Giảm thuế để “kích cầu”
Người nghèo, thu nhập thấp là đối tượng cần được ưu tiên trong chính sách giảm thuế để kích cầu - Ảnh: Lê Toàn. |
(TBKTSG) - Một trong những biện pháp cổ điển của các gói kích thích kinh tế ở khía cạnh tài khóa là giảm thuế. Có điều trên thực tế có rất nhiều loại thuế như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, đóng góp bảo hiểm xã hội từ quỹ lương, thuế tiêu dùng (như thuế doanh thu, thuế VAT, thuế bán hàng), thuế xuất nhập khẩu...
Mỗi loại thuế có ảnh hưởng khác nhau lên các thành phần kinh tế nên ảnh hưởng của việc giảm thuế sẽ khác nhau.
Trong kế hoạch “kích cầu” của mình, Tổng thống đắc cử Obama vừa tiết lộ sẽ dành 300 tỉ đô la Mỹ cho việc giảm thuế thu nhập cá nhân trong hai năm. Một số nhà kinh tế cho rằng giảm thuế thu nhập cá nhân sẽ không có hiệu quả vì người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm một phần số tiền thuế được giảm, nhất là khi việc giảm thuế chỉ là tạm thời. Do vậy hiệu ứng lan tỏa của biện pháp này không cao.
Một số nghiên cứu về lần hoàn thuế giữa năm 2008 tại Mỹ cho thấy một phần rất lớn (80%) số tiền hoàn thuế đã được người dân tiết kiệm thay vì chi tiêu, làm giảm đáng kể hiệu quả của chính sách kích thích tiêu dùng.
Tuy vậy, một nghiên cứu khác của Andrew Mountford và Harald Uhlig lại cho rằng giảm thuế thu nhập cá nhân vẫn là biện pháp “kích cầu” hiệu quả hơn chi tiêu chính phủ. Dù sao đi nữa, Obama sẽ không có lựa chọn nào khác vì chỉ với phần cắt giảm thuế thu nhập cá nhân lớn như vậy mới bảo đảm các nghị sĩ đảng Cộng hòa không ngăn cản kế hoạch kích thích kinh tế của Obama bị chặn ở Quốc hội Mỹ.
Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp rất ít được đề cập đến. Có lẽ vì nó không tác động trực tiếp vào tổng cầu mà phải thông qua con đường cổ tức, vừa chậm vừa không hiệu quả. Giảm thuế thu nhập công ty, trừ khi lợi nhuận tăng kéo theo việc công ty mở rộng sản xuất, thuê thêm nhân công, sẽ có lợi cho người giàu (các cổ đông) là điều ít ai muốn. Hơn nữa những người giàu thường có tỷ lệ thay đổi mức chi tiêu so với mức thay đổi thu nhập không cao, do vậy hiệu ứng lan tỏa sẽ nhỏ.
Dù sao thuế thu nhập doanh nghiệp của Mỹ cũng thuộc hàng cao trong số các nước phát triển, do vậy khả năng này cũng khá hấp dẫn. Chưa kể cắt loại thuế này sẽ nhắm trực tiếp vào các doanh nghiệp Mỹ, tiền “kích cầu” ít bị “rơi vãi” ra nước ngoài.
Một phương án khác do Mark Bils và Peter Klenow đề nghị là giảm đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội. Biện pháp này là kết hợp giữa cắt giảm thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp nên kết hợp được điểm mạnh của cả hai giải pháp trên. Mặc dù mức đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội có tỷ lệ không lớn, đa số doanh nghiệp coi đây là gánh nặng vì nó không phụ thuộc vào lợi nhuận kinh doanh. Do vậy giảm mức đóng góp này sẽ có nhiều tác động vào động cơ mở rộng sản xuất hơn là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, mức đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội có trần đối với những người có thu nhập cao nên giảm loại thuế này sẽ có nhiều tác động đến thành phần lao động có thu nhập thấp, do đó hiệu quả hơn cắt giảm thuế thu nhập (với cùng một tỷ lệ cắt giảm). Tuy nhiên với tình trạng nhiều bang của Mỹ đang phải đối diện với nguy cơ quỹ bảo hiểm thất nghiệp phá sản, việc cắt giảm này có thể sẽ gây khó khăn cho các bang nếu chính phủ liên bang không ứng cứu kịp thời.
Thay vì giảm thuế thu nhập cá nhân, Robert Hall và Susan Woodward cho rằng giảm thuế tiêu dùng (như thuế VAT) sẽ có hiệu quả hơn. Bằng cách này người tiêu dùng buộc phải đi mua hàng hóa thì mới được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế của chính phủ, do đó họ sẽ không có khuynh hướng tăng tiết kiệm như trong trường hợp cắt giảm thuế thu nhập. Hơn nữa nếu giảm thuế tiêu dùng chỉ tạm thời trong 1-2 năm, người tiêu dùng sẽ dịch chuyển kế hoạch chi tiêu trong tương lai về hiện tại để tranh thủ lúc thuế thấp.
Ngoài ra, trừ khi việc giảm thuế thu nhập cá nhân được thực hiện dưới hình thức hoàn thuế như năm ngoái, giảm thuế tiêu dùng có thể thực hiện nhanh chóng hơn và sẽ có tác dụng tức thì vào nền kinh tế. Nhật Bản đã mắc sai lầm năm 1997 khi tăng VAT làm nền kinh tế tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng, vậy có cơ sở để tin rằng nếu Mỹ làm ngược lại (giảm thuế) thì sẽ giúp nền kinh tế phục hồi nhanh hơn.
Đối với Việt Nam, vì thuế thu nhập cá nhân và bảo hiểm thất nghiệp mới chỉ bắt đầu từ năm nay, thay vì cắt giảm hai loại thuế này Chính phủ có thể tạm thời hoãn thực hiện. Tuy nhiên, một giải pháp tốt hơn mà tôi đã từng đề xuất là vẫn tiếp tục triển khai Luật Thuế thu nhập cá nhân nhưng thay đổi mức thuế cho những người thu nhập thấp, thậm chí tiến hành chi trả hoàn thuế trực tiếp cho các đối tượng nghèo.
Với bảo hiểm thất nghiệp và các loại đóng góp khác (bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội), có thể hoãn hoặc giảm tỷ lệ đóng góp trong năm nay đồng thời tăng chi trả từ những quỹ bảo hiểm này. Riêng với bảo hiểm thất nghiệp nên từ bỏ yêu cầu phải đóng đủ 12 tháng mới được nhận tiền bảo hiểm, coi như trong năm đầu tiên Chính phủ đứng ra bù lỗ cho quỹ này.
Chính phủ cũng nên xem xét phương án cắt giảm thuế tiêu dùng, ở Việt Nam là VAT. Không nhất thiết phải cắt toàn bộ mà cắt VAT cho những mặt hàng thiết yếu và có tỷ lệ nội địa hóa cao. Tất nhiên ảnh hưởng vào ngân sách sẽ rất lớn, nhưng đây là cái giá phải trả cho một chính sách kích cầu trong giai đoạn khó khăn. Điều quan trọng là không nên coi kích cầu là giải pháp lâu dài, các chính sách vĩ mô luôn là các biện pháp tình thế ngắn hạn. Cải cách thể chế mới là giải pháp dài hạn và cần phải làm dù bất kỳ hoàn cảnh kinh tế nào.
TS. LÊ HỒNG GIANG