Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giảm “rộng”, tăng “sâu”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giảm “rộng”, tăng “sâu”

Nguyên Tấn

Nhấn chuột vào ảnh để phóng lớn.

(TBKTSG) – Đề án “Tái cấu trúc nền kinh tế” đang được gấp rút hoàn thiện để Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng vào tháng 2 tới. Tại cuộc hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Đại học Kinh tế TPHCM tổ chức, các chuyên gia đã tranh luận sôi nổi xung quanh đề án này.

Đã tới “ngưỡng”?

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, người tham gia soạn thảo đề án, tái cấu trúc nền kinh tế là đổi mới cơ chế phân bố và sử dụng nguồn lực để cải thiện hiệu quả nền kinh tế, đồng thời chuyển dịch cơ cấu kinh tế lên một nấc phát triển cao hơn.

“Giống như con tàu đi, trật đường ray, bây giờ đặt con tàu đó lên đúng đường ray và đẩy cho nó đi nhanh hơn”, ông Cung ví von.

Mô hình tăng trưởng của Việt Nam, theo ông Cung, chủ yếu tăng trưởng theo chiều ngang, tức là dựa vào khai thác tài nguyên, lao động rẻ, tăng suất đầu tư nhưng hiện nay các nguồn lực này đã được huy động tối đa, gần như đến “ngưỡng” giới hạn. Đất đai, tài nguyên đang ngày càng đi đến chỗ cạn dần, thậm chí có loại như than đá đã phải tính đến chuyện nhập khẩu.

Đầu tư xã hội với tỷ lệ trên 40% GDP như hiện nay cũng không thể cao hơn nữa vì nếu vậy thì tiêu dùng của người dân bị kéo xuống, thâm hụt ngân sách và thâm hụt cán cân thanh toán tăng, lạm phát tăng theo.

Trong khi đó, các nguồn lực lại bị sử dụng phân tán, manh mún, lãng phí. Ông Cung cho rằng nước ta không có kinh tế vùng mà chỉ có một “nền” kinh tế trung ương và 63 “nền” kinh tế địa phương. Với chính sách, cơ cấu kinh tế tương tự nhau kèm theo tư duy cục bộ địa phương, 64 nền kinh tế đó đã làm cho nguồn lực bị chia cắt, kém hiệu quả.

Phong trào xi măng lò đứng, nhà máy đường, khu công nghiệp, sân golf, cảng… diễn ra rầm rộ ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chính là hệ quả từ tình trạng bất cập nói trên. Chưa nói đến việc các “nền” kinh tế chạy theo lợi ích cục bộ, bất chấp quy hoạch chung. Chỉ riêng nhà máy thép, từ Cao Bằng đến Cà Mau đã có 32 dự án, trong đó 24 dự án nằm ngoài quy hoạch, ông Cung cho biết.

Công nghiệp hay dịch vụ?

Với hiện trạng như vậy, theo ông Cung, mô hình tăng trưởng nên được điều chỉnh theo hướng phải tăng dần chiều sâu, tức là tăng hiệu quả mặc dù chiều rộng vẫn phải được duy trì vì chưa thể giảm được ngay. Một trong những hướng để tăng hiệu quả được đề xuất là ngoài việc “tuần tự tiệm tiến” đối với những ngành có lợi thế cạnh tranh cao hiện hữu, cần ưu tiên “khai thông đột phá” vào một số ngành, lĩnh vực làm nền tảng cho nền kinh tế.

Đó là: logistics (vận tải biển, cảng biển, kho tàng bến bãi, hải quan); công nghiệp chế tác (đóng tàu, cơ khí phục vụ nông nghiệp…); điện tử, tin học, công nghệ thông tin; du lịch (dự kiến trong 10 năm tới, lượng du khách quốc tế vào Việt Nam có khả năng tăng gấp đôi)… Theo ông Cung, đây là những ngành có khả năng thương mại hóa quốc tế cao, có độ lan tỏa lớn và thị trường đã sẵn có.

Một hướng khác là ưu tiên đột phá vùng, tức là thiết lập những vùng kinh tế tăng trưởng, kiểu như Thâm Quyến ở Trung Quốc. Ông Cung cho rằng việc hình thành các vùng kinh tế vừa tạo động lực cho nền kinh tế, vừa giúp khắc phục tình trạng nền kinh tế bị chia cắt, manh mún bởi tư duy cục bộ địa phương, tư duy tỉnh, thành phố trung ương như hiện nay.

Về chuyển dịch cơ cấu, theo ông Cung, cách thức chuyển đổi truyền thống gần như duy nhất thành công là chuyển dần từng bước từ nông nghiệp sang công nghiệp; khi công nghiệp chiếm một tỷ trọng tương đối lớn, lúc đó mới chuyển sang dịch vụ và dịch vụ sẽ đóng vai trò thống soái trong cơ cấu GDP. Ở các nước phát triển, dịch vụ có thể chiếm tới 60-80% GDP, rồi mới đến công nghiệp và nông nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ khoảng 1-2%.

“Nói như thế không có nghĩa bỏ nông nghiệp để chỉ phát triển công nghiệp. Ngược lại, nông nghiệp vẫn phải được đầu tư và đầu tư mạnh hơn. Sở dĩ tỷ lệ của nông nghiệp trong GDP bị thu hẹp chẳng qua vì khi tất cả cùng tăng thì giá trị gia tăng của nông nghiệp do năng suất kém hơn nên bao giờ cũng nhỏ hơn công nghiệp, dịch vụ mà thôi”, ông Cung trao đổi với TBKTSG.

Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn cho rằng với tiềm năng lớn, Việt Nam cần tập trung cho dịch vụ nhiều hơn nữa, đặc biệt là thương mại hóa quốc tế các loại dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao. GS. Nguyễn Đông Phong (Đại học Kinh tế TPHCM) tỏ ra quan ngại khi cho biết trong nhiều năm liền chỉ có nông – lâm – thủy sản, công nghiệp có sự biến chuyển nhất định, ngược lại dịch vụ ngoại trừ một số lĩnh vực như nhà hàng, khách sạn, du lịch… còn lại thì rất trì trệ.

Ví dụ, năm 2004: dịch vụ chiếm 38,1% GDP; năm 2005: 38,3%; năm 2006: 38,1 trong khi những năm 1999-2000: trên 40%. “Một số bệnh viện ở phía Nam hiện có rất nhiều bệnh nhân từ Campuchia sang chữa bệnh. Nhật Bản, Mỹ thì sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để đào tạo, cung cấp điều dưỡng viên cho nước họ. Tại sao ta không nghĩ đến một chiến lược xuất khẩu dịch vụ ra nước ngoài?”, ông Phong đặt vấn đề.

PGS.TS. Đinh Phi Hổ, Phó tổng biên tập tạp chí Phát triển Kinh tế thuộc Đại học Kinh tế TPHCM, cũng cho rằng nên có chính sách đột phá vào cả lĩnh vực dịch vụ bởi Việt Nam vẫn đang nằm trong những nước có thu nhập thấp và xét về cơ cấu kinh tế còn lạc hậu hơn nhiều nước nằm trong nhóm này. “Tỷ trọng dịch vụ trong GDP của ta thấp hơn nhiều so với họ”, ông Hổ cho biết.

Vai trò Nhà nước: đảm bảo ba điều kiện

Các chuyên gia cho rằng để tái cấu trúc nền kinh tế thành công thì điều kiện quan trọng hàng đầu là phải có sự cải thiện về thể chế. “Đó là một thể chế thực sự khuyến khích cho việc chuyển đổi cơ cấu chứ không phải thể chế chỉ chạy theo khai thác tài nguyên và chạy theo lợi ích cục bộ địa phương”, TS. Nguyễn Hữu Lam, Giám đốc Trung tâm CEMD thuộc Đại học Kinh tế TPHCM, nói.

Vậy, vai trò của Nhà nước ở đây là gì? Theo ông Cung, Nhà nước phải đảm bảo được ba điều kiện tạo nên một “thế kiềng ba chân”. Thứ nhất, là “ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc, lâu dài, tức là được thị trường thừa nhận chứ không phải được một vài cá nhân đứng ra tuyên bố như lâu nay”. Hai, là đảm bảo tăng trưởng cao và ba là ổn định xã hội.

“Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc tăng trưởng trung bình 8-8,5%/năm liên tục trong 30-40 năm mới vượt qua ngưỡng thu nhập thấp, trong đó nhiều năm có mức tăng 10%, 11%, 12%, thậm chí 14% để bù đắp cho những năm khủng hoảng 4-5%. Ở ta, năm cao nhất đạt 9,5%, còn năm vừa rồi chỉ có 5,32%, như vậy là chưa đạt”. Ông Cung cho rằng nếu tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, chẳng hạn như giảm được chỉ số ICOR xuống 4% (chỉ số trung bình qua các năm khoảng trên 5%) thì Việt Nam hoàn toàn có khả năng tăng trưởng cao hơn với mức 10%.

Trong các điều kiện nói trên, ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố quyết định. Muốn vậy thì việc đầu tiên là phải giảm (thực hiện ngay trong kế hoạch năm năm tới) thâm hụt ngân sách; đồng thời giảm thâm hụt cán cân vãng lai để thu hẹp mất cân đối giữa tiết kiệm và đầu tư. Thế nhưng, PGS. Nguyễn Trương Hoài (Đại học Kinh tế TPHCM) không đồng ý với ông Cung về điểm này. Theo ông Hoài, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam thì nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị và đầu tư cho phát triển của Chính phủ cực kỳ cần thiết và vì vậy chuyện thâm hụt là đương nhiên.

Ông Cung giải thích thêm, vẫn có cách để giảm áp lực thâm hụt ngân sách. “Thay vì dựa vào một nguồn vốn vay, thay vì chỉ nhà nước đầu tư, tại sao chúng ta không đa dạng hóa phương thức đầu tư, mời gọi tư nhân tham gia để giảm áp lực thâm hụt ngân sách? Còn về việc mất cân đối cán cân thương mại, cần phải xem xét ở nguyên nhân sâu xa hơn, đó là do đầu tư quá lớn nhưng kém hiệu quả. Tỷ giá hiện nay khuyến khích cho nhập khẩu vì giá rẻ nên công nghiệp phụ trợ khó phát triển. Khắc phục được những điểm này mới là mấu chốt”, ông Cung phân tích.

Ở một khía cạnh khác, theo TS. Nguyễn Hoàng Bảo (Đại học Kinh tế TPHCM), đề án cần xây dựng cho được một kế hoạch thực hiện cụ thể, khoa học, cái gì ngắn hạn, cái gì dài hạn, cái gì làm trước, ai làm, trách nhiệm như thế nào, kiểm tra ra sao. Bởi, nếu không việc tái cấu trúc nền kinh tế sẽ chẳng đi đến đâu và lại tiếp tục lãng phí.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới