Thứ sáu, 23/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giới xuất bản kiến nghị điều chỉnh quy định khuyến mại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giới xuất bản kiến nghị điều chỉnh quy định khuyến mại

Bảo Uyên

Giới xuất bản kiến nghị điều chỉnh quy định khuyến mại
Theo Hội Xuất bản Việt Nam, nhiều quy định về khuyến mại đã không còn hợp với tình hình thực tế của ngành sách - Ảnh: Bảo Uyên

(TBKTSG Online) - Hội xuất bản Việt Nam vừa có đơn kiến nghị lên Bộ Công Thương về Nghị định số 37/2006/NĐ-CP quy định về hoạt động xúc tiến thương mại. Hội cho rằng nghị định này được ban hành đã lâu và một số quy định về khuyến mại không còn phù hợp với tình hình thực tế, gây khó khăn, cản trở việc kinh doanh của các doanh nghiệp.

Hội Xuất bản Việt Nam đã chỉ ra một số quy định ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong ngành. Cụ thể, quy định về thời gian được phép khuyến mại ở Khoản 4 Điều 9 nêu: “Tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại bằng cách giảm giá đối với một loại nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ không được vượt quá 90 ngày trong một năm; một chương trình khuyến mại không được vượt quá 45 ngày”.

Còn tại Khoản 4 Điều 12 quy định: “Tổng thời gian thực hiện khuyến mại đối với một loại nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ không được vượt quá 180 ngày trong một năm, một chương trình khuyến mại không được vượt quá 90 ngày”.

Theo Hội Xuất bản Việt Nam, quy định đối với “một loại nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ” là rất bất cập, bởi lẽ không phải doanh nghiệp nào cũng có một loại nhãn hiệu hàng hóa. Hàng hóa của các nhà xuất bản, công ty phát hành sách chỉ là sách, nhưng những đơn vị này có rất nhiều tựa sách khác nhau và các tựa sách này đều cần thực hiện giảm giá riêng lẻ ở những giai đoạn khác nhau.

Không những thế, đối với hàng hóa là sách và các xuất bản phẩm của các nhà xuất bản, các đơn vị và công ty phát hành muốn thực hiện một chương trình khuyến mại thì họ phải có thời gian chuẩn bị hàng hóa, xuất hàng trước … Do vậy, nếu tính tổng cộng chỉ có 45 ngày thì sẽ không đủ cho một chương trình nếu doanh nghiệp muốn khuyến mại.

Đại diện một đơn vị phát hành sách cũng cho biết ngay cả khi có chương trình khuyến mãi lớn khách hàng cũng chỉ đến vào ngày nghỉ lễ hay cuối tuần; vì vậy, nếu giới hạn thời gian ở mức 45 ngày sẽ không phát huy được tác dụng của chương trình.

“Điều này chỉ hợp với các kênh bán sách online, khách hàng có thể đặt mua bất cứ lúc nào. Còn với các cửa hàng thì 45 ngày là quá ít”, vị đại diện này nói.

Hội Xuất bản cũng cho rằng, thời gian thực hiện chương trình khuyến mại phụ thuộc vào năng lực của doanh nghiệp, nếu quy định gò bó số lần, số ngày tối đa, sẽ kìm hãm sự phát triển chung của thị trường.

Ngoài ra, Hội Xuất bản Việt Nam cũng kiến nghị sửa đổi một số quy định về hạn mức tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ được phép khuyến mại. Chẳng hạn, Khoản 1 Điều 5 có ghi: “Giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại bằng các hình thức quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 11, Điều 12, Điều 13 Nghị định này” và Điều 6 nêu: “Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại”.

Theo Hội Xuất bản Việt Nam, về mặt quản lý, mục tiêu chính của quy định về hạn mức giá trị tối đa dùng để khuyến mại được giải thích là “nhằm hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường”. Tuy nhiên, mục tiêu quản lý này chưa hợp lý và không thật sự cần thiết, bởi trường hợp doanh nghiệp lạm dụng khuyến mại để bán sản phẩm dưới giá thành đến mức “cạnh tranh không lành mạnh”, ảnh hưởng bất lợi đến các đối thủ cạnh tranh trên thị trường thì pháp luật cạnh tranh đã có biện pháp xử lý. Mặc khác, để tính được tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ thì thường phải đợi sau khi kết thúc chương trình doanh nghiệp mới đưa ra được con số cụ thể và chính xác.

Hội cho rằng, mọi con số đưa ra để doanh nghiệp xin phép cơ quan có thẩm quyền được tiến hành chương trình khuyến mại đều là ước tính. Quy định này đang gây khó khăn cho thương nhân và cả cho cơ quan quản lý có thẩm quyền. Doanh nghiệp khi áp dụng chương trình giảm giá hay tặng quà nếu thực sự thu hút được khách hàng thì dù có khuyến mại nhiều hơn hạn mức họ vẫn tồn tại được, đồng thời khách hàng cũng được lợi từ việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Ngược lại nếu không thu hút được khách hàng tham gia vào chương trình thì các doanh nghiệp sẽ tự đào thải mà chưa cần đến pháp luật can thiệp.

Giám đốc một đơn vị liên kết xuất bản cho biết, giá thành làm ra một cuốn sách thường chiếm 50% giá bìa, nếu trừ đi chi phí phát hành chiếm tới 30-40% và các chi phí khác thì lợi nhuận thu được còn rất thấp. Vì thế những quy định này càng khiến các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xuất bản bị trói chân.

“Đã có nhiều trường hợp sách in số lượng lớn bị tồn kho và chúng tôi muốn giảm giá mạnh để thu hồi vốn được chừng nào tốt chừng đó nhưng lại bị những quy định như thế này cản trở. Chưa có cơ sở khoa học để nói rằng giảm giá đến bao nhiêu phần trăm sẽ tạo ra cạnh tranh lành mạnh, bao nhiêu phần trăm thì không. Không những thế, sách ở đây không chỉ là mặt hàng mà còn là tri thức. Nếu quy định về giá trị khuyến mại được giãn ra, những cuốn sách kia có thể đến được với nhiều độc giả ”, vị này chia sẻ.

Trong đơn kiến nghị gửi lên Bộ Công Thương, Hiệp hội Xuất bản cho rằng, phương án tối ưu tại thời điểm hiện tại là điều chỉnh quy định về mức giảm giá tối đa lên đến 80% (có tham khảo thực tiễn một số nước như Singapore là 70%, Malaysia là 80%, Mỹ là 90%…) và đề nghị không quy định về chương trình khuyến mại tập trung do Nhà nước chủ trì, tổ chức nữa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới