từ 50-250cc.
Với các loại ô tô khác, thuế nhập khẩu về 0% sau 10 năm. Với mức cam kết này, so với EU, Việt Nam có sự bảo hộ đáng kể đối với ngành ô tô, xe máy nội địa thông qua việc giữ hàng rào thuế quan với lộ trình loại bỏ dài.
Khi đã “hưởng lợi” nhiều như vậy mà chúng ta còn áp dụng thêm việc giảm lệ phí trước bạ với xe nội địa sẽ khó để chúng ta có cơ hội trở thành đối tác đầu tư liên doanh, hoặc nhà cung cấp cho các nhà đầu tư EU sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội khai thác thị trường trong nước và khu vực thông qua mặt hàng ngoại nhập.
Liệu có phục hồi ngành ô tô nội địa?
Các hãng xe chưa hẳn sẽ được hưởng lợi khi thông tin giảm lệ phí được người dân biết tới và quá trình để chờ sự phê duyệt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề giảm lệ phí trước bạ không phải là một sớm một chiều mà cần một khoảng thời gian nhất định.
Vấn đề sửa đổi về lệ phí trước bạ phải trình Quốc hội quyết định để bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân theo nguyên tắc xác định mức thu lệ phí của Luật Phí và Lệ phí năm 2015.
Trong khoảng thời gian chờ đợi này, tâm lý người dân cũng sẽ chờ đợi quyết định chính thức của cơ quan lập pháp về cơ chế giảm lệ phí trước bạ dẫu cho các hãng xe đã giảm giá, khuyến mãi với các chương trình rất hấp dẫn.
Đây là một việc dễ hiểu vì chẳng ai dại dột gì khi đi mua ô tô trong thời điểm này nếu biết trước thời điểm sắp tới sẽ được mua rẻ hơn mấy chục triệu. Điều này sẽ gây ra hậu quả là thị trường ô tô tiếp tục bị chững lại sau đại dịch Covid-19 và nếu không có sự phê duyệt nhanh chóng về việc giảm lệ phí thì chắc chắn sẽ làm trì trệ quá trình kinh doanh và phục hồi doanh thu của các hãng xe.
Như vậy, tình hình trước mắt là các doanh nghiệp ô tô sẽ phải đối mặt với việc vắng khách và đóng băng doanh thu trong một thời gian tới.
Ở góc độ lợi ích của người dân, việc giảm lệ phí trước bạ cũng chưa hẳn sẽ mang lại lợi ích thực sự. Khi có quyết định chính thức về việc giảm lệ phí trước bạ 50% cho ô tô nội địa thì theo người viết, các hãng xe sẽ bắt đầu chấm dứt các chương trình khuyến mãi, thậm chí giá xe cũng sẽ tăng lên do lúc này nhu cầu mua xe của người dân sẽ tăng cao do muốn hưởng lợi từ việc giảm lệ phí.
Theo đó, kỳ vọng của người dân về việc có thể mua xe với giá thấp, có khuyến mãi, cộng với phần giảm của phí trước bạ sẽ khó diễn ra được. Các doanh nghiệp có quyền làm như thế để được hưởng lợi sau khi đã chịu nhiều tổn thất vì dịch bệnh và khoảng thời gian chờ đợi ban hành nghị quyết.
Kết luận lại, người dân vẫn không thể hưởng lợi từ chính sách này nếu doanh nghiệp quyết định tăng giá để hưởng phần hỗ trợ từ việc giảm lệ phí trước bạ ô tô.
Có thể dự đoán trước một tình trạng: việc Chính phủ giảm lệ phí trước bạ và việc doanh nghiệp ô tô tăng giá xe sẽ đồng thời xảy ra. Điều này dường như đã phản tác dụng đối với mục đích ban đầu của Chính phủ là hỗ trợ cho việc phục hồi ngành ô tô nội địa vì khi tình huống này xảy ra, người dân sẽ không bỏ tiền ra mua xe nữa và thị trường vẫn sẽ ảm đạm như trước đó.
Việc kích cầu chỉ có thể diễn ra suôn sẻ khi lệ phí trước bạ giảm và giá xe duy trì ở mức thấp, nếu không mọi nỗ lực cũng chỉ là vô ích trong giai đoạn sắp tới. Hệ quả, khi giá xe trong nước không hấp dẫn người mua thì các loại ô tô nhập khẩu sẽ trở thành lựa chọn tốt hơn cho mọi người và dự định ban đầu của Chính phủ đối với ngành ô tô nội địa sẽ không trở thành hiện thực được.
Ngoài ra, khi nhà nước nỗ lực giảm lệ phí trước bạ ô tô thì chắc chắn phải cắt giảm dự toán thu ngân sách địa phương do lệ phí trước bạ theo quy định của Thông tư 342/2016/TT-BTC thuộc các khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% (bao gồm cả khoản tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế).
Vì vậy, nếu doanh nghiệp ô tô không phối hợp để thực hiện chủ trương này thì chắc chắn thị trường ô tô nội địa sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng đóng băng. Chính vì vậy, các hãng xe cần có cái nhìn rộng hơn để đôi bên cùng có lợi.
(*)Học viện Tư pháp TPHCM