Giấy test Covid-19 có giá trị 24 giờ: Doanh nghiệp phát hoảng
L.Nhi
(KTSG Online) - Việc nhiều địa phương siết quy định kiểm soát dịch bệnh thông qua yêu cầu các lái xe chở hàng phải có giấy xét nghiệm (test) âm tính với Covid-19 có giá trị từ 1-3 ngày khiến các doanh nghiệp vận tải lao đao vì không có lái xe để đáp ứng quy định thay đổi và vận chuyển hàng hóa, nguy cơ đứt gãy nguồn cung hiện hữu.
Một lái xe ở Bình Phước vận chuyển hàng hóa lên TPHCM, dù giấy xét nghiệm Covid -19 âm tính vẫn đang còn giá trị nhưng vẫn bị địa phương áp dụng biện pháp cách ly. Ảnh: Ngọc Thủy |
Cách đây vài ngày, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị ưu tiên xét nghiệm Covid-19 cho tài xế xe tải và người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hóa đi theo xe.
Văn bản nêu rõ, thực hiện Công điện số 914/CĐ-TTg ngày 6-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay các địa phương đang triển khai việc xét nghiệm Covid-19 cho người dân và tổ chức các chốt kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay một số tỉnh, thành phố bố trí các điểm xét nghiệm Covid-19 chưa phù hợp, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người đến xét nghiệm, nhất là đội ngũ tài xế.
Để tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa, tránh tình trạng ách tắc vận tải hàng hóa, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan bố trí điểm xét nghiệm, vị trí kiểm tra riêng biệt và ưu tiên xét nghiệm Covid-19 cho người điều khiển phương tiện vận tải, đặc biệt đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nhưng vấn đề mà các tài xế và doanh nghiệp vận tải gặp phải không phải là điểm xét nghiệm mà là thời gian đòi hỏi của giấy xét nghiệm và những trục trặc gặp phải trong quá trình xét nghiệm ở mỗi một địa phương một khác khiến nguy cơ không tìm được tài xế chở hàng đang trở nên hiện hữu.
Theo phản ánh của một lái xe được Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics phản ánh tới Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV của Thủ tướng), quy định của Bộ Y tế được nhiều địa phương áp dụng là chuyên chở hàng hóa phải có giấy xét nghiệm âm tính có giá trị trong vòng 3 ngày thì mất nửa ngày để đi làm giấy. Có địa phương như Quảng Ninh yêu cầu từ trưa ngày 13-7, người vào Quảng Ninh phải có giấy xét nghiệm Covid-19 có kết quả âm tính có giá trị trong vòng… 24 giờ kể từ khi lấy mẫu (nếu test nhanh kháng nguyên) và giấy có giá trị trong vòng 72 giờ (nếu test RT-PCR). Ngay cả giấy chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 cũng không được nhắc đến như trong các thông báo trước đó.
Cá biệt, có lái xe chạy từ Bình Phước lên TPHCM có giấy xét nghiệm âm tính (từ 12-7, đang có hiệu lực), khi quay lại Bình Phước bị yêu cầu cách ly 14 ngày.
Lãnh đạo các doanh nghiệp vận tải “kêu trời”, đồng loạt gửi kiến nghị tới Ban IV và cho rằng, nếu các tỉnh mỗi nơi áp dụng một biện pháp cực đoan như nêu trên thì lấy đâu ra tài xế cho các xe chở hàng. “Như vậy hàng hóa lưu thông, hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ như thế nào?”, vị này nói.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc ban IV bức xúc: “Tạm thời chưa đề cập đến các vấn đề thời gian và chi phí của tài xế, doanh nghiệp, chưa nói đến cách thức lấy mẫu mà cánh tài xế phải chịu đựng mà cách thức đòi giấy xét nghiệm Covid có thời gian rất ngắn, mỗi nơi áp dụng một khác sẽ khiến doanh nghiệp không thể vận hành nổi. Đến lúc đó thông thương hàng hóa sẽ diễn ra cách nào?”
Trước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng, kiến nghị Bộ Y tế và các bộ, địa phương có liên quan xem xét miễn giảm quy định về tổ chức xét nghiệm Covid-19 hai lần đối với người điều khiển phương tiện đi ra từ vùng phong tỏa hoặc ổ dịch (vào thời điểm trước khi đi và khi quay về) để tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa, tháo gỡ khó khăn về chi phí xét nghiệm, đảm bảo nhân lực vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, các quy định đều xiết chặt và mỗi nơi áp dụng một cách, gây sức ép rất lớn lên lưu thông hàng hóa trong những ngày này.