(KTSG) - Một số bài báo đã đề cập việc giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế. Ngoài những ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng và ngành vận tải, còn những ảnh hưởng gián tiếp đến toàn bộ nền kinh tế của chu kỳ sản xuất sau khi hầu hết các ngành đều sử dụng đầu vào là vận tải và các sản phẩm khác đã tăng giá ở chu kỳ sản xuất trước trong quá trình hình thành giá bán đến người sử dụng cuối cùng.
Giá xăng dầu tăng không chỉ làm chỉ số giá sản xuất (PPI) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng, mà còn làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP. Dịch bệnh đã làm GDP quí 3-2020 giảm khá sâu, nay cộng thêm giá xăng dầu tăng cao khiến nền kinh tế càng khó phục hồi hơn nữa.
Đánh giá về gói kích thích, phục hồi nền kinh tế, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhìn nhận, với tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 thì mục tiêu phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội là cấp bách. Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng việc quyết tâm, chủ động, khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi nền kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng là rất cần thiết. Do đó cần nghiên cứu toàn diện, có phương án cân đối để xây dựng gói kích thích kinh tế với quy mô đủ lớn để tạo hiệu ứng sâu rộng, tính lan tỏa cao. Đồng thời, nghiên cứu, sử dụng đồng bộ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; nghiên cứu, lựa chọn đối tượng phù hợp, cần thiết để bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất; có chính sách thu phù hợp, tính đến việc miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí; cân nhắc giảm mức nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đào tạo và đào tạo lại lao động.
Với tinh thần như vậy, cách hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng tốt nhất là giảm thuế, phí để giảm giá xăng dầu càng sớm càng tốt. Việc giảm thuế, phí trong giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng nhanh chóng và hiệu quả đến nền kinh tế hơn các gói hỗ trợ về lãi suất và tiền ngân sách.
Hiện nay, khả năng hấp thụ vốn đầu tư của Việt Nam không hoàn toàn tốt. Số liệu của Tổng cục Thống kê về vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và tích lũy tài sản cho thấy, bỏ ra 100 đồng vốn đầu tư chỉ đến được với sản xuất để tạo ra tài sản cố định và tài sản lưu động khoảng 80 đồng. Lưu ý là khoản này mới được tính vào GDP. Việc giảm giá xăng dầu hiệu quả không kém gói kích thích nền kinh tế từ đầu tư công nếu không muốn nói là hiệu quả hơn, mà lại ít chịu rủi ro về đạo đức hơn.
Trong bối cảnh nền kinh tế và người dân lao đao vì dịch bệnh, hiện doanh nghiệp và dân đang cố gắng hồi phục thì việc giá xăng dầu phải cõng quá nhiều loại thuế, phí là không phù hợp về cả tình và lý.
Quá trình hình thành giá bán của xăng dầu bao gồm giá nhập khẩu, 10% thuế nhập khẩu, 10% thuế giá trị gia tăng, 10% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng RON95 và 8% với xăng E5 - tính ra khoảng 4.000 đồng/lít đối với xăng RON95, 3.800 đồng/lít với xăng E5. Mỗi lít xăng còn phải gánh chi phí định mức kinh doanh (trên 1.000 đồng), lợi nhuận định mức 300 đồng và quỹ bình ổn giá.
Với giá bán như hiện nay thì thuế bảo vệ môi trường chiếm khoảng 16%. Không giống với thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng tính trên giá CIF, loại thuế này là một con số cố định, giá xăng dầu tăng hay hạ thì nó vẫn thế. Thuế bảo vệ môi trường thực ra chỉ là một cái tên gọi, cách thức sử dụng loại thuế này cũng giống như các loại thu khác mà thôi. Tại sao không ai hỏi hiệu quả của thuế bảo vệ môi trường thế nào từ khi ra đời loại thuế này?
Nếu so sánh giá xăng dầu với thu nhập bình quân đầu người, thì người tiêu dùng ở ta, xui xẻo thay, lại thuộc diện “nhất bảng” thế giới. Lý do giá xăng dầu chưa chịu giảm chắc là do “Bộ Tài chính… chưa tích cực lắm” như lời Chủ tịch Quốc hội phát biểu gần đây ?