Thứ tư, 9/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giãn cách sẽ không còn nhưng cải cách vẫn là bài toán nóng

Lan Nhi thực hiện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong cuộc trò chuyện với KTSG Online đầu năm mới Nhâm Dần, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, vẫn luôn trăn trở làm sao để các kênh kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ hiệu quả hơn, ít phải đi đường vòng xa hơn.

KTSG Online: Hai năm dịch bệnh khó khăn qua, đặc biệt là năm 2021, nếu để tổng kết ba điều khó khăn nhất mà cộng đồng doanh nghiệp Việt phải chống chọi và vượt qua, bà chọn những điều gì trong quá trình làm kênh liên lạc giữa cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ?

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy: Nhìn lại hai năm qua, đặc biệt năm 2021 với đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư trên diện rộng và kéo dài gần nửa năm liên tục, tôi cho rằng ba vấn đề khó khăn nhất mà doanh nghiệp đã phải đối mặt là: khó khăn về tài chính, khó khăn về lao động và khó khăn đặc biệt do việc đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất, thương mại cả trong và ngoài nước gây ra.

Khó khăn về tài chính xuất hiện khá sớm do dòng tiền của các doanh nghiệp Việt vốn tương đối mỏng, lại áp lực bởi gánh nhiều loại chi phí trong bối cảnh đại dịch, doanh thu nhiều giai đoạn sụt giảm nghiêm trọng hoặc tính thanh khoản của các giao dịch không đảm bảo như kế hoạch.

Khó khăn về thiếu hụt lao động trở thành một vấn đề nóng ở giai đoạn dịch bùng phát lần thứ tư do: người lao động ở tại các khu bị phong tỏa, giãn cách, hoặc nhiễm Covid phải điều trị và cách ly. Rồi làn sóng di lao động lớn chưa từng thấy trước nay. Thêm vấn đề khó khăn trong di chuyển đi lại khi các địa phương đặt ra nhiều biện pháp hành chính khác nhau để hạn chế lây lan dịch bệnh.

Các cuộc đối thoại trực tuyến và trực tiếp đã liên tục diễn ra trong suốt năm dịch bệnh bùng phát 2021 để tìm hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp. Ảnh: Ban IV cung cấp

Với câu chuyện đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất, thương mại thì diễn biến liên tục từ đầu năm 2021 tới tận giờ và mỗi giai đoạn là 1 biểu hiện khác nhau: đầu đại dịch thì đứt gãy nguồn cung nguyên liệu nghiêm trọng, tới đợt bùng phát dịch lần 2 ở phạm vi toàn thế giới thì đứt gãy toàn cầu khi Mỹ, Châu Âu đóng biên; sang năm 2021 doanh nghiệp Việt lại đối mặt với việc đứt gãy các chuỗi trong nước nhất là khi dịch bùng lần 4, trong bối cảnh các chuỗi cung ứng/thương mại phạm vi khu vực và toàn cầu vẫn chưa thể nối lại bình thường.

Nếu được tự đánh giá, bà đánh giá việc gì đã được Chính phủ giải quyết hiệu quả nhất trong quá trình nối lại những “đứt gãy” về kinh tế, giúp doanh nghiệp dần phục hồi trong đại dịch?

Đến thời điểm tháng 11-2021, sau gần 1 tháng Chính phủ ban hành và áp dụng Nghị quyết 128/NQ-CP, chúng tôi thấy rằng điều lớn nhất mà Chính phủ đã giúp giải quyết hiệu quả cho doanh nghiệp chính là tạo ra khả năng thích ứng 1 cách linh hoạt với dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc để vận hành sản xuất, kinh doanh liên tục, cho dù diễn biến dịch vẫn còn nhiều phức tạp. Điều này được hình thành dựa trên 2 vấn đề cơ bản: (1) Chính phủ đã triển khai đặc biệt hiệu quả chiến dịch tiêm vắc xin cho toàn dân trong đó có lực lượng lao động ở các doanh nghiệp. (2) ban hành, vận hành các quy định mới trên nền tư duy “quyết sống chung với Covid” khiến khả năng thích ứng, sự tự tin tăng rất nhanh.

Trước đó, ngay từ năm 2020 sau khi dịch xuất hiện và bùng phát, cho tới hết năm 2021, Chính phủ luôn rất nhanh chóng nắm bắt tình hình thực tiễn để có các quyết sách tương đối nhanh, kịp thời. Tuy vậy, chúng tôi cũng thẳng thắn trao đổi trong nhóm các lãnh đạo Hiệp hội, doanh nghiệp đại diện các ngành rằng, nguồn lực của đất nước có hạn, sự hỗ trợ đó không thể thay thế cho việc tự thân vận động của doanh nghiệp và vì vậy doanh nghiệp cần hơn cả là môi trường để duy trì sản xuất kinh doanh thay vì chỉ ngồi chờ các gói cứu trợ. Và đến thời điểm này, cộng đồng doanh nghiệp hầu hết đều ghi nhận những giá trị mà Chính phủ đã tạo dựng được sau nhiều khó khăn, thách thức ấy.

Những điều gì, theo bà, là sự phản ánh thiết tha của cộng đồng doanh nghiệp trong đại dịch mà cần Chính phủ và các cơ quan liên quan phản hồi nhanh hơn, để quá trình nối những “đứt gãy” nhanh hơn, giúp những thương tổn của doanh nghiệp nhanh "liền sẹo"?

Việc thực thi các quyết sách của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các biện pháp phòng chống dịch vẫn là vấn đề cộng đồng doanh nghiệp tha thiết mong có sự cải thiện ở các cấp thực thi. Các cơ quan đã nỗ lực không hề nhỏ nhưng chưa đủ nếu so với các yêu cầu từ thực tiễn. Chính phủ có nhiều chủ trương, quyết sách rất tốt nhưng khâu thực thi vẫn còn chậm, còn hạn chế hiệu quả do vướng các quy trình triển khai khác nhau, hoặc đơn giản chỉ là do khâu truyền thông chính sách chưa thực sự được chú trọng và làm đúng cách. Các biện pháp phòng chống dịch vẫn được diễn giải khác nhau ở 1 số địa phương dù cùng cấp độ dịch khiến doanh nghiệp, người dân khó khăn khi tìm hiểu và tuân thủ. Có những vấn đề doanh nghiệp kiến nghị nhiều lần như là việc có 1 kênh đăng tải kịp thời, phản ánh tất cả các quy định phòng chống dịch của các địa phương một cách mạch lạc, rõ ràng và có đường dây nóng để hỗ trợ tìm hiểu khi cần nhưng đến ngay sát tết Nhâm Dần chúng tôi cũng vẫn thấy doanh nghiệp đề cập, kiến nghị lại.

Vấn đề nữa là câu chuyện cải cách các quy trình thủ tục hành chính, để thích ứng và linh hoạt hơn nữa với bối cảnh đại dịch. Bản thân doanh nghiệp đã chuyển dịch rất nhanh sang làm việc trên môi trường mạng, hoặc có thể thay đổi trạng thái từ trực tiếp sang trực tuyến bất cứ khi nào được yêu cầu, song phần chuyển dịch của các cơ quan nhà nước lại không theo kịp. Vẫn tồn tại rất nhiều thủ tục phải sử dụng tài liệu bản giấy, đóng dấu đỏ, nộp trực tiếp... và điều này gây ra nhiều khó khăn cho khâu thực thi mỗi khi lệnh giãn cách, phong tỏa được áp dụng. Ngay cả khi tới đây, việc giãn cách và phong tỏa sẽ không còn áp dụng mấy nữa thì câu chuyện cải cách vẫn là bài toán nóng để giúp doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh, tạo thêm đà thêm lực cho doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.

Ban IV - cầu nối thường trực giữa cộng đồng doanh nghiệp tư nhân với Chính phủ - có kỳ vọng là sẽ tìm ra những cách thức truyền tải, hướng đi mới nào để doanh nghiệp tư nhân và Chính phủ có sự kết nối hiệu quả hơn nữa?

Trong năm vừa qua, cùng với các doanh nghiệp, hiệp hội, chúng tôi đã rất nỗ lực để tiến hành liên tục các khảo sát, đánh giá dạng “chụp thực trạng” nhằm cung cấp các thông tin thực tiễn nhanh nhất tới lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương để tham khảo trong quá trình xây dựng các chính sách, ra các quyết sách liên quan tới doanh nghiệp. Đồng thời trong quá trình đó, cũng trợ giúp hiệu quả cho việc tổ chức các chương trình Thủ tướng đối thoại “nóng” với doanh nghiệp hay quá trình đối thoại của doanh nghiệp với một số bộ, địa phương. Bản thân các hiệp hội, doanh nghiệp ở nhiều ngành, lĩnh vực cùng Ban IV cũng chủ động xây dựng và vận hành liên tục việc đối thoại, trao đổi, cập nhật tình hình với nhau để tự thân doanh nghiệp có những hành động cần thiết nhằm nhận diện và vượt qua các khó khăn của đại dịch.

Năm 2022, cùng với những việc đang làm, chúng tôi đã đề xuất và tin rằng Thủ tướng Chính phủ sẽ ủng hộ, đó là tiến hành các diễn đàn, các cuộc đối thoại công-tư cấp cao. Ở đó tập trung vào việc tổng hợp, phân tích các kinh nghiệm phục hồi, phát triển của các nước, bàn thảo giải pháp và hành động chiến lược cho bài toán phục hồi phát triển trong nước, từng ngành, cả giai đoạn trước mắt cũng như trung hạn... Từ phía doanh nghiệp, các cuộc trao đổi cũng sẽ được duy trì một cách chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Cùng các địa phương, chúng tôi còn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, kết nối, thúc đẩy đầu tư & thương mại để gia tăng hiệu quả hành động.

Xin cảm ơn bà.

1 BÌNH LUẬN

  1. Giãn cách cũng là phương thức cải cách thái độ của con người đối với cuộc sống. Xô bồ quá, cuồng nhiệt quá, sẽ dẫn đến sự bạo phát bạo tàn, hơn nữa là sự tàn nhẫn đối với tự nhiên và giữa những con người với nhau. Mọi người bây giờ cứ tập trung vào phê phán chuyện đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng lại không thấy được sự cần thiết phải điều chỉnh chuỗi hành vi tiêu dùng. Tiêu dùng vô độ chính là nguyên nhân dẫn đến đứt gãy chứ không phải là ngược lại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới