(KTSG) - Các ngân hàng sẽ phải tiếp tục nỗ lực và đẩy nhanh việc tăng vốn trong thời gian còn lại của năm 2022 nếu muốn hoàn thành mục tiêu đề ra từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, có vẻ như nhiều ngân hàng sẽ phải dời lại kế hoạch tăng vốn sang năm sau, khi chỉ còn nửa tháng nữa là đã kết thúc năm tài chính.
- Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát giảm lãi suất cho vay, cung ứng tín dụng
- Sẽ bổ sung quy định để thúc đẩy triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%
Gấp rút tăng vốn
VPBank mới đây đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho phép tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.377 tỉ đồng, từ 45.056 tỉ đồng lên 67.434 tỉ đồng, tương đương tỷ lệ 50%, từ các nguồn như lợi nhuận chưa chia, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, với số cổ phần phát hành dự kiến là hơn 2,24 tỉ cổ phiếu. Theo đó, ngân hàng này đã vươn lên trở thành ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần có vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống, vượt qua cả những NHTM cổ phần gốc quốc doanh.
Ngân hàng SHB gần đây đã phát hành thành công hơn 400 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 15%, qua đó nâng vốn điều lệ lên mức 30.674 tỉ đồng. Việc tăng vốn điều lệ lần này nằm trong kế hoạch phát triển của SHB và đã được thông qua tại đại hội đồng cổ đông, nhằm mục tiêu nâng cao năng lực tài chính, mở rộng quy mô cho vay, đầu tư vào công nghệ thông tin, đặc biệt thúc đẩy mạnh việc số hóa ngân hàng, hiện thực hóa mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại, đa năng hàng đầu Việt Nam.
Trong tuần trước, Vietcombank thông báo sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 30-1-2023, trong đó có nội dung về việc kéo dài thời gian thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu VCB. Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông đầu năm nay, Vietcombank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 bằng phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 và 2020. Theo đó, dự kiến phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1%, để tăng vốn điều lệ thêm gần 8.566 tỉ đồng, từ 47.325 tỉ đồng lên 55.891 tỉ đồng.
Giải pháp thường được lựa chọn nhất vẫn là chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại đã tích lũy khá lớn trong nhiều năm qua, hoặc nếu phát hành thêm cổ phiếu cũng chỉ nhắm đến các cổ đông chiến lược là các tổ chức định chế tài chính nước ngoài.
Thống kê cho thấy trong năm nay, có đến 22 ngân hàng dự kiến sẽ tăng thêm vốn điều lệ, với tổng giá trị tăng thêm lên đến 154.000 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Nếu không tính nhóm ba NHTM cổ phần gốc quốc doanh là Vietcombank, BIDV và VietinBank, chiếm tỷ trọng gần 23% trong tổng mức tăng, nhóm NHTM cổ phần tư nhân đặt kế hoạch tăng gần 119.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo số liệu đến 30-9-2022, các ngân hàng chỉ mới tăng thêm được chưa đến 37.800 tỉ đồng, tương ứng 25% kế hoạch tăng thêm đặt ra trong năm nay. Trong đó, các ngân hàng tăng khá là Vietcombank tăng thêm 10.236 tỉ đồng, ACB tăng 6.755 tỉ đồng, VIB tăng 5.545 tỉ đồng, SeaBank tăng 5.024 tỉ đồng, LienVietPostBank tăng 3.000 tỉ đồng, ABBank tăng 2.439 tỉ đồng…
Nếu tính luôn mức tăng thêm của VPBank và SHB nói trên, tổng mức tăng thêm lên được con số hơn 64.100 tỉ đồng, vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu 154.000 tỉ đồng.
Như vậy, các ngân hàng sẽ phải tiếp tục nỗ lực và đẩy nhanh việc tăng vốn trong thời gian còn lại của năm nay nếu muốn hoàn thành mục tiêu đề ra đầu năm nay. Tuy nhiên, có vẻ như nhiều ngân hàng sẽ phải dời lại kế hoạch tăng vốn sang năm sau, khi chỉ còn nửa tháng nữa là đã kết thúc năm tài chính.
Giữa cơn biến lãi suất
Rõ ràng trong bối cảnh lãi suất leo thang khiến nguồn vốn kinh doanh của các ngân hàng chịu rất nhiều áp lực, nhiệm vụ tăng vốn điều lệ càng trở nên cấp thiết. Từ cuối tháng 11 đến nay, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng vọt, khi mốc lãi suất huy động 10%/năm ngày càng trở nên phổ biến. Với việc NHNN tiếp tục nới mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong năm nay thêm 1,5-2%, cuộc cạnh tranh huy động vốn đầu vào có thể sẽ ngày càng trở nên quyết liệt.
Ngược lại, các ngân hàng cũng phải thực thi nhiệm vụ giữ ổn định lãi suất cho vay, thể hiện qua việc một số ngân hàng gần đây bất ngờ giảm lãi suất cho vay trong hai tháng cuối năm, hoặc kéo dài sang tháng 1-2023, như là cách thể hiện để nhận được room tín dụng cao hơn.
Như vậy, với việc chi phí vốn huy động đầu vào của hầu hết các ngân hàng đã tăng mạnh trong năm nay, trong khi việc huy động vốn từ khách hàng vẫn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) có xu hướng sụt giảm, việc tiếp cận nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng ít nhiều có những hạn chế gần đây và đặc biệt là lãi suất cũng duy trì ở mức cao, thì mục tiêu tăng vốn điều lệ thành công càng trở thành điều kiện quan trọng để giúp các ngân hàng hướng đến nhiệm vụ giữ ổn định lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, trước nguy cơ nợ xấu có thể gia tăng trở lại trong thời gian tới, từ các khoản nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong hơn hai năm qua, cũng như các khoản vay gần đây đang đối mặt với các đợt lãi suất điều chỉnh tăng vọt mà có thể khiến người vay không chịu nổi áp lực tài chính gia tăng nên dẫn đến nợ xấu, các ngân hàng càng phải tăng vốn điều lệ để gia tăng bộ đệm dự phòng rủi ro trong giai đoạn tới.
Ngoài ra, theo Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, cơ quan quản lý cũng đã chính thức xác định phân nhóm giữa các tổ chức tín dụng theo tiêu chuẩn vốn điều lệ. Theo đó, nhóm 1 sẽ gồm các NHTM trong nước với tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn phải có vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỉ đồng; nhóm 2 gồm các NHTM được xem là nhỏ và trung bình và NHTM có vốn nước ngoài, yêu cầu có vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỉ đồng, riêng công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính có vốn điều lệ tương ứng 750 tỉ đồng và 450 tỉ đồng. Nhóm 3 còn lại là các NHTM, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính yếu kém/được kiểm soát đặc biệt/thực hiện phương án cơ cấu lại do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Lộ trình này càng khuyến khích các ngân hàng có động lực tăng vốn điều lệ “sớm chừng nào tốt chừng ấy”. Vốn điều lệ cũng là một cấu phần chủ yếu để tính toán hệ số an toàn vốn (CAR) và xếp hạng các ngân hàng. Do đó, cũng có thể là tiêu chí quan trọng để đánh giá sức khỏe của các ngân hàng từ đó giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Đáng lưu ý là việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang gặp khá nhiều vấn đề cũng đã ảnh hưởng đến chiến lược phát hành trái phiếu kỳ hạn dài để tăng vốn tự có cấp 2 của các ngân hàng gần đây cũng như giai đoạn tới. Đó là chưa nói đến việc một số ngân hàng có thể buộc phải mua lại trước hạn trái phiếu đã phát hành hoặc bảo lãnh phát hành. Do đó, việc tăng vốn điều lệ để tăng vốn tự có cấp 1 càng trở thành một giải pháp quan trọng, cũng như có thêm nguồn vốn để xử lý các vấn đề ở thị trường trái phiếu.
Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong tháng 11 chỉ có vỏn vẹn năm đợt phát hành TPDN riêng lẻ với giá trị 1.934,7 tỉ đồng, trong đó riêng Công ty cổ phần Tập đoàn Masan đã phát hành lên tới 1.700 tỉ đồng, còn về phía ngân hàng chỉ có mỗi BIDV phát hành gần 85 tỉ đồng. Trước đó, trong tháng 10 chỉ có một đợt phát hành trái phiếu của Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo với giá trị 210 tỉ đồng. Nếu nhìn vào giá trị phát hành TPDN nói chung cũng như trái phiếu mà các ngân hàng phát hành trước đây lên tới hàng ngàn tỉ đồng mỗi tháng, có thể thấy kênh TPDN đang suy giảm trầm trọng đến mức nào.
Dù vậy, với triển vọng của thị trường chứng khoán vẫn chưa rõ ràng, chiến lược tăng vốn điều lệ hiện nay không phải là điều dễ dàng, khi cổ phiếu ngân hàng hiện nay không còn quá hấp dẫn như giai đoạn trước để các ngân hàng có thể mặc sức phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu. Vì vậy, giải pháp thường được lựa chọn nhất vẫn là chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại đã tích lũy khá lớn trong nhiều năm qua, hoặc nếu phát hành thêm cổ phiếu cũng chỉ nhắm đến các cổ đông chiến lược là các tổ chức định chế tài chính nước ngoài.