Thứ sáu, 23/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giếng – sông

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giếng - sông

Cái giếng đem lại nguồn nước nuôi sống bao đời người vẫn có thể bị chính con người lãng quên!

(TBKTSG) - Hơi bị hẫng một chút nhưng rồi tôi cũng đọc ra mấy từ không dấu trong cái e-mail của người bạn cùng xóm thuở nhỏ mà nay đã ở tít bên trời Tây. Nó như vầy: “...nho lam cai gien nuoc trong ma tui ta hay tam...”.

Thì ra trong cái mạch nhớ da diết nhiều thứ, anh bạn tha hương vẫn không quên nhắc đến cái giếng nước trong lành nơi cuối xóm mà chúng tôi vẫn thường tắm rửa, la hét thỏa thích... Cái giếng nước - làm sao quên được!

Ấy là một xóm nhỏ của người lao động nghèo trong một thị xã nghèo. Người tứ xứ tụ về đây thuê những căn nhà ọp ẹp do ông chủ đất dựng sẵn. Cuối xóm là một cái giếng dùng chung cho cả mười mấy gia đình. Giếng xây bằng đá ong hẳn hòi, lâu ngày đã đen bóng loáng nước với mấy nhánh dương xỉ xanh rì mọc từ kẽ đá; còn nước giếng thì trong đến mức mùa hè nhìn thấy rõ cả những đoạn dây dừa đứt và mấy con cá lòng tong dưới đáy.

Chẳng hề có bảng chữ nào ghi rõ quy định 1, 2, 3... về sử dụng giếng chung, vậy mà mọi người đều nhớ kỹ và tuân thủ mọi điều ngăn cấm: tuyệt đối không được giặt giũ bên giếng, người lớn không được tắm bên giếng, múc nước không được giục gàu làm đục nước, ban đêm phải đậy miệng giếng bằng một cái nong, kỵ nhất là ngồi trên thành giếng... Tất nhiên việc vứt rác bậy bạ xuống giếng lại càng không thể.

Nhà chủ đất xây giếng này cũng thường xuyên coi ngó, nhắc nhở mọi người tuân theo những quy định bất thành văn đó. Mà cũng không đợi nhắc nhở, chính người trong xóm luôn tự giác giữ gìn cái giếng chung.

Lâu lâu người ta lại thuê thợ tu bổ, vét sạch giếng. Bởi vậy mà suốt nhiều năm trời, nguồn nước vẫn trong mát ngọt lành.

Thời ấy, lũ nhóc bọn tôi nhiều hôm chơi rượt đuổi người ướt đẫm mồ hôi, khát khô cổ, bèn chạy ra giếng múc nước và kê miệng vào gàu tu ừng ực. Đã đời, mà chẳng thấy đứa nào đau bụng, tiêu chảy gì cả!  

Nghiêm ngặt như thế những vẫn dành một ngoại lệ duy nhất - ưu tiên duy nhất thì đúng hơn: cho phép trẻ con được tắm rửa bên giếng. Thật tuyệt vời với bọn tôi ngày ấy. Trời nắng chang chang, cứ việc cởi hết quần áo đua nhau múc nước dội ào ào. Vừa tắm vừa nhảy nhót, chọc phá nhau, cười vui thỏa thích. Cứ vậy, nguồn nước trong lành chảy tràn tưới mát thịt da suốt thời ấu thơ của bọn tôi...

Mấy chục năm trời ở đô thị uống nước máy, nước giếng khoan bây giờ ngồi mơ tưởng cái giếng nước xem chừng hoài cổ lạc điệu, có hơi phụ bạc chăng. Nhưng không chỉ là nhớ, nhiều khi trong cảnh sống hiện tại, từ cái giếng tôi lại xốn xang nghĩ đến con sông, dòng suối, con kênh, con rạch...

Cái giếng - con sông rõ là khác nhau. Sông trải dài qua cả một vùng miền, còn giếng tụ lại cho một khoảnh đất nhỏ. Sông chảy miên man ngày đêm như dòng thời gian bất tận, giếng như dừng lại trước lúc hóa thân (nói “dường như”, bởi giếng nhận nước từ mạch ngầm thấm qua lòng đất, và vẫn chảy theo cách của nó).

Sông có vẻ hào phóng đại lượng, giếng khiêm tốn, chắt chiu... Bởi thoạt trông khác biệt cho nên người ta đối xử với sông nước kênh rạch không như với cái giếng. Cứ tưởng sông chảy miên man sẽ mang hết rác rưởi, mọi thứ ô nhiễm đi thật xa, xa khỏi nơi chốn sinh tụ của con người (thực ra cũng chỉ đến biển!); cứ tưởng sông nước đại lượng sẵn sàng hòa tan tất cả, hóa giải tất cả... Nhưng bản chất chúng cũng chỉ là nước, là sự sống, mạnh mẽ dữ dội nhưng cũng rất dễ bị pha tạp, tổn thương.

Và dù sông dài ngàn dặm, giếng chỉ một khoanh một khoảnh, nhưng đời sông đời giếng cũng nặng nợ như nhau. Sông lớn rộng phải cưu mang cả khối vạn, triệu người; giếng nhỏ hẹp cũng ấp ủ vài mươi hộ. Sông lớn rộng làm không gian lồng lộng thoáng đãng; giếng nhỏ hẹp cũng thở hơi mát cho một xóm. Cho nên, nhìn với một khoảng lùi đủ cao đủ rộng, sông nào khác chi giếng. Từa tựa khi ta nói “cái làng toàn cầu” trong kỷ nguyên kết nối thông tin hiện đại, hoặc khi từ khoảng không vũ trụ nhìn về trái đất.       

Khổ thay, nhiều người vẫn cứ thấy sông đơn giản chỉ là... một dòng chảy vô tư. Và vì thế biết bao sông hồ, kênh rạch ở xứ ta chết dần chết mòn. Bị đầu độc, bị bức tử bởi lòng tham không đáy, bởi thói bạo hành, sự vô cảm và vô trách nhiệm. Sông không còn chảy nổi bởi mang nặng hàng ngàn tấn chất thải rắn trong lòng; sông cũng không tài nào hóa giải nổi vô số chất độc hại ngày đêm xả ồ ạt xuống nó. Khô kiệt, hôi thối, lờ đờ, sông nước hình thành từ cả ngàn vạn năm nay đã và đang chết thật, chứ không phải chỉ “sắp (hay đã) qua đời” như cách diễn đạt văn vẻ của các nhạc sĩ, nhà thơ mà nhiều người lạm dụng.

Phải chi người ta xem sông cũng như cái giếng nhỏ ở xóm tôi. Phải chi có ông chủ đất hay coi ngó, nhắc nhở. Phải chi cư dân cũng thấm thía rằng nguồn nước nhiễm độc thì cả xóm cũng bệnh tật khó sống...

Bạn tôi thương nhớ cái giếng vì những kỷ niệm đã in dấu nơi anh. Giả như nhà anh gần sông, hàng ngày uống nước sông, từng thả câu đánh lưới, từng nhảy ùm xuống sông vẫy vùng tắm lội, từng đi thuyền lướt êm qua sông, từng ngồi trên bến lặng nghe con sông hát, thậm chí cả khi con sông trở mình dâng nước lũ tràn trề... hẳn anh sẽ thương xót những con sông bị tàn hại đến đâu!

CÔNG THẮNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới