(KTSG) - Ngay từ khi dịch Covid-19 mới xuất hiện ở Việt Nam không lâu, ngành y tế đã đưa ra công thức tự bảo vệ “5K” (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế). Trong các “K” này, “khoảng cách” và “không tập trung” lại là hai điều không dễ thực hiện tại một đô thị đông đúc như TPHCM.
Thẳng thắn nhìn nhận thì môi trường sống chen chúc trong các xóm lao động, nhà trọ là một trong những nguyên nhân khiến đợt bùng phát dịch lần thứ 4 ở TPHCM lan rộng và số lượng ca nhiễm vượt xa mọi kịch bản dự kiến. Trong các khu này, việc giữ khoảng cách là điều rất khó thực hiện vì nhà cửa chật hẹp và thói quen tụ tập của người dân.
Bất kể các chiến dịch truyền thông về 5K, nhiều người vẫn nghĩ đeo khẩu trang là xong, bất kể việc khẩu trang hở trước hở sau. Việc giữ khoảng cách hầu như không được quan tâm đúng mức, kể cả ở những điểm y tế như lấy mẫu xét nghiệm hay chích ngừa. Cộng thêm vào sự chủ quan của người dân là các chính sách phong tỏa không phù hợp khiến “chặt ngoài, lỏng trong” mà chính người đứng đầu chính quyền thành phố đã thừa nhận hồi giữa tháng 8 là “ca nhiễm đa phần xuất hiện từ khu phong tỏa” trong giai đoạn trước đó(1).
Trước tháng 8 năm nay, khi phát hiện ca nhiễm địa phương sẽ phong tỏa nguyên khu để cách ly. Việc phong tỏa này có thể phù hợp với các khu nhà phố nhưng lại phản tác dụng với các khu nhà trọ, xóm lao động nghèo. Trong những khu vực chật hẹp và sống chen chúc này, việc phong tỏa nhằm ngăn ngừa mầm bệnh lây lan ra ngoài đã kéo theo một hậu quả mà có người gọi là “tạo ra lò ấp F0”.
Do chính quyền chỉ quản lý “chặt ngoài”, tức không cho dân cư trong khu phong tỏa đi ra nhưng lại “lỏng trong”, tức không có đủ khả năng giám sát nên họ vẫn khá thoải mái đi lại, thậm chí tụ tập giao lưu. Khả năng lây lan nhanh của biến chủng Delta cộng với tình trạng không kiểm soát được các biện pháp phòng chống Covid-19 trong các khu dân cư đông đúc khiến người sống trong khu phong tỏa này rất dễ bị lây nhiễm chéo. Như vậy, hai “K” quan trọng là “khoảng cách” và “không tập trung” trong một thời gian khá dài trong nhiều trường hợp, chẳng hạn như trong một số khu phong tỏa, chỉ nằm trên khẩu hiệu mà không đi vào thực tế.
Tuy chậm, nhưng cuối cùng đến tuần qua thì cơ quan chức năng của TPHCM đã nhìn ra vấn đề. Tại TPHCM, hôm 26-8 quận Bình Thạnh đã “di tản” 2.000 người đã xét nghiệm âm tính với Covid-19 sống trong khu nhà trọ lụp xụp và nhà ven kênh rạch tại vùng nguy cơ cao đến ở tạm tại nhà nghỉ công đoàn và chung cư chưa sử dụng. Ngoài chỗ ở rộng rãi, bảo đảm giãn cách, người dân còn được hỗ trợ thức ăn, tiền mặt và chích ngừa Covid-19(2).
Một động thái khác tại TPHCM cũng liên quan đến việc bảo đảm giãn cách một cách thực tế là từ tuần cuối tháng 8 này, chính quyền các quận đã tổ chức đón người vô gia cư, cơ nhỡ đưa về nơi tạm cư(3). Các địa phương tổ chức xét nghiệm nhanh Covid-19 cho người lang thang, xin ăn. Nếu kết quả xét nghiệm Covid âm tính, họ sẽ được chuyển đến các trung các cơ sở bảo trợ xã hội hay các khu cách ly điều trị nếu dương tính. Đây là biện pháp hiệu quả vừa ngăn được “nguồn F0 lang thang” vừa giúp người cơ nhỡ có nơi tạm cư yên ổn trong mùa dịch.
Mọi biện pháp dù hay đến đâu nhưng muốn triển khai trong thực tế cuộc sống thì cần kèm theo điều kiện thực hiện. Khi không thể bảo đảm “khoảng cách” và “không tập trung” trong các khu nhà lụp xụp thì việc giãn cách thực chất như thu xếp chỗ ở tạm phù hợp cho người dân cũng như lo việc ăn uống hàng ngày vừa giúp họ không tụ tập hay ra ngoài từ đó tránh được nguy cơ hình thành các ổ dịch mới.
-----------
(1) https://tuoitre.vn/chu-tich-ubnd-tp-hcm-nguoi-dan-ra-duong-dong-can-nhac-siet-chat-gian-cach-20210813075523995.htm
(2) https://tuoitre.vn/binh-thanh-di-tan-2-000-nguoi-o-khu-tro-lup-xup-den-chung-cu-tranh-dich-20210826132941913.htm
(3) https://thesaigontimes.vn/tphcm-dua-nguoi-vo-gia-cu-den-cac-co-so-bao-tro-xa-hoi/
5K rồi đến 5T. Mọi thông điệp đưa ra đều cần thiết. Rốt cuộc điều quan trọng nhất vẫn là K + T (Không làm ảnh hưởng đến người khác + Tự bảo vệ mình). Lúc này có vẻ như mọi lý lẽ thông thường đều phải xem xét lại, không phải mình vì mọi người và mọi người vì mình nữa, mà là mình trước hết phải là trung tâm chống dịch.