(KTSG Online) - Báo chí đưa tin chiều thứ Hai tuần này, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã công bố danh sách ứng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư đạt đủ số phiếu tín nhiệm cho đợt xét duyệt năm 2021. Danh sách này có 405 người, gồm 42 ứng viên giáo sư và 363 ứng viên phó giáo sư.
Theo quy định, nếu không phát sinh rắc rối gì (thường là đơn thư khiếu nại này nọ), ít nhất 15 ngày sau khi công bố danh sách, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ ký quyết định công nhận các ứng viên đạt tiêu chuẩn để họ chính thức trở thành các giáo sư, phó giáo sư trên tầm cỡ quốc gia.
Như vậy, khoảng hai tuần nữa, Việt Nam sẽ bổ sung hơn 400 người vào đội ngũ những nhà khoa học - nếu không gọi là đầu đàn thì cũng là trụ cột, các cỗ máy cái sẽ giúp đào tạo những nhà khoa học trẻ trong tương lai, tìm ra những phát minh mới mẻ đóng vai trò tiên phong trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật, là mũi đột phá để phát triển kinh tế.
Có thể nói, đây cũng là một niềm tự hào của mọi người dân Việt khi các giáo sư, phó giáo sư sẽ sánh vai với các nhà khoa học khác trên khắp thế giới đưa ra các sáng chế, góp phần tạo thêm của cải cho nhân loại. Thành ra, từ góc nhìn xã hội, mỗi giáo sư hay phó giáo sư được công nhận không phải chỉ là tự hào cá nhân, mà còn có trách nhiệm đối với từng công dân đã gửi gắm niềm tin vào họ, giới tinh hoa khoa học-kỹ thuật của quốc gia. Khi được chính thức thêm những chữ viết tắt “GS” hay “PGS” vào danh thiếp của mình, điều này là niềm vinh dự và cả lời nhắc nhở họ rằng, tuy “GS” hay “PGS” chỉ là hai hay ba chữ cái, không phải ai cũng có khả năng chịu nổi gánh nặng làm sao xứng đáng với nó. Do đó, họ cần cố gắng hết sức khi đã mang chức danh này.
Sở dĩ nói như vậy là vì khi so sánh tiềm lực khoa học-kỹ thuật giữa các nước với nhau, người ta cũng thường đưa ra các con số liên quan, ví dụ như số tiến sĩ hay giáo sư trên một vạn hay một triệu dân. Vì thế, trên trường quốc tế, chức danh giáo sư, phó giáo sư còn là một phần bộ mặt quốc gia. Thử hỏi, người dân sẽ nghĩ gì nếu một giáo sư hay phó giáo sư “thực thụ” (được chính thức công nhận) của nước mình khi đem chuông đi đánh xứ người lại tỏ ra quá kém cỏi với các đồng nghiệp cùng chức danh ở nước láng giềng?
Liên quan đến vấn đề này, một điều khác cũng cần lưu ý, đó là đối chiếu với các tiêu chuẩn để được xét công nhận chức danh trên, các ứng viên đều phải thực hiện và công bố đề tài khoa học-công nghệ. Và cũng phải nói họ đã có không ít thành tựu đáng kể được Hội đồng Giáo sư công nhận. Tuy nhiên, nhìn chung, người dân thường rất ít khi thấy được ứng dụng thực tế của các phát minh, phát kiến này trong đời sống của mình.
Đừng nói gì đến sự công nhận hay tiếng tăm trên trường quốc tế, như công trình tầm cỡ của GS Ngô Bảo Châu, ứng dụng rộng rãi trong nước của các giáo sư, phó giáo sư cũng chưa thấy phổ biến. Lấy ví dụ, Việt Nam có không ít viện nghiên cứu và trường đại học nông, lâm, thủy sản; năm nào hội đồng giáo sư liên ngành chăn nuôi-thú y-thủy sản và liên ngành nông nghiệp-lâm nghiệp đều bỏ phiếu tín nhiệm các ứng viên (năm nay có tám người thuộc nhóm đầu và 14 thuộc nhóm sau)(1), tuy nhiên, người tạo ra loại gạo Việt Nam được công nhận là ngon nhất thế giới năm 2018, kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua ở Sóc Trăng, lại chẳng liên quan gì đến các chức danh giáo sư hay phó giáo sư cả. Vì sao như vậy?
Xin nhấn mạnh là dường như có nghịch lý mặc cho quy trình xét duyệt giáo sư, phó giáo sư vô cùng phức tạp, trải qua nhiều vòng, những ứng dụng khoa học-kỹ thuật nổi bật ai cũng thấy trong đời sống ở Việt Nam, là kết quả của các công trình do các nhà khoa học-công nghệ Việt Nam nghiên cứu, lại không nhiều - chuyện của ông Cua mới vừa đề cập là một ví dụ minh họa.
Vậy thì, nên chăng các ứng viên giáo sư, phó giáo sư - đặc biệt là người trong các ngành ứng dụng - cần chú ý đưa các nghiên cứu của mình theo hướng giúp ích được cụ thể hoạt động sản xuất hay hoạt động xã hội? Về phần mình, Hội đồng Giáo sư Nhà nước cũng nên thực sự chú ý nhiều hơn đến ứng dụng thực tiễn của các công trình trong tiêu chuẩn xét duyệt.
Ở nhiều nước, công tác tạo giống trong trồng trọt, chăn nuôi, cũng là nhiệm vụ của các viện, các trường, các nhà khoa học. Nghĩ cũng buồn chứ! Vì sao ở Sài Gòn, người Việt cứ ra đường là đụng phải “mít Thái”, “xoài Thái”? Vì người Việt sính ngoại ư? Cũng có thể đúng. Nhưng, ô hay, nếu “ngoại” không tốt hơn, không ngon hơn thì sao lại được “sính”? Không đâu, nếu mít Việt, xoài Việt ngon hơn - hoặc chỉ ngon ngang ngửa thôi - thì người Việt cũng sẽ ủng hộ hai tay không kém gì ủng hộ đội tuyển bóng đá nước nhà khi chúng ta đối đầu với người Thái.
Vậy thì mít Việt, xoài Việt đi đâu rồi? Các giáo sư, phó giáo sư - mới và cũ - hãy cùng chúng tôi trả lời câu hỏi này nhé!
-------------
(1)http://hdgsnn.gov.vn/tin-tuc/danh-sach-ung-vien-chuc-danh-gs-pgs-nam-2021-xet-tai-phien-hop-lan-thu-vill-cua-hdgsnn-nhiem-ky-2018-2023-ngay-12-03-2022_667
Lý thuyết mãi là màu xám, chỉ cây đời mới xanh tươi thôi. Một đất nước trăm triệu dân mà chỉ có vài trăm, vài ngàn giáo sư thì không phải là nhiều. Nhưng nhiều hay ít không quan trọng bằng danh hiệu có đi liền với thương hiệu hay không ? Công việc chính của các giáo sư là giảng dạy và nghiên cứu ở tầm cao. Sản phẩm quan trọng nhất của họ chính là kiến tạo nên lực lượng hiền tài và nguyên khí cho quốc gia. Cứ nhìn vào lực lượng này thì ắt sẽ biết ngay thực trạng giáo sư ở ta như thế nào ?
Trước giải phóng 75, giáo sư là tên gọi những thầy cô dạy trong trường phổ thông đến đại học. Không như bây giờ, giáo sư chỉ có mặt ở trường đại học, nhất là đại học lớn. Nếu kêu gọi giáo sư về tỉnh lẻ để dạy trường chuyên như tỉnh Hòa Bình, không nên xem là lạ nữa, mà đó cũng chỉ là một cách làm khác, như xưa mà thôi. Quan trọng nhất chính là ở chỗ, cấp học nào cũng cần có người thực sự có đức có tài để làm nhiệm vụ truyền đạt trí thức và nhân cách cho thế hệ tương lai. Vì thế mới có chuyện một giáo sư nổi tiếng ở Hà Nội chỉ chuyên đi dạy học sinh tiểu học. Rất tiếc, những việc rất tốt như vậy lại không được nhân rộng và phổ biến ?