Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giới buôn hàng hóa lãi hơn 100 tỉ đô la trong năm thứ hai liên tiếp

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các nhà kinh doanh hàng hóa trên toàn cầu lãi hơn 100 tỉ đô la Mỹ trong năm thứ hai liên tiếp bất chấp biên lợi nhuận suy yếu vào năm ngoái. Theo hãng tư vấn Oliver Wyman, sau 5 năm tăng trưởng lợi nhuận kỷ lục, những nhà buôn này đang ngồi trên núi tiền mặt và sẵn sàng chi tiêu thâu tóm cũng như thâm nhập vào các thị trường mới.

Năm 2023, các nhà kinh doanh trên toàn cầu tiếp tục được hưởng lợi từ giá cả vẫn còn tương đối cao trên thị trường hàng hóa. Ảnh: Taxconcept.net

Theo báo cáo mới đây của hãng tư vấn quản lý Oliver Wyman, lợi nhuận gộp từ hoạt động giao dịch hàng hóa của các tổ chức bao gồm ngân hàng, quỹ phòng hộ, hãng buôn độc lập và doanh nghiệp có tài sản hỗ trợ như BP và Shell, đạt tổng cộng 105 tỉ đô la trong năm ngoái. Con số này đánh dấu năm thứ hai liên tiếp ngành kinh doanh hàng hóa nguyên liệu thô và các sản phẩm sơ cấp kiếm được lợi nhuận cao hơn 100 tỉ đô la.

Lợi nhuận gộp của ngành tăng từ khoảng 36 tỉ đô la vào năm 2018 lên mức kỷ lục 148 tỉ đô la vào năm 2022. Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng các mặt hàng quan trọng như dầu khí và ngũ cốc, do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine đã giúp các nhà buôn hàng hóa kiếm được lợi nhuận cao vượt trội trong năm đó.

Mức lợi nhuận năm 2023 của những nhà buôn này thấp hơn khoảng 30% so với năm 2023 nhưng vẫn cao gần gấp đôi so với mức của năm 2009 khi thị trường hàng hóa toàn cầu tăng trưởng bùng nổ sau cuộc khủng hoảng tài chính.

“Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy, tỷ suất lợi nhuận của ngành kinh doanh hàng hóa còn khá tốt và điều đó thực tế là do nguồn cung tiếp tục thắt chặt một chút”, chuyên gia Adam Perkins ở bộ phận tư vấn năng lượng và tài nguyên nhiên nhiên của Oliver Wyman bình luận.

Trong năm ngoái, sự gián đoạn và thiếu hụt nguồn cung dầu diesel và dầu nhiên liệu đã bù đắp cho sự biến động thấp hơn của giá dầu thô. Trong khi đó, biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh khí đốt và điện vẫn còn tương đối cao. Theo báo cáo Oliver Wyman, kinh doanh khí đốt và điện đã vượt qua dầu mỏ để trở thành nguồn lợi nhuận lớn nhất trong ngành năng lượng, đóng góp gần một nửa tổng thu nhập của ngành vào năm 2022.

Thep phân tích của Oliver Wyman, các mặt hàng chính thúc đẩy sự gia tăng thương mại hàng hóa toàn cầu là dầu và khí đốt. Các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga khiến các sản phẩm dầu mỏ của nước này chảy về phía đông, thay vì phía tây như trước đây. Do vậy, các khách hàng ở châu Âu phải đưa ra các mức giá cao hơn thu hút dầu và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) chuyển hướng khỏi châu Á. Điều đó dẫn đến giá điện trong khu vực tăng vọt và mối quan tâm lớn hơn đối với năng lượng tái tạo.

Sau giai đoạn 5 năm tăng trưởng lợi nhuận kỷ lục, các nhà buôn hàng hóa toàn cầu đã tích lũy lượng dự trữ tiền mặt khổng lồ, khoảng 70-120 tỉ đô la Mỹ. Theo Adam Perkins, các công ty thương mại hàng hóa độc lập (chỉ mua bán, không sản xuất) hàng đầu thế giới như Vitol, Trafigura, Gunvor và Mercuria đặc biệt thành công với lợi nhuận liên tục tăng lên mức cao mới trong 5 năm vừa qua.

Vitol, công ty kinh doanh năng lượng độc lập lớn nhất thế giới, đạt lợi nhuận ròng kỷ lục 15,1 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022. Công ty này chi trả trung bình 785.000 đô la Mỹ tiền lương và tiền cho mỗi nhân viên trong đội ngũ nhân sự 3.311 người. Đối thủ Trafigura báo cáo lợi nhuận ròng kỷ lục 7,4 tỉ đô la trong năm tài chính gần nhất, kết thúc vào tháng 9-2023.

Nguồn tiền dự trữ dồi dào sẽ củng cố vai trò của các công ty này với tư cách là nhà cung cấp chiến lược về năng lượng, kim loại và lương thực khi nhu cầu tiếp tục tăng trên toàn thế giới.

Gần đây, nhiều nhà buôn hàng hóa đã mua các nhà máy lọc dầu, kho lưu trữ, nhà máy điện và thậm chí cả các công ty thương mại khác. Tháng trước, Vitol đã ra giá 1,7 tỉ euro để mua lại Saras của Ý, công ty sở hữu nhà máy lọc dầu lớn nhất Địa Trung Hải. Hồi tháng 12, Gunvor, có trụ sở tại Thụy Sĩ, đồng ý mua lại một nhà máy sả xuất điện bằng khí đốt ở Tây Ban Nha từ tập đoàn dầu khí BP.

Ngoài ra, các công ty kinh doanh hàng hóa hàng đầu cũng nhận được sự hậu thuẫn lớn từ các nước như Ý, Đức, Mỹ và Ả Rập Saudi để đảm bảo nguồn cung các hàng hóa quan trọng như khí đốt và đồng.

“Trong lịch sử, các hãng buôn hàng hóa độc lập sẽ không được can dự vào vấn đề an ninh năng lượng, nhưng hiện tại, họ đang bị lôi kéo vào vai trò đó”, Adam Perkins nói.

 Oliverwyman.com, Bloomberg

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới