(KTSG Online) – Các tỉ phú Nga đang chống trả lệnh trừng phạt của phương Tây thông qua các vụ kiện ở các tòa án ở Anh và Liên minh châu Âu (EU). Họ cho rằng họ không liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine và cũng không có mối quan hệ thân cận với Tổng thống Vladimir Putin.
- Tài sản và số lượng tỉ phú Nga vẫn tăng bất chấp lệnh trừng phạt từ phương Tây
- UAE – ‘nơi trú ẩn’ an toàn của giới nhà giàu Nga
Hơn một năm trước, các nước phương Tây trừng phạt hơn một trăm doanh nhân hàng đầu của Nga và gia đình họ. Phương Tây hy vọng các đòn trừng phạt sẽ thúc đẩy giới tài phiệt của Nga gây áp lực để Tổng thống Nga Vladimir Putin xuống thang các hoạt động quân sự ở Ukraine. Nhưng cho đến này, “vũ khí” chính sách này đã không tạo ra bất kỳ tác động đáng kể Xung đột quân sự Nga-Ukraine vẫn diễn ra ác liệt và rất ít tỉ phú Nga công khai phản đối Tổng thống Putin hoặc bán bớt tài sản ở Nga. Trong khi đó, một số nhà tài phiệt Nga đang tăng cường tiến hành các vụ kiện ở các tòa án của Anh và EU nhằm yêu cầu dỡ bỏ các hạn chế bao gồm lệnh cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản.
Phát động cuộc chiến pháp lý
Các luật sư của tỉ phú Roman Abramovich gần đây xuất hiện tại một tòa án của EU ở Luxembourg để phản đối các biện pháp trừng phạt của EU đối với thân chủ người Nga của họ. Họ nói Abramovich không có mối liên hệ nào với cuộc chiến ở Ukraine.
Họ cũng cho rằng, việc đưa Abramovich vào diện trừng phạt đã ngăn cản vị tỉ phú này “can thiệp hiệu quả” với tư cách là người dẫn dắt các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.
Abramovich, cựu chủ sở hữu của đội bóng đá Anh Chelsea, cũng lập luận, ông đang bị nhắm mục tiêu một cách bất công chỉ vì đơn giản là một doanh nhân Nga. Theo vị tỉ phú, mối quan hệ của ông với Tổng thống Putin đã bị cường điệu hóa. Tòa án ở Luxembourg sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện này trongnhững tháng tới.
Trong khi đó, doanh nhân Eugene Shvidler, một người bạn kinh doanh của Abramovich, trở thành vị tỉ phú Nga đầu tiên phản đối lệnh trừng phạt của Anh tại tòa án. Ông tuyên bố, các biện pháp trừng phạt không xác đáng, khiến gia đình ông gặp “khó khăn nghiêm trọng”, theo hồ sơ tòa án. Vị tỉ phú mang hai quốc tịch Anh và Mỹ này, cho biết, ông chưa bao giờ có hộ chiếu Nga và không có cuộc gặp trực tiếp nào với Tổng thống Putin kể từ năm 2007.
Chính phủ Anh cho rằng, Shvidler nên tiếp tục bị trừng phạt một phần là để thúc đẩy ông gây sức ép lên Abramovich, người được kỳ vọng sẽ gây áp lực với Tổng thống Putin.
“Chưa bao giờ chúng ta thấy nhiều tỉ phú Nga có dấu ấn quốc tế lớn như vậy lại bị trừng phạt đồng loạt”, George Voloshin, chuyên gia về trừng phạt tại Hiệp hội các chuyên gia chống rửa tiền được chứng nhận (ACAMS), nói.
Voloshin cho rằng, hầu hết những nhà tài phiệt Nga bị trừng phạt không nằm trong nhóm thân cận của Tổng thống Putin. Vì vậy, các biện pháp trừng phạt gây tổn thất cho họ và gia đình họ, nhưng không thực sự hiệu quả nếu xét về mục tiêu chính sách.
Giới quan chức ở các chính phủ phương Tây xem lệnh trừng phạt hàng loạt là một phần của chiến dịch gây sức ép rộng lớn hơn đối với Nga. Họ cũng lập luận, các doanh nhân và nhà chính trị của Nga không được phép tiếp tục cuộc sống bình thường trong khi Điện Kremlin tiếp tục duy trì các hoạt động quân sự tại Ukraine.
Phương Tây cũng áp đặt các lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa quan trọng sang Nga nhằm làm tê liệt nền kinh tế của nước này. Tuy nhiên, động thái đó cũng chỉ có tác động hạn chế.
Theo John Smith, cựu giám đốc Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ và là đối tác của hãng luật Morrison Foerster, mục tiêu của phương Tây là “bắt đầu bóc tách dần sự ủng hộ dành cho Tổng thống Putin vì các nhà tài phiệt Nga có tầm ảnh hưởng kinh tế và chính trị rất lớn”.
“Chúng tôi vẫn chưa đạt đến điểm bùng phát đó, nhưng không có nghĩa là sẽ không đạt được”, Smith nói.
Vũ khí trừng phạt chỉ đạt được các mục tiêu hạn chế
Trong những thập niên gần đây, các biện pháp trừng phạt đã trở thành một công cụ quan trọng trong kho vũ khí chính sách của phương Tây để chống lại các nước mà họ xem là chuyên chế. Loại vũ khí này có chi phí tương đối thấp, tránh được sự can thiệp quân sự đầy đủ và có thể được nhắm mục tiêu để gây ra tổn thất tối đa cho đối thủ nhưng ít thiệt hại kinh tế ngoài dự kiến cho phương Tây.
Các chế độ ở Iran, CHDCND Triều Tiên, Venezuela và Syria đều là mục tiêu trừng phạt của Mỹ và các đồng minh của họ trong những năm qua.
Việc tung đón trừng phạt có phối hợp nhằm vào giới tài phiệt có liên hệ với chính phủ của một quốc gia là bước phát triển mới nhất của công cụ này.
Vào đầu năm năm 2022, ngay sau khi chiến sự Ukraine nổ ra, EU và Anh đã sửa đổi các quy tắc trừng phạt để đảm bảo có thể áp dụng cho càng nhiều người có ảnh hưởng ở Nga càng tốt.
Giới nhà phân tích nhận định, việc gây áp lực để buộc một quốc gia từ bỏ mục tiêu chính sách đối ngoại quan trọng hiếm khi đạt được chỉ thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế. Hơn nữa, chính sách trừng phạt có thể khơi dậy sự tức giận trong cộng đồng người dân của nước bị trừng phạt khiến họ có thể chống lại phương Tây mạnh mẽ hơn
Tuy nhiên, chính sách trừng phạt có thể đạt được các mục tiêu hạn chế hơn hoặc ít rõ ràng hơn, chẳng hạn như làm nản lòng những nước có thể muốn hỗ trợ vũ khí cho Nga.
Không giống như ở châu Âu, các nhà tài phiệt nổi tiếng của Nga, cho đến nay vẫn chưa thách thức các lệnh trừng phạt của Mỹ vì lý do đơn giản là “họ không nghĩ rằng mình sẽ thắng”, Voloshin nói.
Năm 2021, ông trùm công nghiệp Nga Oleg Deripaska kiện Bộ Tài chính Mỹ để hủy bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào ông được áp đặt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014. Kết quả là ông đã thua kiện và tạo ra một án lệ bất lợi cho các vụ kiện tương tự.
Nga kêu gọi các nhà tài phiệt trở về quê hương
Giờ đây, khi không thể tiếp cận tài sản ở phương Tây, một số nhà tài phiệt bị trừng phạt của Nga có thể trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào tài sản của họ ở quê hương và sự bảo trợ của Tổng thống Putin. Nhiều doanh nhân giàu có của Nga đã bị ngăn chặn nhập cảnh vào các nước phương Tây. Tỉ phú Abramovich đã thiết lập cơ sở hoạt động chủ yếu ở London trong nhiều năm cho đến khi chính phủ Anh không gia hạn thị thực cho ông vào năm 2018. Hiện ông đang di chuyển giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Tỉ phú Andrei Guryev, người bị Mỹ trừng phạt, đã chuyển trụ sở của của một công ty sở hữu cổ phần của nhà sản xuất phân bón khổng lồ PhosAgro (Nga) từ Thụy Sĩ đến một khu vực thuế thấp ở Nga. Tổng thông Putin cũng đang kêu gọi các doanh nhân trở về quê nhà.
“Chạy khắp nơi với chiếc mũ trong tay, xin lại tiền của chính bạn. Điều đó thật vô nghĩa và quan trọng nhất, nó chẳng giúp các bạn đạt được điều gì cả. Hãy ngừng bám víu vào quá khứ và sử dụng các tòa án để lấy lại ít nhất một phần tài sản (ở phương Tây)”, Tổng thống Putin nói trong bài phát biểu hồi tháng 2.
Các nhà tài phiệt Nga có rất ít động lực để công khai chỉ trích chính phủ Nga hoặc cuộc chiến ở Ukraine với hy vọng được quyền tiếp cận tài sản của họ ở phương Tây. Tỉ phú Oleg Deripaska trở thành một trong số ít nhà tài phiệt đầu tiên chỉ trích cuộc chiến ở Ukraine. Tháng 12 năm ngoái, một tòa án Nga đã ra lệnh tịch thu khu phức hợp khách sạn sang trọng mà ông sở hữu ở Sochi. Nhưng ông vẫn bị Mỹ, Anh và châu Âu trừng phạt.
Dù vậy, đã có những dấu hiệu của sự thay đổi. Oleg Tinkov là tỉ phú từ bỏ quốc tịch Nga sau chiến sự Ukraine và liên tục chỉ trích các hành động quân sự của Nga ở Ukraine. Dù vậy, ông vẫn bị chính phủ Anh trừng phạt Nhưng mùa hè này, Anh đã loại ông ra khỏi danh sách trừng phạt khi xem xét tất cả các yếu tố, “bao gồm cả những hành động mà ông Tinkov thực hiện sau khi bị trừng phạt”, theo giải thích của Bộ Ngoại giao Anh.
Anh cũng đã hủy lệnh trừng phạt đối với doanh nhân nổi tiếng Lev Khasis, người đã từ bỏ vai trò lãnh đạo cấp cao tại ngân hàng nhà nước Sberbank của Nga và rời đất nước ngay trước chiến sự Ukraine nổ ra.
Theo WSJ