Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gian nan xin chuyển sang nhà ở xã hội

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gian nan xin chuyển sang nhà ở xã hội

Đình Dũng

Dự án chung cư tại huyện Bình Chánh của Công ty Quốc Cường Gia Lai, một trong những dự án đang xin chuyển qua nhà ở xã hội. Ảnh: Đình Dũng

(TBKTSG Online) – Với những doanh nghiệp địa ốc đang gặp khó khăn, việc cho phép chuyển đổi dự án sang nhà ở xã hội là một trong những giải pháp giúp họ tìm được lối ra cho dự án của mình. Theo nhiều ý kiến, giải pháp này không chỉ giúp doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện cho người dân mua được nhà giá thấp.

Thế nhưng không ít doanh nghiệp đang nản lòng với chặng đường xin thủ tục phê duyệt dự án của mình.

>>Tìm cách gỡ khó cho nhà ở xã hội

>>Ì ạch triển khai gói 30.000 tỉ đồng

>>Ưu tiên chuyển đổi nhà ở xã hội vùng ven

8 tháng để chuyển sang nhà xã hội

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, việc chuyển đổi phải làm sao vừa giải quyết được nhu cầu trước mắt cho doanh nghiệp, giải phóng lượng hàng tồn kho nhưng phải đảm bảo các yếu tố về hạ tầng.

Trong khi đó, việc xin chuyển đổi dự án là giải pháp chữa cháy, và những người trong cuộc như đang ngồi trên lửa, đang sốt ruột với tiến độ phê duyệt hiện nay. Tới thời điểm này, số lượng các dự án được phép chuyển đổi chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thử nhìn vào một dự án vừa được phê duyệt, cụ thể là dự án HQC Plaza của Công ty cổ phần tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân, để xem “nhật ký” đường đi, quá trình của thủ tục chuyển đổi như thế nào.

Ngày 27-2, Hoàng Quân có văn bản gởi Bộ  Xây dựng xin chuyển đổi dự án khu chung cư CC1 sang làm nhà ở xã hội.

Gần một tháng sau đó, ngày 22-3, Bộ  Xây dựng gửi công văn cho UBND TPHCM, theo đó bộ đánh giá kiến nghị của Hoàng Quân là phù hợp với các quy định, và đề nghị UBND TPHCM căn cứ vào các quy định tại Thông tư 02/2013/TT-BXD thực hiện các bước tiếp theo, đẩy nhanh việc thực hiện chuyển đổi dự án.

Hơn hai tháng sau, ngày 4-6, Bộ  Xây dựng công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay gói 30.000 tỉ đồng đợt một, trong đó có dự án HQC Plaza của Hoàng Quân.

Đến ngày 11-6, Sở Xây dựng TPHCM có công văn cho phép Hoàng Quân điều chỉnh số lượng căn hộ từ 1.060 căn hộ lên 1.735 căn hộ, đồng thời phê duyệt chuyển đổi công năng từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.

Một tuần sau đó, ngày 17-6, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết Hoàng Quân sẽ được vay khoảng 540 tỉ đồng từ gói 30.000 tỉ đồng để đầu tư dự án HQC Plaza.

Một tháng sau, ngày 22-7, Hoàng Quân ký thỏa thuận hợp tác ba bên với Ngân hàng BIDV và Đoàn Thanh niên Bộ Công an để phát triển dự án HQC Plaza, theo đó sẽ bán toàn bộ 1.735 căn hộ với giá ưu đãi cho các bán bộ chiến sĩ lực lượng công an nhân dân.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng, ngày 19-8, đã có công văn yêu cầu Hoàng Quân chỉ nên dành tối khoảng 50% số căn hộ để bán cho các đối tượng là cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng công an nhân dân; phần còn lại dành để bán cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở khác trên địa bàn TPHCM.

Ngày 26-10, UBND TPHCM đã ra quyết định cho phép Hoàng Quân chuyển đổi dự án trên sang nhà ở xã hội.

Nhìn vào “nhật ký” trên có thể thấy, Hoàng Quân đã mất khoảng tám tháng để hoàn tất thủ tục giấy tờ xin chuyển dự án thương mại sang nhà ở xã hội.

Tuy nhiên còn một việc nữa công ty này phải chờ, đó là tiền từ gói 30.000 tỉ đồng.

Hoàng Quân dự kiến sẽ khởi công xây dựng dự án HQC Plaza trong tháng 11 này, và nếu mọi việc suôn sẻ thì phải đến cuối năm 2015 dự án nhà ở xã hội này mới hoàn thành.

Xưa dễ, nay khó

Là một trong những doanh nghiệp địa ốc làm thí điểm dự án nhà bán trả góp, cho thuê đầu tiên tại TPHCM, ông Nguyễn Phụng Thiều, Tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Gia Định, cho biết thủ tục hành chính hiện nay nhiêu khê hơn nhiều so với trước đây.

Ông kể hồi làm dự án khu dân cư Bàu Cát và Tân Sơn Nhì ở quận Tân Bình với khoảng 1.000 căn hộ vào năm 1990, chưa có văn bản pháp luật chặt chẽ như bây giờ nhưng lại diễn ra rất thuận lợi.

Từng việc cụ thể được giải quyết theo chủ trương của lãnh đạo thành phố qua công văn, thư tay, hay trong các phiên họp. Nói chung là rất đơn giản; mọi người làm nhiệt tình, không sợ sai sót; từ đó công trình xây dựng nhà trả góp cho thuê cũng nhanh chóng hoàn thành.

Người mua nhà ngày ấy chỉ ký hợp đồng trả trước 50% giá trị căn hộ, phần còn lại trả góp trong vòng 10 năm. Nhưng thực tế đa số người mua đóng đủ tiền để lấy chủ quyền nhà trong vòng 3-5 năm.

Bây giờ thì làm bài bản đúng quy trình pháp luật, nhưng nhiều khi công chức làm lại sợ. Pháp lý chặt chẽ là tốt nhưng nó cũng là trở ngại trong các thủ tục. Vấn đề là làm sao dung hòa được thực tiễn và tính pháp lý.

“Điều đó đòi hỏi phải có người lãnh đạo, người chỉ huy có quyền lực thực sự, người nhạc trưởng thì công việc mới chạy được”.

Theo ông Thiều, lúc đầu người dân và doanh nghiệp hồ hởi đón nhận Nghị quyết 02 của Chính phủ và Thông tư 02 của Bộ Xây dựng, nay bắt đầu thấy nản vì chủ trương chậm đi vào cuộc sống.

Sài Gòn Gia Định cũng là một trong những công ty đang xin chuyển dự án chung cư thu nhập thấp tại phường Thới An, quận 12 sang nhà ở xã hội với khoảng 360 căn hộ. Giống như những doanh nghiệp khác, công ty này đang chờ phê duyệt sau khoảng năm tháng nộp hồ sơ xin chuyển đổi dự án.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới