Thứ năm, 31/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Giữa đam mê và sống mòn

Đoàn Tuấn Anh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tuy đã ra đời cách đây hơn một thế kỷ nhưng cuốn tiểu thuyết Vầng trăng và sáu xu của nhà văn Anh William Somerset Maugham vẫn có sức lôi cuốn độc giả đương thời. Cuốn sách xưa đặt ra vấn đề hiện đại: liệu chúng ta nên chọn theo đuổi niềm đam mê hay chọn sống cuộc đời bình thường theo những định mệnh đẩy đưa của cuộc đời?

Vầng trăng và sáu xu được viết dựa trên cuộc đời của đại danh họa trường phái ấn tượng Paul Gauguin mà Maugham đã tái hiện thông qua nhân vật Charles Strickland. Vào một ngày nọ, Charles Strickland đã bỏ cả công việc mà nhiều người thèm muốn ở công ty chứng khoán và người vợ có quảng giao rộng với giới nghệ sĩ để đến Paris, Pháp nơi ông bắt đầu cho niềm đam mê vẽ. Điều này khá bất ngờ với nhiều người bởi trước đó Strickland không có biểu hiện nào cho thấy ông có ý định trở thành họa sĩ. Cứ thế, niềm đam mê đã dẫn dắt ông qua biết bao hành trình, dục vọng cũng như tội lỗi để rồi kết thúc đời mình ở Tahiti. Tác phẩm của Maugham không chỉ kể lại câu chuyện của một nhân vật lớn mà còn mang đến những thông điệp nhân sinh đặc sắc và đầy ý nghĩa.

Đam mê nghệ thuật hay sự giàu có?

Một trong những lý do khiến cuốn tiểu thuyết vẫn còn được nhắc đến và mến mộ sau hơn một thế kỷ qua, đó là ngòi bút tài năng của chính Maugham. Việc tái hiện cuộc đời một người nổi tiếng là con dao hai lưỡi khi nó có thể giúp tác phẩm trở nên gay cấn và hấp dẫn hơn bởi những biến động trong cuộc đời của một nhân vật đậm tính nghệ sĩ như Gauguin, nhưng nếu làm không tốt nó cũng rất dễ trở thành tác phẩm tiểu sử thiếu hụt phẩm chất văn chương. Và thật may mắn khi bằng tài năng miêu tả tâm lý tinh tế và những quan sát sắc xảo của một nhà văn thượng thặng, Maugham đã đưa được tính cá nhân vào một câu chuyện mà nhiều người đã biết, qua đó bổ sung màu sắc và sự hấp dẫn cho tác phẩm này.

Điều đó có thể được thấy ở cách khắc họa nhân vật Strickland - một người đàn ông tài năng nhưng khó hiểu, một người tự dựng lên những lớp vỏ để ngăn cách mình với cả thế giới. Dưới ngòi bút của Maugham, ta thấy hiện lên một Gauguin hay Strickland xù xì, gai góc, một người không nhượng bộ thứ nghệ thuật hạng hai hay rẻ tiền. Cá tính của ông trong cuốn sách này cũng không hiện lên một cách thông thường mà đa chiều và rất phức tạp, qua đó cho thấy được những đấu tranh và sự dằn vặt sâu trong nội tâm. Ở khía cạnh này có thể nói Maugham đã rất thành công khi khắc họa lại một Gauguin bị giằng xé bởi nhiều bến bờ mà không nhiều người có thể nhìn thấy ở nhân vật gốc.

Điều đó được cụ thể hóa qua mối quan hệ với ba người phụ nữ quan trọng nhất đời ông, qua đó phần nào thể hiện thông điệp mà tác giả mong muốn gửi gắm.

Theo đó ở ngay tựa đề cuốn sách ta đã thấy được một sự tương phản giữa hai hình tượng: “vầng trăng” của nghệ thuật - là đỉnh cao mà Strickland luôn muốn hướng tới và “đồng sáu xu” - mệnh giá thấp nhất của đơn vị tiền tệ Anh Quốc thời bấy giờ, gắn với công việc trong ngành tài chính trước đó và cũng phần nào mang nghĩa thấp kém. Liên từ “và” được đặt để kết nối chúng, nhưng đó không phải là một cây cầu dẫn mà là một chiếc bập bênh buộc phải lựa chọn. Với Strickland, ông phải lựa chọn giữa đam mê nghệ thuật hay sự giàu có của cuộc sống thượng lưu qua công việc định hình nên mình? Còn với người đọc, liệu ta phải chọn điều bản thân khao khát hay cuộc sống cơm áo gạo tiền đủ để bản thân có thể tồn tại?

Giữa những chọn lựa

Chính câu hỏi đó đã là giá trị lớn nhất và đặc sắc nhất giúp cho cuốn sách vẫn còn giá trị cho đến ngày nay, khi trong cuộc đời ai cũng phải đối mặt với lựa chọn đó. Mượn câu chuyện của Gauguin, Maugham đã cho ta thấy cái giá phải trả khi lựa chọn sống với đam mê và từ bỏ hết đặc quyền đặc lợi mà kim tiền mang lại. Đó là việc sống nghèo khó ở Paris của Strickland mặc cho ở nơi quê nhà ông là một người không cần phải lo đến đời sống vật chất. Đó cũng là việc đoạn tuyệt với vợ - một người những tưởng phù hợp với bản thân ông khi là “nhà bảo trợ” cho nhiều nghệ sĩ, nhưng chính khi nhìn thấy đám đông hỗn loạn và một tập thể xu nịnh, giả tạo mà ông đã quyết dứt áo ra đi...

Không dừng ở đó, nó cũng buộc ông đánh đổi tình yêu và những cảm xúc đôi khi ngã lòng. Maugham đặc tả điều này vô cùng ấn tượng khi xây dựng nhân vật Blanche - người yêu ông say đắm và là vợ của người họa sĩ “hạng hai” Stroeve quý mến ông, người đã giúp ông tồn tại trước những thử thách đời sống. Bi kịch khi Strickland bỏ Blanche và làm tổn thương Stroeve đặt cho người đọc rất nhiều câu hỏi, liệu đó là sự vô ơn hay hành động hy sinh tình cảm để hướng đến một sứ mệnh còn cao cả hơn đó là nghệ thuật? Ở đây không quá khó thấy Strickland đã cảm nhận được tài năng của Stroeve bị ảnh hưởng ra sao bởi tình yêu dành cho Blanche và áp lực cuộc sống lứa đôi. Vì vậy, Strickland không phải không hề rung động trước Blanche mà là ông đã nhất quyết từ bỏ thứ cảm xúc ấy để vươn được đến đỉnh cao đời mình.

Và tìm thấy mình trong bình yên và tự do

Và để đáp lại sự hy sinh đó, vào lúc cuối đời khi đã đến hòn đảo Tahiti ở Thái Bình Dương, ông đã gặp được người phụ nữ bản địa Ata và sống ở đây hồn nhiên như cây như cỏ. Ở chương này, Maugham đã họa nên một Strickland vô cùng khác biệt. Người ta không còn thấy ở ông dấu tích nào dù là nhỏ nhất của một nhà môi giới chứng khoán châu Âu, người ta cũng không còn thấy một họa sĩ nổi tiếng với những tác phẩm khiến cho người xem phải há hốc mồm... mà là một người giờ đã bằng lòng với những gì mình có. Nên duyên cùng người phụ nữ thuần nguyên bản địa, Strickland biết mình đã chọn đúng người. Ở đó không có kim tiền, không có danh vọng, ở đó chỉ có bình yên và sự tự do mà người nghệ sĩ luôn muốn có được.

Vì thế đó cũng là nơi mà tuyệt tác lớn nhất của bản thân ông đã được hình thành trong cơn thập tử nhất sinh, khi mắt không nhìn thấy gì. Chính việc bi kịch hóa của Maugham đã cho ta thấy dù đến muộn nhưng sự hy sinh của Strickland là không uổng phí. Công trình vĩ đại đó dù chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc, nhưng tác động của nó đến một người thậm chí còn không hiểu gì về nghệ thuật như người dẫn truyện là bác sĩ Coutras đã cho ta thấy tài năng và tính nghệ sĩ của người hết lòng đam mê. Cuốn sách khép lại bằng cái kết buồn, nhưng có thể nói lại đầy sức mạnh truyền đến những người còn đang mông lung trên “chiếc bập bênh” của cuộc đời mình.

Bằng nghệ thuật viết độc đáo và cách kể chuyện cuốn hút nhằm trả lời cho câu hỏi vô cùng hóc búa của một đời người: chọn đam mê hay sống chỉ để tồn tại, Maugham đã phơi bày ra trước mắt người đọc những hệ lụy nhưng cũng đồng thời là trái ngọt nếu ta dốc sức cho chính đam mê của cuộc đời mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới