Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Gian nan trên hành trình quay về ‘sân nhà’

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Khi các thị trường xuất khẩu lớn gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp có xu hướng quay về khai thác hoặc mở rộng thị trường trong nước nhằm duy trì hoạt động sản xuất, giữ chân người lao động và phần nào tạo được doanh thu. Tuy nhiên, con đường quay trở về thị trường nội địa với gần 100 triệu dân cũng không hề dễ dàng với nhiều doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, người sáng lập, Giám đốc điều hành Meet More Coffee đang xúc tiến quảng bá sản phẩm với người tiêu dùng trong nước tại một triển lãm. Ảnh: DNCC

Tìm hướng đi tại thị trường 'sân nhà'

Lạm phát tăng cao, người dân nhiều nước trên thế giới có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc men, xăng dầu. Do đó, đơn hàng xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp không thuộc mặt hàng thiết yếu như may mặc, giày da, đồ gỗ... cũng theo đó bị sụt giảm mạnh.

Nhận thấy các thị trường nhập khẩu có xu hướng bị sụt giảm tiêu dùng nhiều, gần 3 tháng nay, ông Nguyễn Ngọc Luận, người sáng lập, Giám đốc điều hành Meet More Coffee cùng các cộng sự liên tục đi khắp các tỉnh thành để tìm hướng mở rộng và phát triển thị trường nội địa.

Bên cạnh tham gia các cuộc triển lãm và hội chợ tiêu dùng để quảng bá sản phẩm, ông Luận cũng tìm đến hệ thống siêu thị, cửa hàng mà sản phẩm cà phê Meet More cùng các nông sản của mình chưa vào được để tìm cơ hội bán hàng. Bên cạnh phát triển hệ thống cửa hàng mới đi rộng khắp, công ty cũng đẩy mạnh bán hàng ở kênh thương mại điện tử để nhiều người tiêu dùng có thể tiếp cận sản phẩm Meet More.

“Có thể thấy các thị trường xuất khẩu đang có xu hướng sụt giảm dần và dự báo tình hình khó khăn này sẽ tiếp tục kéo dài đến nửa năm tới. Do đó, chúng tôi giờ đây tập trung đẩy mạnh thị trường trong nước để có thể nâng tỷ lệ lượng bán hàng ở nội địa ngang với tỉ lệ hàng hóa xuất khẩu”, ông Luận chia sẻ. Hiện nay tỷ lệ hàng hóa Meet More bán ở thị trường nước ngoài chiếm hơn 70%.

Khó khăn hơn phải kể đến doanh nghiệp đồ gỗ vì đây là nhóm hàng không thiết yếu mà nhiều người tiêu dùng các nước đã cắt giảm mua sắm nhiều trong bối cảnh khó khăn và lạm phát tăng cao hiện nay.

Bị sụt giảm hơn 50% đơn hàng xuất khẩu đi thị trường Mỹ và các nước trong khu vực châu Âu, Công ty Hàng Việt (Viet Products) những tháng qua đã tìm nhiều cách xoay chuyển kinh doanh để giảm lượng hàng tồn kho và tiếp tục tạo việc làm nhằm hạn chế cho người lao động nghỉ việc.

Chiến lược quay trở về thị trường nội địa mở rộng hệ thống kinh doanh được Viet Products cho là giải pháp tối ưu hiện nay. Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Viet Products, cho biết nhiều năm nay tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu chiếm khoảng 70-80% lượng hàng sản xuất của công ty. Do đó, trong bối cảnh khó khăn này, Viet Products đã đẩy mạnh hợp tác với các nhà thầu, nhà xây dựng các công trình lớn hoặc các nhà phát triển khu resort, khách sạn... nhằm xúc tiến bán hàng.

Về bán lẻ, bên cạnh quảng bá siêu thị nội ngoại thất Furnist rộng hơn 2.000 mét vuông ở quận Thủ Đức (TPHCM), Viet Products cũng kết nối đưa sản phẩm tiêu thụ ở các tỉnh thành khác.

Kênh bán hàng thương mại điện tử cũng được công ty đẩy mạnh quảng bá để người tiêu dùng có thể đặt hàng online hoặc từ kênh bán hàng này người tiêu dùng có thể đến trực tiếp cửa hàng xem sản phẩm rồi quyết định mua sắm. Trong bối cảnh cần thanh lý lượng hàng tồn kho cao cùng với đợt tháng khuyến mãi trên toàn quốc, Viet Products cũng tham gia chương trình khuyến mãi giảm giá từ 20-70% cho khách hàng trong nước mua sắm trong giai đoạn này.

Chiến lược lâu dài ở nội địa

Đáng chú ý là doanh nghiệp hoạt động trong ngành may mặc và giày dép với lượng đơn hàng xuất khẩu bị sụt giảm mạnh trong 3 tháng vừa qua khiến nhiều người lao động bị mất việc hoặc phải làm ít giờ hơn trước đây. Do đó, tìm thị trường xuất khẩu mới, thị trường ngách và phát triển thị trường nội địa được xem là giải pháp hiện nay của một số doanh nghiệp.

Cửa hàng Generos của May 10 vừa đưa vào hoạt động vào đầu tháng 11-2022 tại 198E Bạch Mai, Hà Nội. Ảnh: Báo Công Thương

Trong ngành dệt may, Tổng Công ty May 10 (May 10) được đánh giá là khá năng động trong việc xoay chuyển kinh doanh, "không bỏ tất cả trứng vào một rổ" thuần về xuất khẩu mà từ lâu đã phát triển kinh doanh song song cả thị trường trong nước và ở nước ngoài.

Đáng chú ý, chỉ trong vòng 1 tháng mà May 10 đã đưa vào khai thác hai dòng thương hiệu thời trang mới là DeTheia - dòng sản phẩm cao cấp dành cho nữ giới (khai trương tháng 10 tại 77 Bà Triệu, Hà Nội) và thương hiệu Generos (khai trương tháng 11 tại 198E Bạch Mai, Hà Nội) – thời trang nam dành cho giới trẻ, phân khúc khách hàng hiện đại.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, các hoạt động là sự tiếp nối thành công trong phát triển nhiều nhãn hiệu thời trang công sở trong nhiều năm qua của Tổng công ty như May 10 Series, May 10 Suits và Eternity Gruzs (được người tiêu dùng Thủ đô và cả nước đánh giá cao, được chứng nhận là sản phẩm Thương hiệu Quốc gia).

Theo ông Việt, đưa vào khai thác 2 nhãn hàng thời trang mới là hoạt động nằm trong chiến lược mở rộng thêm các phân khúc khách hàng trong thị trường nội địa với gần 100 triệu dân của Việt Nam vốn đang tăng. Bởi lẽ trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn nhưng hoạt động kinh doanh ở thị trường trong nước của May 10 vẫn tăng khoảng 50%. Ông Việt cho biết, May 10 sẽ đẩy mạnh tỷ trọng hàng hóa tiêu thụ trong nước hiện chỉ chiếm khoảng 20% lượng hàng hóa sản xuất của công ty.

Ông Việt cho biết thêm, cửa hàng Generos đầu tiên được khai trương vào đầu tháng 11 vừa qua sẽ là điểm khởi đầu của một chuỗi cửa hàng thời trang Generos trong 3 năm tiếp theo. Bên cạnh đó, với tốc độ phát triển thương mại điện tử của Việt Nam, May 10 đang nhanh chóng triển khai các kênh phân phối sản phẩm trên online để phục vụ nhanh cho khách hàng mọi miền đất nước qua những cú click chuột.

Hiện May 10 có trên 20 nhãn hiệu riêng các loại, với 60 cửa hàng, trung tâm thời trang và hơn 200 đại lý toàn quốc.

Điều đáng chú ý hơn, dến nay, May 10 có 100% sản phẩm tự thiết kế và sản xuất tại Việt Nam, liên tục cập nhật các xu hướng công nghệ mới trong ngành thời trang như: đầu tư áp dụng số hóa, giải pháp phần mềm 3D, kỹ thuật tạo from 3D công nghệ cao… tăng cường sử dụng các chất liệu cao cấp, đáp ứng xu hướng thời trang bền vững, thân thiện môi trường như: Silk, Bamboo, Cotton…

Nhận định về ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết theo tính toán của VITAS, đơn hàng bình quân của các doanh nghiệp may mặc đã giảm từ 25-27%. Theo ông Giang, doanh nghiệp sản xuất gia công, sản xuất mặt hàng giá rẻ chịu tác động nặng nề nhất, thậm chí phải làm không công.

Đánh giá triển vọng từ nay đến năm 2023, theo ông Giang, dự báo kinh tế thế giới vẫn còn có nhiều bất ổn và khó khăn. Do đó, ông Giang cho rằng ngành dệt may cần có hướng đi mới, giảm phụ thuộc vào thị trường quốc tế, tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu, chuyển dần trọng tâm sang khai thác thị trường nội địa.

“Với quy mô dân số gần 100 triệu người, Việt Nam là thị trường tiêu thụ dệt may tiềm năng cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam”, ông Giang nhìn nhận. Tuy nhiên, ít doanh nghiệp dệt may Việt chú trọng xây dựng thương hiệu và khai thác thị trường này. Năm 2022, ngành dệt may Việt Nam có 10 thương hiệu đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Khó khăn thị trường xuất khẩu, Viet Products đẩy mạnh bán hàng ở thị trường trong nước nhằm duy trì sản xuất, hạn chế thấp nhất cho người lao động nghỉ việc. Ảnh minh họa: DNCC

Những thách thức không nhỏ

Quay về thị trường nội địa hoặc mở rộng thị trường trong nước đang được xem là một hướng đi chiến lược của các doanh nghiệp xuất khẩu giữa bối cảnh thị trường các nước nhập khẩu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên việc phát triển và mở rộng thị trường nội địa theo các doanh nghiệp "nói thì dễ nhưng đi vào thực hiện là rất gian nan".

Quay về "sân nhà" khi đơn hàng xuất khẩu bị sụt giảm mạnh trên thực tế những doanh nghiệp xuất khẩu này từ lâu đã có cả hoạt động kinh doanh ở thị trường nội địa. Và động thái hiện nay của những doanh nghiệp này là đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, chứ không phải lần đầu tiên phát triển kinh doanh ở thị trường gần 100 triệu dân này.

Theo ông Nguyễn Văn Sang, bản thân tại Viet Products đã có showroom Furnist rộng hơn 2.000 m2 hoạt động trong nhiều năm qua và thương hiệu của công ty phần nào cũng được một bộ phận người tiêu dùng trong nước biết đến. Do đó, trong bối cảnh khó khăn xuất khẩu giờ đây công ty có thể xoay chuyển đẩy mạnh kinh doanh ở thị trường trong nước nhằm phần nào giảm lượng hàng tồn kho.

Tuy nhiên, việc sử dụng hàng hóa xuất đi Mỹ hoặc châu Âu để bán ở thị trường nội địa là không hề dễ dàng. Bởi lẽ thị hiếu tiêu dùng cho dòng sản phẩm nội – ngoại thất ở thị trường châu Âu và Mỹ là khác với người tiêu dùng Việt. Đó là chưa kể khí hậu của mỗi nước khác nhau, thậm chí là trái ngược với khí hậu ở Việt Nam nên chất liệu, vật liệu, phụ kiện… cho sản xuất sản phẩm cũng không giống nhau.

Mặt khác, dù đẩy mạnh tiêu thụ nội địa nhưng ông Sang cho rằng kinh doanh ở thị trường trong nước cũng khó có thể bù đắp cho thị trường xuất khẩu, bởi lẽ tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu tại Viet Products khá lớn.

Tình hình này cũng xảy ra với các doanh nghiệp may mặc. Đối với doanh nghiệp dệt may xuất khẩu, khi kinh doanh ở thị trường nội địa thì có lợi thế là sản phẩm mang thương hiệu của chính công ty và nhà sản xuất chủ động sáng tạo mẫu mã. Giá cả do doanh nghiệp điều tiết theo nhu cầu thị trường, kế hoạch sản xuất linh hoạt, ổn định...

Đồ nội - ngoại thất của Furnist tăng cường đẩy mạnh tiêu thụ trong nước. Ảnh minh họa: DNCC

Tuy nhiên, việc chinh phục thị trường nội địa là công việc nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro. Đơn cử khi tiếp cận thị trường gần 100 triệu dân trong nước, các doanh nghiệp phải tổ chức bộ máy phân phối rộng khắp, vì vậy tốn kém chi phí cao, cộng thêm kinh phí cho quảng bá, hậu mãi, khuyến mãi,...

Đáng chú ý, khi quay về thị trường nội địa, nói thì dễ nhưng theo các doanh nghiệp thì thực hiện không đơn giản. Một công ty gia tăng hoặc xâm nhập thị phần vào thị trường nội địa đồng nghĩa một công ty khác bị giảm hoặc mất thị phần. Và khi quay lại thị trường nội địa chính là phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm đại trà cùng loại giá rẻ.

Đó là chưa kể trong bối cảnh khó khăn hiện nay, sức mua trong nước cũng đang bị suy giảm. "Chúng tôi mong muốn nâng tỷ lệ hàng hóa sản xuất bán ở trong nước từ 30% lên 50% nhưng cho thấy rất khó khăn do sức mua của thị trường trong nước cũng đang bị ảnh hưởng khó khăn chung của kinh tế thế giới dù nhẹ hơn", ông Luận nhận định.

Việt Nam được đánh giá là thị trường năng động đang lớn mạnh với dân số trẻ, các chuyên gia lưu ý các doanh nghiệp cần xem đây là thị trường chiến lược lâu dài trong nhiều năm, không phải vì xuất khẩu khó khăn mà doanh nghiệp mới tính chuyện mang hàng bán trong nước.

Doanh nghiệp cần có chương trình nghiên cứu về thói quen tiêu dùng, sức mua... của thị trường này, từ đó tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước. Ngoài ra cần tổ chức lại mạng lưới phân phối, tránh qua nhiều cấp trung gian và chọn hình thức tiếp cận thích hợp, ngay cả thương mại điện tử...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới