(KTSG Online) - Các nhà đầu tư đang ‘chơi’ một ván cược dài hạn bằng cách mua trái phiếu chuyển đổi của những công ty sản xuất điện mặt trời và điện gió ở châu Âu. Họ kỳ vọng vào thời điểm trái phiếu đáo hạn 3-5 năm sau đó họ có thể chuyển đổi thành cổ phiếu khi các công ty này trở nên lớn mạnh với niềm tin rằng cuộc khủng hoảng khí đốt hiện nay ở châu Âu sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
- Công nghệ phát triển nhanh, điện mặt trời tạo động lực lớn cho cuộc chuyển đổi năng lượng
- Sản lượng điện mặt trời của EU bùng nổ giữa cuộc khủng hoảng năng lượng
Trong tháng này, các nhà đầu tư đã tích cực mua trái phiếu liên quan đến các công ty năng lượng sạch ở châu Âu để có thể chuyển đổi thành cổ phiếu khi đáo hạn. Có nghĩa là họ sẽ nhận được các khoản thanh toán lãi suất trái phiếu (coupon) trong suốt cuộc khủng hoảng khí đốt sắp tới và khi đáo hạn, họ có thể trở thành cổ đông của một trong những công ty năng lượng sạch đang phát triển mạnh mẽ. Tháng 9 được xem là tháng bận rộn nhất trong năm qua đối với các đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi ở châu Âu với ba công ty năng lượng tái tạo bước ra thị trường này, đáp ứng nhu cầu đang tăng cao vào thời điểm mà nhiều công ty khác phải chật vật thuyết phục nhà đầu tư mua trái phiếu của họ.
Công ty Siemens Energy của Đức đã phát hành thành công lô trái phiếu chuyển đổi trị giá 960 triệu euro với lãi suất coupon 5,625% để huy động tài chính cho thương vụ thâu tóm hoàn toàn Công ty năng lượng tái tạo Siemens Gamesa vào hôm 6-9. Chỉ một ngày sau, nhà sản xuất năng lượng tái tạo của Pháp, Neoen bán thành công lô trái phiếu chuyển đổi trị giá 300 triệu euro. Một tuần sau, SGL Carbon, nhà sản xuất linh kiện và thiết bị điện mặt trời và điện gió của Đức, cũng đưa ra thị trường lô trái phiếu chuyển đổi trị giá 100 triệu euro.
Chiến lược ‘vũ khí hóa’ các nguồn cung năng lượng của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thúc đẩy các kế hoạch chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch ở châu Âu. Quá trình đó diễn ra cấp bách hơn trong tuần này sau khi các đường ống Nord Stream dẫn khí đốt của Nga đến châu Âu bị rò rỉ, nghi là do phá hoại.
Ute Heyward, nhà quản lý danh mục đầu tư của Công ty Fisch Asset Management (Thụy Sĩ), nói: “Khi thị trường suy yếu, trái phiếu chuyển đổi của các công ty năng lượng tái tạo này có thể giúp nhà đầu tư tránh được rủi ro giảm giá mạnh nhờ các yếu tố cơ bản vững chắc và triển vọng tốt đẹp của họ, đặc biệt là khi châu Âu hướng tới tương lai sử dụng xe điện và năng lượng tái tạo nhiều hơn”.
Trái phiếu chuyển đổi của Siemens Energy sẽ đáo hạn vào năm 2025. Điều này cho thấy các nhà đầu tư mua trái phiếu của Siemens Energy tin rằng tiến trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo có thể thúc đẩy mạnh mẽ nguồn cung năng lượng sạch trong vòng 3 năm tới. Trong khi đó, trái phiếu của Neoen và SGL Carbon đáo hạn vào năm 2027.
Trong ngắn hạn, tài sản của tất cả các nhà cung cấp điện ở châu Âu có thể biến động mạnh khi cuộc đối đầu của khu vực này với Nga đang đẩy giá năng lượng lên cao chót vót, khiến các chính phủ phải can thiệp. Chỉ số trái phiếu xanh toàn cầu của Bloomberg giảm 27% trong gần 9 tháng đầu năm nay và đang hướng đến năm có hiệu suất tồi tệ nhất kể từ khi nó được thiết lập vào năm 2014.
Hôm 28-9, Điện Kremlin nói rằng sẽ là điều “ngu ngốc và ngớ ngẩn” khi nghi ngờ Nga đứng sau sự cố rò rỉ ở các đường ống Nord Stream. Nhưng châu Âu đang chuẩn bị cho một mùa đông mà không có bất kỳ chuyến hàng năng lượng đáng kể nào từ nước láng giềng ở phía đông. Hôm thứ Ba, tập đoàn năng lượng nhà nước Nga, Gazprom cảnh báo Moscow có thể trừng phạt Công ty đường ống Naftogaz của Ukraine, đồng nghĩa với việc đường ống dẫn khí đốt còn lại của Nga đến Tây Âu thông qua Ukraine có thể sẽ dừng vận hành.
Thị trường trái phiếu chuyển đổi cũng bị ảnh hưởng bởi cú sụp đổ của trái phiếu và cổ phiếu hiện nay, với lợi nhuận ở một chỉ số của trái phiếu chuyển đổi ở châu Âu giảm 18% trong năm nay.
Rủi ro lớn là cổ phiếu của các công ty năng lượng sạch không phục hồi kịp thời vào thời điểm trái phiếu chuyển đổi của họ đáo hạn. Hay nói cách khác, các trái chủ sẽ không được hưởng lợi nếu quyết định chuyển đổi sang cổ phiếu vào thời điểm đáo hạn.
Đó là bài học kinh nghiệm của những nhà đầu tư đổ xô mua trái phiếu chuyển đổi của các công ty đại chúng trong thời kỳ đại dịch với hy vọng thị trường chứng khoán sẽ phục hồi, để rồi chứng kiến bị mắc kẹt trong một đợt suy thoái khác. Nhiều trái phiếu chuyển đổi được bán vào năm 2020 và 2021 hiện đang giao dịch ở mức giá thấp.
Theo Pierre-Henri de Monts de Savasse, nhà đầu tư tại Công ty BlueBay Asset Management, đà lao dốc gần đây của thị trường chứng khoán khiến các trái phiếu chuyển đổi mới phát hành trở nên rất hấp dẫn. Đối với các công ty đang đối mặt với chi phí vay tăng cao, trái phiếu chuyển đổi cung cấp một phương tiện để bán nợ với lãi suất thấp hơn so với nợ thông thường.
21 trái phiếu chuyển đổi ở châu Âu vẫn có lợi suất âm, trong đó có một số lô trái phiếu chuyển đổi từ các công ty năng lượng như Schneider Electric (Pháp). Nhà sản xuất pin của Thụy Điển, NorthVolt cũng tận dụng nhu cầu trên thị trường trái phiếu chuyển đổi và đã bán lô trái phiếu chuyển đổi trị giá 1,1 tỉ euro cho các nhà đầu tư hồi tháng 7 trước khi công ty này phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Lyle Schwartz, đồng giám đốc bộ phận sản phẩm cổ phần thay thế khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của Ngân hàng Goldman Sachs, nói: “Trái phiếu chuyển đổi là một công cụ tuyệt vời cho những nhà đầu tư dài hạn vì nó mang lại cho bạn cơ hội chuyển đổi thành cổ phiếu và các nhà đầu tư đang nhìn thấy cơ hội đó trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Và vì trái phiếu chuyển đổi có lãi suất coupon nên các nhà đầu tư cũng được bảo vệ một phần trước rủi ro trái phiếu giảm giá”.
Theo Bloomberg