Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giảm thuế, phí: ‘Liều thuốc hồi sức’ doanh nghiệp sau đỉnh dịch Covid-19

Hoàng Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chính phủ nên tập trung vào chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, đồng thời duy trì chính sách miễn giảm phí và kéo dài thời gian giãn, hoãn thuế trong bối cảnh những tác động từ dịch Covid-19 tới doanh nghiệp, người lao động đã rất nặng nề - theo PGS. TS. Tô Trung Thành.

Chia sẻ với KTSG Online, PGS. TS. Tô Trung Thành – giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – đề xuất Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ về thuế theo hướng giảm mức chịu thuế giá trị gia tăng để mở rộng độ bao phủ với các đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19.

Tập trung xây dựng chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng ‘xanh’

KTSG Online: Thưa ông, những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 với doanh nghiệp hiện có gì khác thời điểm cách đây 3 tháng?

- PGS. TS. Tô Trung Thành: Những con số thống kê tại thời điểm cuối tháng 6-2021 cho thấy nền kinh tế có mức độ hồi phục khá so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng hiện nền kinh đế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng đang đối mặt với hai vấn đề nghiêm trọng.

Thứ nhất, đứt gãy chuỗi cung ứng trong và ngoài nước do việc áp dụng Chỉ thị 16 một cách cứng nhắc, không thống nhất ở các địa phương. Điển hình là quy định ‘hàng hoá thiết yếu’ và những điều kiện an toàn để được lưu thông.

Điều này đã dẫn tới tình trạng đứt gãy nguồn lao động do nhiều lao động, đặc biệt lao động có trình độ cao tại các địa phương như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng không thể đến nơi làm việc. Tình trạng gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào, hàng hóa đã xuất hiện khi việc lưu thông qua các địa phương bị cản trở.

Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất của ngành phải đóng cửa sản xuất vì không đáp ứng được những yêu cầu phòng chống dịch tại địa phương.

Tương tự, các doanh nghiệp nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu - khu trú chủ yếu ở các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Bình Dương, TPHCM - phải tạm ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất, dẫn đến đứt gãy cả chuỗi cung ứng quốc tế. Nếu không cải thiện được tình hình, nhiều khả năng các doanh nghiệp  phải rời khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thậm chí, chuỗi sản xuất có thể bỏ qua điểm dừng Việt Nam khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bị ảnh hưởng mạnh.

Hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Ảnh minh hoạ: Trọng Hiếu.

Thứ hai, chi phí sản xuất gia tăng mạnh ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phải trả thêm những chi phí gồm hỗ trợ lương nghỉ dịch; xét nghiệm cho người lao động và lái xe; nhiên liệu do thay đổi cung đường, di chuyển lao động và hàng hóa; trợ cấp tiền lương, bữa ăn và vật dụng sinh hoạt,... để đảm bảo điều kiện an toàn, đồng thời khuyến khích lao động ở lại sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ” và “ một cung đường, hai điểm đến”.

Ngoài ra, các chi phí liên quan đến người lao động như bảo hiểm xã hội, chi phí công đoàn vẫn không được miễn giảm trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng hoặc suy giảm sản lượng. Một số điều tra cho thấy các chi phí của các doanh nghiệp đã tăng khoảng 20-30%, tạo ra gánh nặng rất lớn với các doanh nghiệp vốn đã kiệt sức do dịch bệnh kéo dài.

KTSG Online: Một số địa phương đã lên lộ trình nới lỏng các biện pháp giãn cách nhằm khôi phục sản xuất - kinh doanh. Ông có lưu ý gì khi thực hiện việc này?

- Thời gian giãn cách chặt chẽ vừa qua giúp Việt Nam đã đạt được một số điều kiện cho phép nởi lỏng dần các hoạt động sản xuất và kinh doanh gồm tổng số người tiêm chủng vaccine đạt mức 21,5 triệu – bằng 22,2% dân số; tỷ lệ tiêm ở các địa phương trọng điểm như TPHCM, Bình Dương, Hà Nội lần lượt đạt mức 91,9%, 79,2%, 66,8% tính tới ngày 11-9. Như vậy, các địa phương có thể nới lỏng giãn cách từng phần theo tiến độ tiêm vaccine, số ca tử vong và tỷ lệ tử vong do Covid-19 giảm và khả năng chữa trị các ca bệnh nặng được đảm bảo.

Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp nới lỏng theo cấp độ cần đi kèm các điều kiện an toàn để đảm bảo kiểm soát dịch bệnh. Một số nguyên tắc cần quán triệt khi nới lỏng giãn cách gồm chấp nhận một nền kinh tế có Covid-19; đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng; chuẩn bị nguồn lực y tế phải có khả năng chữa trị các ca bệnh nặng và giảm số ca tử vong và tỷ lệ tử vong.

Với hoạt động sản xuất, cần thực hiện các biện pháp nới lỏng theo chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng (chuỗi sản xuất và cung ứng xanh, chuỗi sản xuất và cung ứng đỏ), bên cạnh giải pháp nới lỏng giãn cách theo đơn vị địa lý (vùng xanh, vùng đỏ) do quá trình sản xuất vượt qua khái niệm về địa lý.

Ngoài ra, cần nới lỏng xuyên suốt chuỗi sản xuất và cung ứng, từ khâu nhập khẩu, sản xuất nguyên vật liệu, logistics, sản xuất thành phẩm, tới phân phối và xuất khẩu.

KTSG Online: Vậy các chính quyền địa phương, cùng các cơ quan quản lý cần hỗ trợ doanh nghiệp ra sao để xây dựng chuỗi sản xuất và cung ứng xanh, thưa ông?

- Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ về điều kiện lao động, sản xuất – kinh doanh và vận tải từ chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý khi xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng xanh.

Với yếu tố lao động, chính quyền các địa phương cần cho phép doanh nghiệp được phép sử dụng lao động đáp ứng đủ điều kiện an toàn. Đồng thời, cho phép các lao động này được quyền tham gia các hoạt động kinh doanh bình thường, đặc biệt với những người làm việc tại các khu công nghiệp hoặc các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng, nhưng có không gian độc lập, tách rời khu dân cư.

Với yếu tố sản xuất – kinh doanh, cần cho phép các doanh nghiệp linh hoạt lựa chọn các mô hình sản xuất - kinh doanh an toàn với sự phối hợp của các cơ quan chức năng tại địa phương, thay vì duy trì mô hình “ba tại chỗ” gây tốn kém. Ngoài ra, quy trình xử lý khi xuất hiện người mắc Covid-19 cần được xây dựng rõ ràng, theo hướng tạo điều kiện cho sản xuất một phần hay toàn bộ sau khi bóc tách F0 và xử lý an toàn.

Bên cạnh đó, chính quyền cần cho phép các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm an toàn phòng dịch qua việc tự xét nghiệm Covid-19 với người lao động dưới sự giám sát và hướng dẫn của các cơ quan chức năng.

Cuối cùng, tạo điều kiện cho phép doanh nghiệp bù đắp các chi phí gia tăng thông qua những hỗ trợ giảm thuế, phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, cho phép tính các chi phí chống dịch vào chi phí hợp lý hợp lệ.

PGS. TS Tô Trung Thành, giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: NVCC.

Với yếu tố vận tải, chính quyền các địa phương có thể cho phép các phương tiện vận tải tự do di chuyển các tuyến đường trục quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường chính - tuyến đường xanh, nhưng cần quản lý chặt tài xế.

Theo đó, tài xế phải đảm bảo các điều kiện an toàn gồm đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19; không được đỗ, dừng tùy tiện tại địa phương; các trạm kiểm tra phòng dịch không được bắt buộc các phương tiện vận tải dừng để kiểm tra khi có thể nhận diện các phương tiện an toàn thông qua các phương pháp nhận diện tự động. Việc kiểm tra, giám sát với tài xế sẽ được thực hiện các thông qua các công nghệ giám sát.

Ngoài ra, mỗi địa phương cần tổ chức trung tâm logistics để hạ tải và luân chuyển hàng hóa nhằm phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp.

Nếu phân được các chuỗi xanh và đảm bảo các điều kiện an toàn như khuyến nghị, các địa phương có thể nới lỏng dần các điều kiện giãn cách để hồi phục sản xuất và kinh doanh cho doanh nghiệp.

Miễn, giảm thuế và phí để cứu doanh nghiệp

KTSG Online: Ông đánh giá như thế nào về tính hiệu lực và hiệu quả của các chính sách miễn, giảm thuế cho các hộ, cá nhân kinh doanh và doanh nghiệp do Chính phủ đề xuất?

- Những đề xuất này cơ bản đã hướng tới mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, Chính phủ xem xét lại chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp năm 2021 cho các đơn vị có doanh thu không vượt quá 200 tỉ đồng trong bối cảnh đa phần các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thua lỗ hoặc đối mặt với nguy cơ phá sản do gánh nặng chi phí. Theo đó, chỉ có số ít doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 được hưởng lợi từ chính sách này.

Vì vậy, việc tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là biện pháp hỗ trợ chưa hoàn toàn phù hợp, có thể tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp khi các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất lại không được hưởng lợi.

Để tránh lãng phí nguồn lực, các chính sách hỗ trợ về thuế nên được thiết kế theo hướng tập trung giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) vì đối tượng được hưởng sẽ nhiều hơn.

KTSG Online: Chính phủ nên có những ưu tiên gì khi thực hiện chính sách giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh?

- Trong thời kỳ đại dịch hay khủng hoảng, các công cụ lãi suất nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung thường ít hiệu quả hơn trong việc kích thích hay hồi phục sản xuất. Ngoài ra, hai khó khăn lớn nhất với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng.

Vì vậy, Chính phủ nên ưu tiên sử dụng các công cụ chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế, phí. Cụ thể, nên giảm 50% thuế GTGT phải nộp năm 2021 cho nhiều đối tượng bị tác động bởi Covid-19 hơn thay vì đề xuất 30% cho một số ngành và lĩnh vực như dự thảo.

Đây là loại thuế có diện điều tiết rộng, không cần có lợi nhuận mới phải nộp như thuế thu nhập doanh nghiệp. Vậy nên độ bao phủ với các đối tượng bị ảnh hưởng tiêu cực từ Covid-19 sẽ rộng hơn. Chính phủ có thể dành nguồn lực dự kiến cho việc giảm thuế TNDN để dồn cho hỗ trợ theo sắc thuế này.

Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ về chi phí cho doanh nghiệp cần được tiếp tục đẩy mạnh, đặc biệt là những giải pháp: kéo dài thời gian giãn, hoãn thuế, giảm tiền thuê đất và bổ sung bổ sung đối tượng được gia hạn; tạm dừng hoặc giảm đóng bảo hiểm xã hội; tạm dừng hoặc giảm kinh phí công đoàn và cho phép doanh nghiệp sử dụng nguồn kinh phí này để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động; giảm cước và chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt; giảm giá và giảm tiền điện, nước, viễn thông, miễn, phí dịch vụ thanh toán điện tử.

Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, khiến đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh hoạ: Trọng Hiếu.

Trong quá trình thực thi chính sách, các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng và minh bạch về thủ tục cũng như đối tượng được hưởng. Cần giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính. Đồng thời đôn đốc, kiểm soát tốc độ giải ngân để doanh nghiệp có thể tiếp cận chính sách hỗ trợ trong thời gian ngắn nhất.

Để thực hiện việc này, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ cần thiết kế theo hướng tập trung, đúng đối tượng và thực chất nhằm theo sát nhu cầu của doanh nghiệp hơn. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh nguồn lực tài chính quốc gia đang dần thu hẹp.

Về yêu cầu khi thiết kế chính sách, Chính phủ nên có sự chọn lọc, phân loại về ngành, nghề để hỗ trợ. Các đối tượng thụ hưởng hỗ trợ và mức hỗ trợ cũng cần được xác định theo mức độ ảnh hưởng từ đại dịch. Còn thời gian thụ hưởng chính sách phải theo sát diễn biến của đại dịch.

KTSG Online: Các chính sách giảm thuế, phí có nên kéo dài sang năm 2022 không, thưa ông?

- Với mục tiêu tiêm 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho hơn 70% dân số tính tới cuối quí 1-2022, việc nới lỏng toàn bộ nền kinh tế có thể phải chờ tới thời điểm đó. Trong giai đoạn này, hoạt động sản xuất và vận hành các chuỗi cung ứng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.

Vậy nên các chính sách giảm thuế, phí cần tiếp tục kéo dài đến khi nền kinh tế quay về trạng thái “bình thường mới”. Tuy nhiên, mức độ hỗ trợ có thể giảm dần theo tiến độ nới lỏng nền kinh tế và phù hợp với diễn biến thực tế của đại dịch.

KTSG Online: Theo ông, doanh nghiệp có cần các giải pháp hỗ trợ khác nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài?

- Doanh nghiệp vẫn cần sự hỗ trợ từ các chính sách tiền tệ, bên cạnh chính sách về thuế, phí. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã ở mức thấp, nhưng với các doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch thì lãi suất lại không hẳn là yếu tố quyết định đầu tư, sản xuất và kinh doanh do nhu cầu thị trường suy giảm.

Vì vậy, chính sách hỗ trợ tín dụng nên hướng đến cả các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng do đại dịch nhưng có độ lan tỏa lớn, có tác động tích cực đến các ngành, các lĩnh vực khác để thúc đẩy sản xuất của cả thị trường. Ngoài ra, cần mở rộng đối tượng doanh nghiệp nhận hỗ trợ và kéo dài thời gian cơ cấu lại nhóm nợ ít nhất đến hết quí 1-2022 khi đại dịch có thể được kiểm soát, còn tiềm lực của doanh nghiệp, ngân hàng đã vững hơn.

Bên cạnh đó, cần hướng dòng tiền vào khu vực sản xuất thực. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên kiểm soát cung tiền nhưng cần cho phép nới lỏng tín dụng hơn ở các ngân hàng thương mại đã đảm bảo các điều kiện về an toàn. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng” của các thị trường tài sản.

Ngoài ra, Chính phủ không nên phát hành trái phiếu quá nhiều để khu vực tư nhân có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn.

Còn các bộ, ngành cần giữ lạm phát và lãi suất ở mức thấp, tỷ giá ổn định, hệ thống tài chính tiền tệ an toàn, thì nền kinh tế mới có thể hồi phục nhanh chóng sau đại dịch.

Cuối cùng, những giải pháp mang tính dài hạn để chuyển đổi căn bản mô hình tăng trưởng, gia tăng chất lượng tăng trưởng, ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ số, cần được thực hiện để giúp nền kinh tế duy trì hoạt động trong đại dịch, hồi phục nhanh chóng sau dịch và tiến tới phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới