(KTSG Online) – Trong suốt hơn một năm qua, môi trường kinh doanh ở Hồng Kông trở nên bất ổn vì các căng thẳng chính trị, đặc biệt là sau khi Trung Quốc áp đặt luật an ninh mới, và tác động dai dẳng của đại dịch Covid-19, khiến thành phố này gần như khóa chặt cánh cửa với thế giới. Song, các giao dịch mua bán bất động sản ở trung tâm tài chính của châu Á vẫn sôi động và đang bùng nổ nhờ những khách hàng giàu có đến từ Trung Quốc đại lục.

Trong tuần qua, Tập đoàn bất động sản Wheelock của tỉ phú Peter Woo đã bán thành công hai căn hộ ở khu dân cư cao cấp Mount Nicholson tọa lạc trên đồi Victoria Peak, phía tây đảo Hồng Kông với giá 1,2 tỉ đô la Hồng Kông (154 triệu đô Mỹ).
Mức giá bán này phá kỷ lục trước đây về giá bán bất động sản cao cấp ở châu Á, được thiết lập vào đầu năm nay, khi Tập đoàn bất động sản CK Asset Holdings bán một căn hộ ở dự án dân cư cao cấp Borrett Road ở Hồng Kông với giá 459,4 triệu đô la, tương đương 136.000 đô la Hồng Kông/foot vuông.
Giới phân tích cho biết sức nóng phân khúc bất động sản cao cấp của Hồng Kông được duy trì nhờ nhu cầu của các doanh nhân giàu có đến từ Trung Quốc đại lục.
Mức giá bán phá kỷ lục ở dự án Mount Nicholson cho thấy bất động sản cao cấp ở Hồng Kông vẫn được những khách hàng giàu có săn lùng ráo riết dù nền kinh tế tổng thể của đặc khu kinh tế này phục hồi èo uột kể từ cao trào của cuộc khủng hoảng Covid-19 vào năm ngoái và nhiều tháng biểu tình phản đối một dự luật cho phép đơn giản hóa thủ tục dẫn độ nghi phạm bị truy nã sang Trung Quốc vào năm 2019.
Vai trò trung tâm tài chính châu Á và thế giới của Hồng Kông cũng bị hoài nghi sau khi Trung Quốc áp đặt luật an minh mới đối với hòn đảo này để kiểm soát những tiếng nói bất đồng chính kiến.
Những thách thức chính trị này cùng với quy định cách ly bắt buộc lên đến 3 tuần đối với người nhập cảnh vào Hồng Kông đã khiến nhiều người dân chán nản và rời bỏ Hồng Kông, khiến dân số ở hòn đảo này giảm 1,2% trong nửa đầu năm nay.
“Giá bán bất động sản cao cấp phá kỷ lục diễn ra ngay sau khi báo chí đưa tin Hồng Kông có thể tái mở cửa biên giới sớm nhất là vào tháng sau. Điều này mang lại hy vọng rằng những người giàu có từ Trung Quốc đại lục sẽ nhanh chóng trở lại để mua những căn hộ sang trọng ở Hồng Kông”, Eric Tso Tak-ming, Phó chủ tịch Công ty tư vấn thế chấp bất động sản mReferral Corporation, nói.
Kế hoạch tái mở cửa biên giới sẽ bắt đầu với một chương trình thí điểm nhỏ, cho phép người dân ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc nhập cảnh vào Hồng Kông theo một hạn ngạch hàng ngày vào tháng 12 tới và hạn ngạch này sẽ tăng lên vào tháng 2-2022. Các nguồn tin cho biết nếu thí điểm suôn sẻ, biên giới đất liền giữa Hồng Kông và Trung Quốc đại lục sẽ tái mở cửa hoàn toàn sớm nhất là vào tháng 6 năm tới và những người đã tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ sẽ được miễn cách ly.
Eric Tso Tak-ming cho biết bên cạnh đó mức lãi suất thấp kỷ lục và sức ép lạm phát cũng thúc đẩy giới giàu có mua bất động sản cao cấp giữ nguồn lúc nguồn cung vẫn hạn chế.
“Đủ kiểu thách thức mà Hồng Kông đã phải đối mặt trong hai năm qua, từ căng thẳng Mỹ-Trung, bất ổn xã hội, đại dịch, tuy nhiên , thị trường bất động sản dân cư ở đây đã chứng tỏ sự chống chịu tốt và chúng ta tiếp tục chứng kiến những thỏa thuận được chốt ở phân khúc cấp cao. Thị trường bất động sản cấp cao ở Hồng Kông dường như luôn luôn được mặc áo chống đạn”, Simon Smith, trưởng bộ phận nghiên cứu phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của hãng tư vấn đầu tư bất động sản Savills, nhận xét.
Nelson Wong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu phụ trách khu vực Đại Trung Hoa (gồm Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan) tại Công ty bất động sản thương mại tư JLL Hong Kong, nói: “Nguồn cung nhà ở có sẵn ở Hồng Kông vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu”.
Ông cho biết kể từ đầu năm đến nay, số thương vụ giao dịch bất động sản có trị giá hơn 100 triệu đô la ở Hồng Kông đã vượt con số của cả năm 2018.
Theo Colliers International, tổng giá trị giao dịch bất động sản dân cư cao cấp ở Hồng Kông trong 12 tháng kết thúc vào tháng 6-2021 tăng hơn gấp đôi so với một năm trước đó.
Theo South China Morning Post, Financial Times