Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giữ chân khách hàng cũ, đón nhà mua hàng mới

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong bối cảnh sức mua suy giảm trên toàn cầu, vẫn có nhiều nhà mua hàng quốc tế hướng đến Việt Nam để tìm nguồn hàng và thiết lập mối quan hệ kinh doanh trong tương lai. Việc giữ chân nhà mua hàng truyền thống cũng như đón khách hàng mới khi thị trường phục hồi trở lại luôn là sự nỗ lực không mệt mỏi của các nhà sản xuất, xuất khẩu trong nước.

Các nhà mua hàng quốc tế đến các hội chợ, triển lãm của Việt Nam đề tìm nhà cung cấp. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Nhà mua hàng "săn tìm" hàng Việt

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, theo các doanh nghiệp, việc tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để tiếp cận khách hàng là một trong những giải pháp thiết thực để có cơ hội gia tăng đơn hàng sản xuất.

Dẫn chứng hiệu quả từ xúc tiến thương mại qua kênh hội chợ, triển lãm, ông Cao Văn Đồng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kettle Interiors Asia, chia sẻ với KTSG Online rằng tháng 3 vừa qua, công ty ông tham gia Hội chợ quốc tế Đồ gỗ & Mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA EXPO 2023) tại TPHCM và đã có được kết quả rất khả quan.

Đó là công ty đã bán được 24 container hàng đồ gỗ thu về hơn nửa triệu đô la Mỹ ngay tại hội chợ này. Tuy nhiên, điều ông Đồng phấn khởi hơn nữa là trong bối cảnh khó khăn về thị trường thế giới hiện nay vẫn có hơn 40 nhà mua hàng quốc tế mới đến trao đổi về cơ hội cung ứng hàng hóa cũng như trực tiếp tham quan nhà máy của doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương. Từ đó, ông Đồng kỳ vọng việc tham gia VIFA ASEAN 2023 vào tháng 82023 tới đây sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nhiều nhà mua hàng hơn nữa.

Tương tự, bà Huỳnh Thị Phương Vi, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hiệp Long, doanh nghiệp tham gia VIFA ASEAN, cho biết sau VIFA EXPO 2023, công ty có thêm 20% lượng khách mới hoàn toàn, một số khách bắt đầu đặt hàng, phần lớn là đến từ châu Âu và Úc.

"Việc tham gia những hội chợ quốc tế để tìm kiếm khách hàng rất quan trọng đối với doanh nghiệp, giúp tiếp cận được với các khách hàng mới mà từ trước tới giờ chưa có, nhất là trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm mạnh do khó khăn kinh tế toàn cầu hiện nay", bà Vi chia sẻ.

Không chỉ 2 doanh nghiệp nói trên, đại diện ban tổ chức VIFA EXPO 2023 cũng thông tin thêm, tại kỳ hội chợ này, Công ty Lyprodan đã ký kết được 6 hợp đồng với giá trị tới 5 triệu đô la; Công ty White Lable ký hợp đồng trị giá 350.000 đô la; hay Công ty VietS ký hợp đồng bán được 20 container,…

Theo nhà tổ chức hội chợ, ông Đặng Quốc Hùng, dù tình hình thị trường thế giới đang rất khó khăn, nhưng ngành đồ gỗ trong nước vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều nhà mua hàng quốc tế. Bởi ngành này đã khẳng định được vị thế trên thế giới về sản phẩm chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh và đáp ứng được các yêu cầu trong sản xuất của nhà mua hàng.

Nhờ đó mà hội chợ đồ gỗ, nội thất VIFA EXPO 2023 vừa qua vẫn đạt kết quả rất tích cực với gần 6.000 nhà mua hàng quốc tế đến tham quan tìm kiếm nhà cung cấp. Trong khi đó các doanh nghiệp gỗ Việt Nam tham gia hội chợ này đã ký được nhiều hợp đồng, biên bản ghi nhớ tại chỗ với tổng giá trị gần 100 triệu đô la.

Tương tự ở lĩnh vực dệt may, da giày,... tình hình đơn hàng sản xuất đang bị sụt giảm nhiều, hàng loạt người lao động bị mất việc hoặc giảm giờ làm nhưng các doanh nghiệp cho biết họ vẫn được các nhà mua hàng quốc tế mới tìm đến.

Theo ông Quách Kiến Lân, nhà sáng lập Công ty TNHH MTV Vải sợi Bảo Lân, dù tình hình kinh doanh bị sụt giảm do khó khăn chung thị trường thế giới nhưng cũng có các nhà mua hàng mới tìm đến công ty để khảo sát hoặc đặt mối quan hệ làm ăn trong thời gian tới.

Đáng chú ý là sau khi tham gia sự kiện triển lãm nguồn cung ứng quốc tế tại Việt Nam (Global Sourcing Fair Việt Nam) tại TPHCM vào cuối tháng 4 vừa qua, có hơn 20 nhà mua hàng quốc tế mới kết nối cơ hội hợp tác kinh doanh với Bảo Lân.

"Trong bối cảnh hiện nay những nhà mua hàng này cũng chưa có thể đi đến việc đặt hàng ngay nhưng đây là những khách hàng rất tiềm năng khi thị trường kinh doanh phục hồi trở lại", ông Lân nói, và cho biết những khách hàng mới này đến từ châu Âu, Mỹ, Anh và Úc, những thị trường rất khó tính đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm và yêu cầu sản xuất bền vững. "Điều này cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến của các nhà mua hàng quốc tế", ông Lân hìn nhận.

Còn ông Hu Wei, Giám đốc điều hành Global Sources, thì cho rằng qviệc tổ chức Global Sourcing Fair Việt Nam lần đầu tiên vào cuối tháng 4 vừa qua vì Việt Nam được đánh giá trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu. Những nhà mua hàng B2B quốc tế bắt đầu tìm kiếm nguồn hàng từ Việt Nam và các nước lân cận. Thực tế này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam chuyển mình thành trung tâm sản xuất toàn cầu, chất lượng hàng hóa ngày càng được nâng cao, giá cả cạnh tranh nên rất được ưa chuộng.

“Hàng loạt các nhà mua hàng từ Mỹ, châu Âu, châu Á đề nghị chúng tôi kết nối nguồn hàng giá rẻ từ Việt Nam và các nước lân cận. Trong đó, các nhà nhập khẩu Mỹ, EU muốn chuyển dịch nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường cung ứng truyền thống như Hồng Kông, Nhật Bản sang Việt Nam, Thái Lan, Campuchia. Ngoài ra, chất lượng hàng hóa Việt Nam ngày càng cải thiện, giá cạnh tranh nên được nhiều người tiêu dùng tại các quốc gia trên ưa chuộng”, ông nói.

Hội chợ Xuất khẩu TPHCM đang diễn ra tại TPHCM thu hút nhiều nhà mua hàng trong nước và quốc tế. Ảnh: Hùng Lê

Hay sự kiện Diễn đàn và Hội chợ Xuất khẩu TPHCM (HCM City Expo 2023) diễn ra từ ngày 25 đến 28-5 tại SECC, đã thu hút hàng ngàn khách hàng là các nhà thu mua, nhà nhập khẩu từ nhiều nước trên thế giới để nắm bắt thông tin về các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam nhằm tìm kiếm nguồn cung ứng hàng hóa chất lượng.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đánh giá đây là tín hiệu đáng mừng, đánh giá được nhu cầu, thị trường xuất khẩu còn nhiều tiềm năng, còn nhiều cơ hội để doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội thì cũng có nhiều thách thức mà doanh nghiệp cần phải nghiên cứu, chú ý trong quá trình tạo ra sản phẩm xuất khẩu để phù hợp với đặc thù về văn hóa, tôn giáo, dân tộc, cũng như các quy định riêng của mỗi quốc gia.

Giữ chân khách hàng là yêu cầu tất yếu

“Việt Nam đang được thế giới đặc biệt chú ý về nguồn cung ứng hàng hoá. Những năm gần đây, rất nhiều khách hàng của chúng tôi muốn đa dạng hóa sản phẩm của họ. Ngay cả trong thời điểm cả thế giới gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn ghi nhận lượng người mua tăng lên do các nhà mua hàng quốc tế cần đa dạng hóa nguồn cung ứng”, ông Hu Wei, CEO của Global Source chia sẻ.

Rõ ràng cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu và sản xuất ở Việt Nam không hề ít. Nhưng để giữ chân khách hàng hiện hữu cũng như sẵn sàng đón nhận các nhà mua hàng mới khi thị trường phục hồi trở lại luôn là sự nỗ lực và trăn trở của nhiều doanh nghiệp. Bởi lẽ không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh,... cũng đang cạnh tranh về chuỗi cung ứng hàng hóa trên toàn cầu, bên cạnh "công xưởng" lớn nhất thế giới là Trung Quốc.

Tại sự kiện HCM City Expo 2023, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh các chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang điều chỉnh, sắp xếp lại, nhiều quốc gia tăng cường chính sách bảo hộ, rào cản thương mại, các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin, dự báo tình hình làm cơ sở cho việc điều chỉnh ngắn hạn cũng như tìm ra những giải pháp dài hạn trong sản xuất, xuất khẩu.

Bên cạnh đó, ông Hải cho rằng cần thay đổi phương thức sản xuất – kinh doanh, đa dạng hóa hình thức xúc tiến thương mại phù hợp với những xu hướng chuyển đổi lớn trên thế giới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi công nghệ…

Bên cạnh chất lượng và giá cả cạnh tranh thì sản xuất xanh và an toàn là sự quan tâm cao của nhà mua hàng. Ảnh minh họa

Chất lượng sản phẩm ổn định và giá cả cạnh tranh luôn là hai yếu tố quan trọng để nhà nhập khẩu, các nhãn hàng chú ý. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt hiện nay thì hai yếu tố nói trên vẫn chưa đủ mà đòi hỏi nhà sản xuất, đơn vị xuất khẩu phải đáp ứng các điều kiện khắc khe của các nhãn hàng và nước nhập khẩu về sản xuất ít tác động đến môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên, thân thiện môi trường, an toàn cao về lao động...

Tại diễn đàn "Liên kết xanh - xuất khẩu xanh" diễn ra tại TPHCM hôm 25-5 vừa qua, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho biết các yêu cầu về quy trình xanh hóa chuỗi cung ứng đã rất rõ ràng và tác động đến sức cạnh tranh, cơ hội nhận đơn hàng của nhà xuất khẩu, chứ không còn ở mức "phấn đấu".

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng cho rằng "xanh" và "số" là hai từ quan trọng nhất mà các doanh nghiệp đang đeo đuổi nếu muốn thích ứng với yêu cầu của thị trường quốc tế.

"Nếu như trước đây theo đuổi "tính xanh" là sự đánh đổi chi phí, thì bây giờ xanh là để bảo vệ sức cạnh tranh, cơ hội duy trì sản xuất, bán hàng ra quốc tế, thu hút sự quan tâm của các nhãn hàng", ông Thành nói, và cho rằng: "Chưa bao giờ tính cưỡng bức tư duy kinh tế xanh lại mạnh mẽ như hiện nay".

Đáng chú ý những quy định xanh hóa sản xuất đòi hỏi ngày càng khắc khe hơn. Đưa ra dẫn chứng, ông Thành cho biết mới đây, ngành dệt may thế giới còn yêu cầu nếu quá trình sản xuất phát sinh thừa vải hay sản phẩm bị lỗi thì không được phép tiêu hủy, mà phải tái chế. Các quy định này được tính điểm trong đơn hàng.

Theo vị chuyên gia kinh tế này, thực tế cũng cho thấy các doanh nghiệp đạt ESG (chỉ số môi trường, xã hội và quản trị) thì có đơn hàng tốt hơn, nhiều hơn.

Trường hợp ngành dệt may Bangladesh những tháng cuối năm vừa qua và đầu năm nay làm không kịp đơn hàng vì kịp thời thích ứng xanh hóa; trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam thì ngược lại, bị sụt giảm mạnh đơn hàng và cắt giảm lao động.

Hay ở lĩnh vực nông nghiệp và rau quả, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết trong 4 tháng đầu năm nay, toàn ngành rau quả đạt 1,4 tỉ đô la Mỹ, tăng trưởng 20%. Và đây cũng là nhóm mặt hàng hiếm hoi có tăng trưởng xuất khẩu dương và cao, cho thấy tín hiệu tốt nhất trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Tại Hội nghị Kết nối thông tin thị trường xuất khẩu với chủ đề “Nông sản Việt Nam vươn xa”, ông Tùng cho biết, các thị trường nhập khẩu của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU… đang hướng tới kinh tế xanh, nông nghiệp xanh. Một số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đã đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGAP, tiêu chuẩn SMETA (thực hành đạo đức trong kinh doanh và trách nhiệm xã hội),... nên xuất khẩu thuận lợi và tăng trưởng cao.

“Kinh tế xanh, nông nghiệp xanh là xu hướng trong tương lai. Hiện nay các nhà nhập khẩu chưa đưa ra yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam muốn duy trì mạch phát triển xuất khẩu phải đầu tư ngay chứ không đợi họ ra quy định, luật định rồi mới làm. Điều này sẽ rất chậm, mất nhiều cơ hội”, ông Tùng lưu ý.

Tuy nhiên, các chuyên gia và doanh nghiệp khẳng định giải pháp cho quá trình chuyển đổi xanh không thể một mình doanh nghiệp hay Nhà nước muốn là được. Với đặc thù nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam cần có cách thức tiếp cận từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới, tức nỗ lực từ hai phía.

Cần sự liên kết mạnh mẽ

Ở một khía cạnh khác về xuất khẩu và vươn xa đòi hỏi cần sự liên kết, hợp tác, kết nối giữa các doanh nghiệp, nhà sản xuất, và địa phương... để cùng nhau hỗ trợ phát triển.

Tại Hội nghị Kết nối thông tin thị trường xuất khẩu ở TPHCM vào ngày 26-5, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết hàng hóa xuất khẩu nói chung và nông sản của Việt Nam nói riêng có rất nhiều lợi thế khi Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn, tuy nhiên việc tận dụng các lợi thế do các FTA mang lại còn hạn chế.

Các hiểu biết về nhu cầu tiêu dùng xanh, về các điều kiện, các quy định đối với hàng hóa nhập khẩu của các nước, với các thị trường lớn, đối với các tiêu chuẩn về sản xuất bền vững… cũng rất giới hạn.

Khách quốc tế đến với Hội chợ Xuất khẩu TPHCM. Ảnh: Hùng Lê

"Để nâng cao hiệu quả thì một trong những giải pháp quan trọng đó là các doanh nghiệp xuất khẩu nên tăng cường kết nối, hợp tác với các đối tác xuất khẩu nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về mặt kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu", ông Phương nêu.

Theo thống kê của Sở Công Thương, tại TPHCM hiện có hàng chục nghìn doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hàng nghìn văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài và nhiều cơ quan thương vụ nước ngoài đóng trên địa bàn. Do đó, thành phố có thế mạnh là nơi hội tụ, kết nối các chuỗi cung ứng xuất khẩu.

Liên quan đến sản phẩm nông nghiệp, TS. Hạ Thúy Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT), đánh giá cao sự liên kết giữa TPHCM và 13 tỉnh ĐBSCL giúp tạo ra sản phẩm chất lượng đồng đều, giảm chi phí logistics.

Bên cạnh đó, hiện nay hàng hóa tiểu ngạch hầu như khó khăn để xuất khẩu vì phía Trung Quốc quản lý chặt chẽ hơn. Tất yếu doanh nghiệp phải xuất khẩu chính ngạch, nghĩa là sản phẩm cần có chứng nhận mã vùng trồng, mã đóng gói, truy xuất nguồn gốc…

Vì vậy, theo bà Hạnh, vai trò của doanh nghiệp đầu tàu rất quan trọng, không chỉ hướng dẫn cho nông dân, người trồng trọt sản xuất theo yêu cầu của nhà nhập khẩu mà còn là vấn đề văn hóa giao dịch, thương mại điện tử.... Trên cơ sở đó, nhà nông sẽ tuân thủ theo quy trình nhất định vì liên quan đến cam kết, hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm…

“Hy vọng thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam dẫn dắt nông dân làm sao có văn hóa thương mại cùng nhau phát triển, chứ không mạnh ai nấy bán sẽ không phù hợp trong thời điểm này…”, bà Hạnh lưu ý.

Tương tự, theo ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Tập đoàn Vina T&T Group, một trong những giá trị cốt lõi để doanh nghiệp thành công là chất lượng, thương hiệu. Để chinh phục thị trường quốc tế thì vùng nguyên liệu phải đủ lớn, sản phẩm phải đặc trưng với hàng hóa cùng chủng loại trên thế giới và phù hợp với nước nhập khẩu, đối tượng nhập khẩu...

Và để đạt được điều này, ông Tùng cho rằng cùng với việc xây dựng đội ngũ kỹ thuật, bám sát cùng bà con nông dân xây dựng chuỗi liên kết bền vững trong suốt quá trình từ chọn giống, canh tác đến thu hoạch, đảm bảo chất lượng và sản lượng đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu cũng như xu hướng nông nghiệp xanh - bền vững trong thời gian tới....

Bên cạnh việc tăng cường liên kết hợp tác thì theo các chuyên gia, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng cần hướng tới đẩy mạnh kinh doanh, kết nối trên môi trường số, “chợ online”… giúp giảm các chi phí phát sinh cũng như nhanh chóng tiếp cận được với khách hàng hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới