Thứ ba, 5/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Giảm rủi ro phát sinh để thu hút nhà đầu tư PPP

Trần Văn Tường (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Dự thảo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đang được Quốc hội thảo luận. Hiện vẫn còn ý kiến một số nội dung sửa đổi chưa đủ sức giải quyết khó khăn, xóa bỏ tâm lý rủi ro nên sẽ khó thu hút nhà đầu tư vào các dự án PPP.

Vị trí dự kiến xây cầu Thủ Thiêm 4 ở TPHCM, phía trên hình là cảng Tân Thuận (quận 7) còn bên dưới hình là khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức). Theo đề xuất của Sở GTVT TPHCM, cầu Thủ Thiêm 4 dài 2 km, có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỉ đồng và đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT. Ảnh: Lê Vũ

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đang được Quốc hội thảo luận. Hai vấn đề được quan tâm nhất gồm: (1) nâng mức góp vốn Nhà nước cùng với mở rộng lĩnh vực hợp tác công tư và tháo gỡ trở ngại hợp đồng BOT và (2) đề xuất áp dụng hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) theo phương thức thanh toán bằng tiền và bằng quỹ đất sau ba năm tạm dừng.

Dù vậy vẫn còn ý kiến khác nhau về một số nội dung sửa đổi, bổ sung chưa đủ sức giải quyết khó khăn, xóa bỏ tâm lý rủi ro với nhà đầu tư và cơ quan quản lý, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng chưa đủ cơ sở luật hóa hợp đồng BT.

Thực tế có nhiều dự án cao tốc, cầu đường, sân bay, năng lượng, môi trường được vận hành theo phương thức đối tác công tư giúp giảm gánh nặng ngân sách, đóng góp cho xã hội. Nhưng cũng có không ít dự án khiến dư luận bức xúc, chưa rõ ràng thu chi. Quan sát dễ thấy các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là thiếu minh bạch, chỉ định thầu không có cạnh tranh nên dẫn đến những hoài nghi về chi phí đầu tư chưa tương xứng.

Nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng nước ta ngày càng tăng cao, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tới đến năm 2030 cần khoảng 480 tỉ đô la. Trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế, huy động nguồn vốn tư nhân là thiết thực. Nhà nước làm dự án không phải để tìm kiếm lợi nhuận mà tranh thủ nguồn lực tư nhân góp phần xây dựng hạ tầng theo quy hoạch.

BOT là hình thức đầu tư xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, nhà đầu tư huy động tiền làm dự án để khai thác thu hồi vốn có lợi nhuận rồi giao lại cho cơ quan chức năng quản lý. Nhà đầu tư nào kinh doanh cũng muốn giảm thiểu rủi ro, luôn đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Vì vậy, muốn xã hội hóa thu hút nguồn lực tư nhân thì không thể để nhà đầu tư đối diện nhiều rủi ro phát sinh trong thực tế khiển dự án PPP giảm hoặc không có lợi nhuận.

Dự thảo luật lần này nên đặt vấn đề giải quyết các dự án PPP bị giảm doanh thu vì lý do khách quan, lỗi không phải nhà đầu tư gây ra thì được lựa chọn giải pháp kéo dài thời gian thu phí hoặc nhận hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách, tùy điều kiện cùng thỏa thuận cả hai.

Cần tháo gỡ những điểm nghẽn chính sách trên cơ sở xem xét nhiều góc độ để cho ra kết quả tốt với lợi ích lâu dài. Những bất cập, trở ngại phát sinh thời gian qua chính là cơ sở cho các cơ quan chức năng tham khảo và đề xuất sửa đổi, bổ sung để tránh lặp lại trường hợp tương tự như trường hợp dự án BOT ở Điện Bàn (Quảng Nam). Nhà đầu tư cho biết thời gian đầu nguồn thu ổn định theo phương án tài chính, từ khi chính quyền địa phương cho phép xây dựng các khu dân cư mới lân cận dẫn đến xe rẽ vào đường ngang dân sinh né trạm thu phí khiến doanh thu giảm đến 90% (**).

Giờ đã áp dụng công nghệ điện tử, thu phí không dừng được truyền dữ liệu về cơ quan quản lý. Mấu chốt còn lại là ngăn chặn những thu lợi bất chính, cung cấp sản phẩm chưa tương xứng chi phí hoàn vốn theo phương án tài chính.

Minh bạch các thông tin, tạo cạnh tranh công bằng sẽ có giá thành tương xứng theo cơ chế thị trường trong điều kiện bình thường. Muốn vậy phải tổ chức đấu thầu có nhiều nhà đầu tư tham gia căn cứ mục tiêu, quy mô dự án đưa ra phương án tối ưu nhất làm cơ sở đánh giá, so sánh, lựa chọn. Nếu vẫn còn tiếp tục chỉ định thầu hay đấu thầu hạn chế, lấy lý do chỉ có một nhà đầu tư tham gia thì dù dưới danh nghĩa nào, đưa ra mức tiết kiệm bao nhiêu phần trăm cũng là độc quyền.

BT trả chậm bằng tiền hay bằng quỹ đất, cơ chế hợp đồng phù hợp bối cảnh phát triển hạ tầng trong khi ngân sách còn hạn chế, xu thế có tính thời điểm nếu không tận dụng kịp thời có thể lỡ nhịp để tạo ra sự đột phá, biến thành cơ hội đánh thức những vùng đất rộng lớn bỏ hoang bấy lâu nay.

Thay vì quản không được thì cấm, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu chính sách hữu hiệu để hạn chế rủi ro, đảm bảo hài hòa lợi ích, nâng cao năng suất đầu tư. Ví dụ khi làm dự án trả bằng quỹ đất bắt buộc phải tổ chức đấu thầu rộng rãi để có cạnh tranh công bằng sẽ phát huy hết giá trị thị trường, quy đổi ra tiền tương ứng giá chuyển nhượng.

Kèm theo đó là công khai các kế hoạch, quy hoạch phát triển toàn bộ địa bàn liên quan, nhà đầu tư nào sử dụng đều tuân thủ sẽ không xảy ra tình trạng muốn làm gì cũng được. Như vậy vừa trao đổi quỹ đất ngang giá, nhà đầu tư làm dự án theo định hướng Nhà nước.

------------------------

(*) Kỹ sư cầu đường

(**) https://tuoitre.vn/ngan-xe-ne-tram-bot-quang-nam-chinh-quyen-noi-qua-kho-doanh-nghiep-va-dan-noi-qua-kho-20241024134243928.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới