Thứ Năm, 10/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Giới lãnh đạo công nghệ Trung Quốc bất đồng về hướng phát triển AI

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giới lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ lớn Trung Quốc đang thể hiện lập trường trái ngược nhau đối với trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh. Một số lãnh đạo háo hức triển khai công nghệ tiên tiến này, trong khi đó, những người khác cảnh báo không nên hành động vội vàng trong bối cảnh ChatGPT của OpenAI (Mỹ) thúc đẩy cơn sốt đầu tư quá nóng vào AI.

Tại sự kiện ra mắt chatbot AI có tên gọi Ernie Bot ở Bắc Kinh hồi tháng 3, CEO của Baidu, Robin Li thừa nhận sản phẩm này chưa hoàn hảo nhưng công ty của ông sẽ không chờ đợi “vì thị trường đang có nhu cầu”. Ảnh: Metaverse Post

Pony Ma Huateng, người sáng lập kiêm CEO của Tập đoàn công nghệ, truyền thông xã hội và trò chơi điện tử Tencent Holdings, cho biết công ty của ông sẽ theo đuổi cách tiếp cận thận trọng hơn trong việc tung ra các sản phẩm AI tạo sinh bất chấp những cơ hội tiềm năng.

“Tôi nghĩ rằng nhiều công ty đang quá vội vàng, cố gắng thúc đẩy giá cổ phiếu của họ. Từ lâu, đó không phải là phong cách của chúng tôi”, Pony Ma Huateng nói trong cuộc họp cổ đông của Tencent hôm 17-5.

Tencent báo cáo doanh thu tăng 11% trong quí đầu tiên. Tập đoàn tiết lộ đang đầu tư vào các năng lực AI và cơ sở hạ tầng đám mây, đồng thời kỳ vọng AI sẽ tạo ra “hệ số nhân tăng trưởng”. Tencent đang phát triển mô hình AI nền tảng của riêng tập đoàn này, có tên gọi Hunyuan. Tuy nhiên, Pony Ma Huateng cho biết Tencent không vội tung ra các sản phẩm AI chưa hoàn thành.

“AI là cơ hội trăm năm có một, giống như việc phát minh ra điện trong cuộc cách mạng công nghiệp. Nói chung, việc giới thiệu bóng đèn sớm hơn một tháng không phải là điều quan trọng. Vấn đề then chốt với chúng tôi bây giờ là xây dựng một nền tảng vững chắc về thuật toán, sức mạnh tính toán, dữ liệu và quan trọng hơn là các trường hợp ứng dụng AI”, ông nói.

Charles Zhang Chaoyang, người sáng lập và CEO của cổng thông tin Sohu.com, cũng có lập trường tương tự khi cảnh báo các xu hướng sốt sắng phát triển AI một cách mù quáng.

Tại một diễn đàn công nghệ trong tuần qua, Chaoyang nói rằng Sohu không xây dựng mô hình AI riêng, thay vào đó chọn chiến lược quan sát vì lĩnh vực Al đang “bị thổi phồng quá mức” ở Trung Quốc. Ông lưu ý ChatGPT đã được phát triển trong nhiều năm trong một quy trình liên quan đến một loạt thứ từ máy chủ và sức mạnh tính toán đến nền tảng kiến thức. Theo ông, các công ty không có khả năng như vậy nhưng bắt chước làm theo sẽ lãng phí rất nhiều tài nguyên Ông nói thêm ngay cả đối với các công ty có sẳn nguồn lực AI cũng cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng.

Trong khi Tencent và Sohu chọn cách tiếp cận thận trọng, các tập đoàn công nghệ khác của Trung Quốc bao gồm hãng tìm kiếm Baidu và tập đoàn Alibaba nhanh chân tung ra các lựa chọn thay thế cho ChatGPT, vốn bị hạn chế sử dụng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hồi tháng 3, Baidu trở thành công ty công nghệ Trung Quốc đầu tiên ra mắt công cụ chatbot AI, có tên gọi Ernie Bot. Tại sự kiện ra mắt ở Bắc Kinh, người sáng lập kiêm CEO của Baidu, Robin Li thừa nhận rằng sản phẩm này chưa hoàn hảo nhưng công ty của ông sẽ không chờ đợi “vì thị trường đang có nhu cầu”.

Robin Li đã bác bỏ một số lo ngại về tác động của AI. Phát biểu tại Hội nghị trí thông minh thế giới (WIC) lần thứ 7 ở thành phố Thiên Tân hôm 17-5, ông nói rằng dù AI có thể khiến một số công việc biến mất nhưng công nghệ này cũng sẽ tạo ra những vai trò công việc mới. Ông tiết lộ Baidu đã phát triển chip riêng, có tên là Kunlun, để cung cấp năng lượng cho các dịch vụ AI. Ông nói công ty ông đã triển khai hàng chục nghìn chip Kunlun thế hệ thứ nhất và thứ hai, với phiên bản thứ ba sẽ được tung ra vào đầu năm tới.

Tại cuộc họp báo với các nhà phân tích trong tuần qua, Chủ tịch kiêm CEO của Alibaba, Daniel Zhang, cho biết Aliaba đã bắt đầu hợp tác với các đối tác để phát triển các mô hình AI riêng cho từng ngành cụ thể.

Zhang nói rằng chatbot Tongyi Qianwen của Alibaba đã thu hút 200.000 lượt thử nghiệm beta từ các khách hàng doanh nghiệp. Alibaba đang lên kế hoạch tung ra các sản phẩm đám mây và giải pháp doanh nghiệp dựa trên mô hình AI. Đồng thời, tập đoàn này sẽ tích hợp các tính năng AI vào các sản phẩm khác nhau, bao gồm cả phần mềm công cụ văn phòng DingTalk.

“Chúng tôi tin rằng tất cả các mảng kinh doanh hướng tới người tiêu dùng của chúng tôi có thể được làm mới dựa vào các mô hình ngôn ngữ lớn để cung cấp trải nghiệm dịch vụ mới dựa vào AI cho người dùng của chúng tôi”, Zhang nói.

Tại hội nghị WIC ở Thiên Tân, Liu Qingfeng, người sáng lập kiêm Chủ tịch của công ty nhận dạng ngôn ngữ iFlyTek (Trung Quốc) nhận định các mô hình ngôn ngữ lớn đã tạo ra cuộc cách mạng cơ bản về cách con người tương tác với máy móc, cũng như những cơ hội mới trong nghiên cứu khoa học, kinh doanh và và internet.

Ông cho biết mô hình ngôn ngữ lớn Spark Desk của iFlyTek đang dẫn đầu thị trường Trung Quốc về khả năng tạo văn bản, hiểu ngôn ngữ và toán học. Ông dự báo đến tháng 10, Spark Desk sẽ vượt ChatGPT về năng lực  tiếng Hoa và tiến gần hơn với công cụ chatbot của OpenAI về năng lực tiếng Anh.

Ông cảnh báo với sự phát triển nhanh chóng của AI tạo sinh, các mô hình kinh doanh truyền thống phụ thuộc nhiều vào nguồn nhân lực sẽ bị phá vỡ hoàn toàn trong 2 -3 năm tới.

Theo SCMP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới