Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giao dịch hậu M&A – phải chăng bên bán cần cẩn trọng hơn?

LS. Nguyễn Văn Phúc(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thương vụ M&A đổ vỡ cũng đồng thời làm gia tăng các vụ tranh chấp liên quan, không chỉ trong giai đoạn thực hiện hợp đồng mà cả khoảng thời gian đã hoàn tất giao dịch. Đã có những vụ tranh chấp xảy ra liên quan đến hành vi thiếu cẩn trọng của bên bán trên vai trò là người lãnh đạo công ty sau giao dịch.

Các giao dịch mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) hiện không còn xa lạ với nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp được thành lập với mục đích ngay từ đầu là sẽ chuyển nhượng cho các nhà đầu tư nước ngoài tại những thời điểm thích hợp.

Các thương vụ M&A được ví như những cuộc “hôn nhân” - đã trải qua quá trình dài tìm hiểu về nhau và có thể đổ vỡ chỉ vì một vài sai sót nhỏ trong quá trình thực hiện giao dịch. Thời gian qua đã có không ít những tranh chấp phát sinh liên quan đến hành vi thiếu cẩn trọng của bên bán trên vai trò là người lãnh đạo công ty sau giao dịch.

Từ một vụ việc điển hình

Mới đây, nhiều trang báo lớn đã đưa tin về việc Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu dầu khí Thái Bình Dương (Pacific Petro) bị khởi tố, bắt giam để điều tra về tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng(1). Đáng chú ý, Pacific Petro không phải là cái tên quá lạ lẫm trên các mặt báo khi doanh nghiệp này và Tổng giám đốc công ty cũng đã từng vướng vào vụ kiện lao động trước đó. Về Pacific Petro, doanh nghiệp này được ông Nguyễn Thanh Tùng thành lập năm 2019 cùng các cổ đông khác. Vào tháng 10-2019, các cổ đông của Pacific Petro đã thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Air Water Inc (AWI) của Nhật Bản.

Sau giao dịch, AWI nắm giữ 51% số cổ phần của Pacific Petro, Ông Tùng nằm giữ 48,94% cổ phần của Pacific Petro và một cổ đông khác nắm giữ phần còn lại. Đồng thời, sau giao dịch, Ông Tùng vẫn giữ chức vụ Tổng giám đốc, kiêm người đại diện theo pháp luật của Pacific Petro. Theo thông tin từ báo chí, vụ việc của Ông Tùng liên quan đến các khoản tạm ứng mà ông đã ký duyệt cho cá nhân mình, không có các tài liệu, hồ sơ cần thiết cũng như không dùng cho mục đích của công ty.

Nếu chỉ dựa vào những thông tin được báo chí đăng tải, dường như chưa đủ thông tin để có thể kết luận về hành vi của ông Tùng. Tuy nhiên, việc để vướng vào những rắc rối về mặt pháp lý sau giao dịch M&A như trên cũng là một bài học đắt giá mà bên bán cần phải lưu tâm.

Quyền hạn của bên bán sau giao dịch

Một vấn đề khá cơ bản trong các công ty đối vốn (loại hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn) là tính tương quan giữa tỷ lệ phần vốn đang nắm giữ và quyền hạn tại công ty. Điều dễ hiểu là sau khi đã chuyển nhượng đa số cổ phần cho bên mua, quyền hạn của bên bán sẽ bị thu hẹp dần. Tuy nhiên, với việc những người điều hành công ty sau giao dịch đồng thời cũng là bên bán, vốn nắm giữ đa số hoặc toàn bộ cổ phần trước đây, những người này hoàn toàn có thể bị nhầm lẫn về quyền hạn của mình tại công ty sau giao dịch M&A.

Nếu như trước giao dịch, bên bán hoàn toàn có quyền quyết định các vấn đề quan trọng của công ty, bao gồm việc sử dụng các khoản tiền, tài sản của công ty thì sau giao dịch, quyền hạn của bên bán đã bị chia sẻ phần lớn cho bên mua. Thông thường, số cổ phần mà bên bán còn nắm giữ sau giao dịch sẽ không đủ để bên bán có thể quyết định các vấn đề quan trọng của công ty. Những vấn đề này thường sẽ phải thông qua Hội đồng quản trị hoặc cao hơn là Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần hoặc Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn.

Trong vụ việc tại Pacific Petro, ông Tùng được giữ lại để đảm nhiệm chức danh Tổng giám đốc, duy trì sự ổn định trong hoạt động của công ty. Tuy nhiên, các quyết định liên quan đến tài chính tại Pacific Petro có thể đã không còn nằm trong quyền hạn của ông Tùng như trước đây mà đã thuộc về Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông của Pacific Petro, nơi có sự góp mặt của bên mua hoặc đại diện theo ủy quyền của bên mua.

Sai phạm đáng tiếc và bài học kinh nghiệm dành cho bên bán

Thông thường, trong các giao dịch M&A, bên mua sẽ muốn giữ lại những nhân sự chủ chốt để điều hành công ty mục tiêu, những nhân sự này đa phần cũng là bên bán (nếu bên bán là cá nhân) hoặc người đại diện phần vốn của bên bán (nếu bên bán là tổ chức). Mặt khác, để giảm thiểu rủi ro cũng như kéo dài tiến độ thanh toán, một phần cổ phần của bên bán cũng sẽ được giữ lại tại công ty mục tiêu. Do đó, vô hình trung, trong nhiều giao dịch mua bán và sáp nhập, bên bán vẫn còn sở hữu một phần thiểu số cổ phần tại công ty mục tiêu, đồng thời vẫn được giữ lại để nắm giữ các vị trí chủ chốt trong công ty, trường hợp của Pacific Petro là một ví dụ.

Bản chất của việc này hướng đến một mục đích tốt đẹp là giúp cho hoạt động của công ty mục tiêu không bị biến động, ảnh hưởng quá nhiều sau giao dịch, đồng thời cũng giúp cho các bên có thể quản trị tốt những rủi ro về tài chính có thể gặp phải khi thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, chính vì sự thiếu cẩn trọng của bên bán trên vai trò người quản lý công ty đã gây nên những tranh chấp không đáng có, gây rủi ro, thiệt hại cho công ty và cả cá nhân những người này.

Để tránh những sai phạm không đáng có xảy ra sau giao dịch M&A, bên bán cần đặc biệt lưu ý rằng quyền hạn của mình sau giao dịch sẽ tương ứng với tỷ lệ vốn mà mình còn nắm giữ sau giao dịch. Điều này có nghĩa rằng bên bán cần hiểu và chấp nhận việc quyền hạn của mình đã bị chia sẻ phần lớn cho bên mua sau giao dịch. Đồng thời, để thực hiện công việc trên vai trò là người quản lý công ty, bên bán cần tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật cũng như điều lệ công ty về thẩm quyền của Giám đốc/Tổng giám đốc, Hội đồng quản trị hay Đại hội đồng cổ đông trong việc ra quyết định đối với các vấn đề phát sinh trong hoạt động của công ty.

Song song với việc xác định thẩm quyền trong việc ra quyết định, trên vai trò người quản lý công ty, bên bán cũng cần tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục trong việc xin ý kiến chấp thuận từ các cơ quan như Hội đồng quản trị hay Đại hội đồng cổ đông công ty.

Trên thực tế, vẫn có những trường hợp bên bán có những quyết định, hành động không phù hợp với quy định pháp luật trong quá trình quản lý công ty, với suy nghĩ sẽ giúp công ty đưa ra quyết định nhanh chóng trong quá trình hoạt động hoặc đơn giản là theo thói quen quản lý trước giao dịch. Tuy nhiên, mỗi quyết định tại thời điểm sau giao dịch đều có thể ảnh hưởng/xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua, do đó, rủi ro cho bên bán từ các quyết định này là rất lớn, bao gồm cả trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp.

(*) Công ty Luật TNHH HM&P

(1) https://cafef.vn/tgd-cong-ty-dau-khi-vua-bi-bat-giam-gay-can-thuong-vu-thuyen-to-ra-bien-lon-voi-doi-tac-nhat-va-be-boi-kien-tung-tu-tang-luong-bi-duoi-viec-188240618163119665.chn, truy cập ngày 20-6-2024.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới