(KTSG Online) – Một số người giàu có và quyền lực ở Đông Nam Á tìm cách tiêm vaccine Covid-19 mũi thứ 3 (mũi tăng cường) hoặc giành quyền ưu tiên tiêm vaccine của ngươi khác, đe dọa gây tổn hại cho chiến lược tiêm chủng quốc gia để ứng phó với biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. Xu hướng này đang diễn ra ở các nước như Indonesia, Thái Lan và Philippines, làm trầm trọng thêm vấn đề bất công trong tiếp cận vaccine giữa lúc nguồn cung đang khan hiếm.
- Vay mượn vaccine để chạy đua với chủng Delta đang hoành hành
- Các nền kinh tế trong khu vực chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại ra sao?

Dư luận phẫn nộ trước thông tin các quan chức cấp cao Indonesia đã tiêm mũi tăng cường
Tại Indonesia, nơi Bộ Y tế đã khẳng định rằng mũi tăng cường chỉ dành cho nhân viên y tế, các quan chức cấp cao bị phát hiện thảo luận về việc tiêm mũi vaccine tăng cường mà họ nhận được trước ống kính camera. Cuộc thảo luận vô tình được phát sóng trực tiếp trên kênh YouTube của Ban Thư ký tổng thống Indonesia trong chuyến công tác của Tổng thống Joko Widodo ở TP Samarinda, tỉnh Đông Kalimantan vào hồi đầu tuần trước.
Trong cuộc trò chuyện, Andi Harun, thị trưởng TP Samarinda, thừa nhận ông đã tiêm 2 mũi vaccine cộng thêm một mũi vaccine tăng cường, có tên gọi Nusantara, được phát triển bởi một công ty trong nước và một hãng công nghệ sinh học của Mỹ. Tư lệnh quân đội Indonesia, Mersekal Hadi Tjahjanto cho biết đã tiêm mũi vaccine thứ 3. Ngay cả ông Isran Noor, tỉnh trưởng Đông Kalimantan, cũng xác nhận đã tiêm mũi vaccine tăng cường của Moderna.
Đoạn clip trên đã gây làn sóng phẫn nộ trong dư luận vì trong khi phần lớn người dân Indonesia chưa được tiêm mũi vaccine nào thì các quan chức cấp cao sử dụng quyền lực và mối quan hệ để tiêm mũi thứ 3.
Đoạn clip đã được xóa khỏi kênh YouTube của Ban Thư ký tổng thống Indonesia. Ngay sau đó, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia, Siti Nadia Tarmizi, nhấn mạnh rằng theo thông tư của Bộ Y tế, mũi tăng cường chỉ dành cho nhân viên y tế.
Về việc một số quan chức cấp cao trong đoạn clip nói rằng đã tiêm mũi tăng cường, Siti Nadia Tarmizi chỉ nói chuyện đó không liên quan đến trách nhiệm của Bộ Y tế vì bộ đã giao quyền phân bổ vaccine cho các chính quyền địa phương.
Quyền Cục trưởng Cục phòng chống và kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế Indonesia, Maxi Rein Rondonuwu kêu gọi các quan chức phải hiểu rằng mũi tăng cường chỉ ưu tiên dành cho nhân viên y tế vì họ nằm ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Sau đó, Tư lệnh quân đội Indonesia, Mersekal Hadi Tjahjanto “đính chính” rằng mũi tăng cường mà ông nói đến là một liệu pháp tế bào gốc.
Tại Thái Lan, giới chức trách đang điều tra một giám đốc và một bác sĩ ở 2 bệnh viện bị cáo buộc tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer cho người nhà và các trợ lý dù số vaccine này được chỉ định dành cho những phụ nữ mang thai và nhân viên y tế.
Hồi tháng 7, Ronaldo Zamora, một dân biểu ở TP Juan ở Philippines, đã công khai tại một cuộc họp báo về việc ông đã tiêm đến 4 mũi vaccine, bao gồm 2 mũi của Sinopharm và 2 mũi của Pfizer. Sau đó, con trai ông, thị trưởng TP Juan, giải thích cha mình phải tiêm thêm các mũi tăng cường theo chỉ định của bác sĩ vì ông bị suy giảm miễn dịch.
Do không có dữ liệu tiêm thống nhất, một số người làm việc ở các công ty giàu có tại Philippines đã tìm cách tiêm mũi tăng cường bằng cách đăng ký tiêm vaccine 2 nơi với tư cách là người dân và với tư cách là nhân viên công ty.
Một giám đốc dự án giấu tên ở Manila cho biết ban đầu ông đăng ký tiêm vaccine ở công ty ông vì chính phủ cho phép khu vực tư nhân mua và tiêm vaccine cho nhân viên. Nhưng sau đó, vì không biết lúc nào vaccine về đến công ty, ông chọn tiêm 2 mũi vaccine của Sinovac (Trung Quốc) thông qua chương trình tiêm chủng quốc gia. Do lo ngại tính hiệu quả thấp của vaccine Trung Quốc, ông đã không báo cáo về 2 mũi tiêm này để tiêm tiếp mũi vaccine thứ 3 của Moderna do công ty ông mua trong tháng 8 này.
Hiện tượng sử dụng quyền lực và mối quan hệ để tiêm mũi tăng cường diễn ra ở thời điểm thế giới đang tranh luận gay gắt về việc tiêm thêm mũi vaccine Covid-19 thứ 3 để tăng sức đề kháng trước sự tấn công của biến thể Delta. Tổ chức Y tế Thế giới đã hối thúc các nước giàu khoan tiêm mũi tăng cường cho đến khi bảo đảm được nguồn cung vaccine đầy đủ cho các nước nghèo. Trong khi đó, hồi cuối tháng 8, chính quyền Tổng thống Mỹ, Joe Biden cho biết đang cân nhắc tiêm mũi tăng cường cho những người dân đã tiêm mũi thứ 2 trước đó ít nhất 5 tháng.
Giành quyền ưu tiên tiêm vaccine gây rủi ro lớn hơn cho cộng đồng
Tại các nước Đông Nam Á, nơi cuộc chiến chống Covid-19 đang bị cản trở do thiếu vaccine, mũi tăng cường được tiêm cho những người quyền lực và giàu có đồng nghĩa là lượng vaccine phân bổ cho nhân viên y tế tuyến đầu và những người dễ tổn thương càng ít đi.
Tại Philippines, Malaysia và Thái Lan, số ca nhiễm mới hàng ngày vẫn đang ở sát mức cao kỷ lục, trong khi đó, Indonesia nằm trong số những nước có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới.
Voo Teck Chuan, Giáo sư ở Trung tâm Đạo đức Y sinh của Đại học quốc gia Singapore, nói việc “giành chỗ” của người khác trong thứ tự ưu tiên tiêm vaccine là có vấn đề về mặt đạo đức và khiến toàn bộ người dân đối mặt mức độ rủi ro lây nhiễm Covid-19 cao hơn trong dài hạn.
Ông nói: “Bạn có thể hoặc không thể giúp bản thân an toàn hơn bằng cách tiêm mũi tăng cường. Nhưng nếu bạn để virus tiếp tục lây lan và đột biến khắp cộng đồng của bạn, bạn sẽ chứng kiến thêm nhiều biến thể và ca nhiễm. Lúc đó, dù có tiêm bao nhiêu mũi vaccine đi nữa, bạn sẽ không chắc đã đủ để giúp bạn an toàn”.
Vấn đề tiêm mũi tăng cường cho người dân đang được thảo luận ở một số nước Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia và Philippines, vốn đang phụ thuộc vào vaccine Covid-19 bất hoạt của các nhà sản xuất Trung Quốc, có hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm thấp hơn so với vaccine sử dụng công nghệ mRNA của Moderna và Pfizer.
Ngoại trừ Singapore, nước đã đạt mục tiêm tiêm chủng 80% dân số, nhiều nước Đông Nam Á khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, độ bao phủ vaccine chỉ mới hơn 10% dân số. Trong khi Thái Lan và Indonesia đã tán thành tiêm mũi vaccine thứ 3 cho những nhóm ưu tiên, Philippines vẫn chưa phê duyệt điều này.
Các tác động của đại dịch Covid-19 lên đời sống của người dân đã gây ra một số bất mãn. Hôm 2-9, hàng ngàn người biểu tình đã xuống đường tuần hành ở thủ đô Bangkok, đòi Thủ tướng Thái Lan, Prayuth Chan-Ocha từ chức vì xử lý chống dịch yếu kém, đặc biệt là việc không kịp thời mua và phân phối vaccine đầy đủ. Cho đến nay, chỉ có 13% trong số hơn 66 triệu người dân Thái Lan được tiêm 2 mũi vaccine.
Thái Lan ghi nhận hơn 1,2 triệu ca nhiễm và 12.374 ca tử vong kể từ đầu dịch. Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông Prayuth Chan-Ocha sẽ được tiến hành vào ngày 4-9 nhưng ông sẽ dễ dàng vượt qua vì liên minh cầm quyền của ông đang nắm đa số ghế tại Quốc hội Thái Lan.
Tại Indonesia, mức tín nhiệm của Tổng thống Widodo xuống mức thấp nhất trong 5 tháng.
Trong tuần này, các nhân viên y tế đã xuống đường biểu tình ở thủ đô Manila, Philippines để yêu cầu chính quyền tăng trợ cấp rủi ro và độc hại vì họ phải làm việc trong các điều kiện áp lực và nguy hiểm. Họ yêu cầu Bộ trưởng Y tế Philippines, Francisco Duque từ chức.
Leonila Dans, nhà dịch tễ học lâm sàng ở Đại học Philippines cho rằng tiêm mũi tăng cường “chui” có thể làm tổn hai khả năng của chính phủ trong việc giám sát đường lây lan dịch bệnh vì giới chức trách không biết bao nhiêu người đã tiêm chủng và nhóm người dân nào vẫn đối mặt rủi ro.
“Việc tìm mọi cách để chen lên phía trước trong thứ tự ưu tiên tiêm vaccine không chỉ gây hại cho 1 hoặc 2 người mà còn gây rủi ro cho toàn bộ cộng đồng”, Leonila Dans nói.
Theo Bloomberg, Jakarta Post