(KTSG Online) - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự án về quy hoạch tài nguyên nước đã đặt mục tiêu đến năm 2025, giảm tỷ lệ thất thoát nước trong hoạt động cấp nước xuống 10%.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường thúc đẩy phát triển tài chính xanh bền vững, bảo vệ môi trường
- Tiêu chuẩn nước thải ao nuôi quá cao gây khó ngành cá tra
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 27-12, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bản Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, việc quản lý ngành nước được thực hiện trên nền tảng công nghệ số, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Kế hoạch đặt ra là đến năm 2025, tất cả lưu vực sông lớn và quan trọng sẽ có quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; đảm bảo đủ nguồn nước trong sinh hoạt và góp phần nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch cho người dân đô thị từ 95% trở lên, người dân nông thôn từ 65%.
Ngành cấp nước cũng được yêu cầu kiểm soát cơ bản 90% các hoạt động khai thác, sử dụng nước; nâng cao hiệu quả việc sử dụng nước và giảm tối đa thất thoát nước trong hệ thống các công trình thủy lợi; giảm tỷ lệ thất thoát nước trong hoạt động cấp nước xuống 10%.
Đồng thời, quy hoạch cũng nêu rõ việc khắc phục tình trạng thiếu nước vào mùa khô ở các lưu vực sông, các vùng khó tiếp cận nguồn nước, nhất là vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, vùng sâu, vùng xa và các đảo.
Mục tiêu đến năm 2030, việc thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật trước khi thải ra môi trường đạt từ 30% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại 2 trở lên và 10% tại các đô thị từ loại 5 trở lên.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phải hoàn thành việc công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; các ao, hồ, đầm không được san lấp; phòng, chống sụt, lún do khai thác nước dưới đất; hoàn thành việc lập, công bố hành lang bảo vệ nguồn nước, đảm bảo lưu thông dòng chảy, giảm thiểu tác hại do nước gây ra như sạt, lở bờ, bãi sông.
Các giải pháp để triển khai thực hiện quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm giải pháp về pháp luật, chính sách; giải pháp về tài chính, đầu tư; giải pháp về khoa học - công nghệ và hợp tác quốc tế; tuyên truyền nâng cao nhận thức; đào tạo, tăng cường năng lực; tổ chức và giám sát thực hiện quy hoạch.