Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giới đầu tư đặt cược lớn vào các startup công nghệ chuỗi cung ứng

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong năm qua, dòng tiền lớn của các quỹ đầu tư mạo hiểm được bơm mạnh vào các công ty khởi nghiệp (startup) đang tìm cách cải thiện kỹ năng quản lý các hoạt động logistics (kho vận), trong bối cảnh tình trạng thắt nút cổ chai của các chuỗi cung ứng trên toàn cầu làm nổi bật vai trò của các công ty này.

Hồi tháng 6-2021, ShipBob, nhà cung cấp giải pháp hoàn thiện đơn hàng thương mại điện tử, đã huy động được 200 triệu đô la trong một vòng gọi Series E, định giá startup này ở mức 1 tỉ đô la. Ảnh: Supplychainquarterly

Cơn đổ xô đầu tư vào lĩnh vực công nghệ kho vận đang tạo ra một loạt kỳ lân khởi nghiệp (startup có mức định giá từ 1 tỉ đô la trở lên) đang chạy đua số hóa các hoạt động của chuỗi cung ứng tại Mỹ.

Các kỳ lân mới trong lĩnh vực kho vận được tạo ra trong năm năm 2021 tại Mỹ bao gồm ShipBob, nhà cung cấp các giải pháp hoàn thiện đơn hàng thương mại điện tử; Stord, nhà cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng đám mây, và Flock Freight, một nền tảng kết nối các chủ hàng có nhu cầu vận chuyển hàng cùng chung một tuyến đường với các tài xế xe tải để giúp các chuyến xe luôn đầy hàng.

Những bên tài trợ vốn cho các kỳ lân này bao gồm các quỹ đầu tư lớn đang bơm tiền vào công nghệ kho vận với tốc độ nhanh chóng, đẩy tăng mức định giá của các dự án kinh doanh tập trung vào số hóa công việc quản lý vận chuyển hàng hóa, giao hàng và dịch vụ kho bãi.

Dòng tiền mặt khổng lồ mang lại cho các startup trong lĩnh vực kho vận, ít được chú ý trước đây, mở rộng khả năng tiếp cận vốn để phát triển hoạt động kinh doanh của họ, đặc biệt là đối với các công ty hàng đầu đã phát triển các sản phẩm cốt lõi.

Theo dữ liệu của PitchBook, các các startup trong lĩnh vực công nghệ chuỗi cung ứng đã huy động thành công 24,3 tỉ đô la Mỹ trong ba quí đầu năm 2021, tăng 58% so với cả năm 2020.

Bên cạnh các công ty đầu tư mạo hiểm, các nhà tài trợ vốn cho lĩnh vực này còn có Tiger Global Management và Coatue Management cũng như các đơn vị đầu tư của các tập đoàn lớn như hãng vận tải biển lớn nhất thế giới, Maersk của Đan Mạch và Tập đoàn Koch Industries (Mỹ).

Julian Counihan, đối tác của Schematic Ventures, một công ty đầu tư mạo hiểm, có trụ sở tại San Francisco, và là nhà đầu tư sớm của Flock Freight, nói: “Những startup công nghệ chuỗi cung ứng đưa ra giải pháp tốt thì sẽ càng huy động được nhiều tiền”.

Nhiều startup công nghệ chuỗi cung ứng đầu tư đang thu hút các khoản đầu tư lớn tập trung phát triển các công cụ quản lý kho hàng, kết nối khối lượng hàng hóa phù hợp với khả năng vận chuyển và vạch ra các tuyến đường vận chuyển hàng hóa hiệu quả về chi phí.

Tình trạng tắc nghẽn trong hệ thống vận chuyển và sự thiếu hụt mọi thứ hàng hóa, từ chất bán dẫn đến cánh gà, đang thu hút nhiều sự chú ý hơn đến công nghệ giúp hợp lý hóa chuỗi cung ứng và tăng cường hiệu quả trong mạng lưới phân phối. Các doanh nghiệp cũng đang tăng cường đầu tư cho  tự động hóa và phần mềm để giúp giảm thiểu chi phí kho vận ngày càng tốn kém và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng. Điều đó càng thúc đẩy dòng vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào các startup công nghệ chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, giới đầu tư cũng sẽ đối mặt với rủi ro nếu một số startup công nghệ chuỗi cung ứng hút được các khoản vốn lớn nhưng lại không đáp ứng được kỳ vọng về hiệu quả hoạt động.

Các mức định giá cao dành cho các startup này cũng có thể hạn chế các sự lựa chọn thoái vốn của các nhà đầu tư sớm vì lượng khách tiềm năng bị thu hẹp. “Số lượng người sẵn sàng mua cổ phần từ một công ty được định giá 10 triệu đô la sẽ đông hơn so với một công ty được định giá 10 tỉ đô la”, ông Counihan nói.

Trong quí 3 -2021, mức định giá trung bình trước khi gọi thêm vốn của các startup công nghệ chuỗi cung ứng đã phát triển đến giai đoạn cuối là 120 triệu đô la, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2020, theo dữ liệu của PitchBook.

Các giao dịch nổi bật trong quí 3 bao gồm vòng gọi vốn Series D trị giá 90 triệu đô la của Stord, định giá công ty này ở mức 1,1 tỉ đô la và vòng gọi vốn Series C thu về 1 tỉ đô la của Gorillas Technologies (Đức), một startup giao thực phẩm và tạp hóa trong vòng 10 phút, dựa trên mức định giá 2,1 tỉ đô la. Trước đó, vào tháng 6-2021, ShipBob huy động được 200 triệu đô la trong một vòng gọi vốn Series E, định giá startup này ở mức 1 tỉ đô la.

ShipBob, có trụ sở ở Chicago, đã xây dựng được một nền tảng hoạt động và công nghệ mà cho đến nay đang hợp tác với khoảng 5.000 doanh nghiệp thương mại điện tử để điều hành hoạt động vận chuyển và các trung tâm hoàn thiện đơn hàng giống như các đối thủ lớn hơn của họ bao gồm Amazon.

Jake Medwell, đối tác sáng lập tại Công ty đầu tư mạo hiểm 8VC, có trụ sở tại Texas, ghi nhận lượng vốn đổ vào các startup công nghệ chuỗi cung ứng tăng trưởng mạnh mẽ. Ông nói: “Điều đó không tệ miễn là các công ty có trách nhiệm và tập trung vào việc cải thiện tỷ suất lợi nhuận của họ. Khi các công ty không có tầm nhìn về tỷ suất lợi nhuận và nghĩ rằng tiền rồi sẽ đến, đó là lúc mọi thứ có thể trở nên nguy hiểm”.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới