(KTSG) - Sự sụt giảm của tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong năm 2024 có thật sự đáng lo lắng? Nguyên nhân đến từ đâu và triển vọng thu hút nguồn vốn này trong giai đoạn tới có thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố nào khác?
- Thấy gì qua xu hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam?
- Để dòng vốn đầu tư ra nước ngoài trở thành trợ lực phát triển
Vốn đầu tư nước ngoài giảm sút vì đâu?
Trong khi hàng loạt chỉ số kinh tế vĩ mô năm 2024 tăng trưởng tích cực so với năm 2023 và cũng đã hoàn thành mục tiêu đề ra, từ tăng trưởng GDP, GDP bình quân/đầu người, tốc độ tăng năng suất lao động, cho đến mục tiêu lạm phát, tăng trưởng thương mại..., hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài lại phát đi tín hiệu không mấy khởi sắc.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong năm 2024 (bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 38,23 tỉ đô la Mỹ, giảm 3% so với năm 2023. Nếu nhìn lại mức tăng mạnh hơn 32% trong năm 2023, xu hướng suy yếu của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong năm vừa qua có thật sự đáng lo ngại, nhất là khi Việt Nam đã nỗ lực thay đổi cơ chế chính sách thu hút đầu tư với kỳ vọng có thể đón thêm nhiều “đại bàng” đến xây tổ?
Trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân vẫn tăng trưởng ổn định 9,4% so với năm trước, đánh dấu năm thứ 3 đi lên liên tiếp, đạt mức 25,35 tỉ đô la trong năm 2024 và cũng là mức cao kỷ lục từ trước đến nay, sự sụt giảm của dòng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký chủ yếu nằm ở vốn FDI đăng ký mới và nhất là mức giảm mạnh ở vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII).
Trong bối cảnh thị trường bất động sản lao dốc trong ba năm qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản trong nước gặp muôn vàn khó khăn, đứt gãy dòng tiền, các tập đoàn nước ngoài có khả năng đã tận dụng thời cơ để mua lại các dự án bất động sản đang dở dang hoặc thiếu vốn triển khai, nhằm đón đầu một chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường.
Cụ thể, về đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, có 3.502 lượt với tổng giá trị góp vốn 4,54 tỉ đô la, tăng nhẹ 1,5% về số dự án so với năm trước nhưng giảm mạnh 48,1% về giá trị. Nguyên nhân chính là trong năm 2023 chứng kiến thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) lớn nhất trong ngành ngân hàng, với việc Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) chi đến 1,45 tỉ đô la mua lại 15% cổ phần Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), trong khi năm 2024 không có thương vụ nào lớn đến vậy.
Vốn FDI đăng ký mới cũng giảm, khi năm 2024 ghi nhận 3.375 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 19,73 tỉ đô la, dù tăng 1,8% về số dự án so với năm trước nhưng lại giảm 7,6% về số vốn đăng ký. Điều này cũng cho thấy quy mô vốn bình quân của các dự án đăng ký mới đã giảm xuống so với trước. Trước đó, trong năm 2023, vốn FDI đăng ký mới đã tăng mạnh 56,6% về số dự án và 62,2% về giá trị. Với mức nền cao của năm 2023, việc vốn FDI đăng ký mới giảm trở lại là điều có thể hiểu được.
Bù lại, ở cấu phần vốn FDI đăng ký điều chỉnh, ghi nhận 1.539 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư thêm 13,96 tỉ đô la, tăng mạnh 50,4% so với năm 2023, trái ngược với mức giảm 22% của năm 2023 so với năm 2022. Đây cũng là giá trị cao nhất từ trước đến nay. Trong bối cảnh rủi ro tỷ giá tại Việt Nam vẫn cao và Việt Nam cũng đã áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu từ đầu năm 2024, việc các dự án FDI hiện hữu tiếp tục tăng quy mô vốn đầu tư là một điểm tích cực, cho thấy các nhà đầu tư quốc tế vẫn tin tưởng vào triển vọng của kinh tế Việt Nam trong tương lai.
Còn gì đáng chú ý?
Trong khi không cần quá lo lắng với sự sụt giảm của tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong năm 2024, vì chủ yếu là do mức nền cao của năm 2023 ở vốn FDI đăng ký mới và vốn FII với một số thương vụ lớn, hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong năm vừa qua có một số điểm cần lưu tâm hơn.
Thứ nhất, ngoài ngành chế biến, chế tạo vẫn hút vốn lớn nhất với tổng giá trị lên đến 24,68 tỉ đô la, chiếm 73,3% tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm, thì hoạt động kinh doanh bất động sản bất ngờ vươn lên vị trí thứ 2 với giá trị đạt 5,09 tỉ đô la, chiếm 15,1%; trong khi các ngành còn lại đạt 3,91 tỉ đô la, chiếm 11,6%. Nhìn lại năm 2023, hoạt động sản xuất, phân phối điện, khí, nước và điều hòa xếp thứ 2 khi đạt 2,27 tỉ đô la, chiếm 8,1%.
Trong khi đó, ở dòng vốn FII, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,22 tỉ đô la, chiếm tỷ trọng cao nhất là 26,8% giá trị góp vốn; công nghiệp chế biến, chế tạo xếp thứ 2 đạt 896,6 triệu đô la, chiếm 19,8%; các ngành còn lại đạt 2,42 tỉ đô la, chiếm 53,4%. Đây là năm thứ 2 liên tiếp hoạt động kinh doanh bất động sản dẫn đầu trong vốn FII. Năm 2023, giá trị góp vốn mua cổ phần vào ngành này lên đến 3,16 tỉ đô la, chiếm 36,9% tổng giá trị góp vốn, xếp thứ 2, rồi mới đến hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm nhờ vào thương vụ SMBC mua 15% cổ phần VPBank như đã nói ở trên.
Điều này cho thấy giữa bối cảnh thị trường bất động sản lao dốc trong ba năm qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản trong nước gặp muôn vàn khó khăn, đứt gãy dòng tiền, các tập đoàn nước ngoài có khả năng đã tận dụng thời cơ để mua lại các dự án bất động sản đang dở dang để đón đầu một chu kỳ tăng trưởng mới.
Thứ hai, xét về đối tác đầu tư, trong khi Singapore vẫn là nhà đầu tư lớn nhất với 6,26 tỉ đô la, chiếm 31,7% tổng vốn FDI đăng ký cấp mới trong năm 2024, Hàn Quốc đã vươn từ vị trí thứ 6 trong năm 2023 lên vị trí thứ 2 trong năm 2024, với 2,89 tỉ đô la, chiếm 14,6%. Hai vị trí kế tiếp vẫn là Trung Quốc và đặc khu hành chính Hồng Kông. Đáng chú ý là Nhật Bản đã rơi từ vị trí thứ 4 xuống thứ 5 và Đài Loan từ thứ 5 xuống thứ 6.
Sự suy yếu của yen Nhật kéo dài từ năm 2021 đến nay có lẽ đã phần nào ảnh hưởng đến chính sách đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản. Ngoài ra, với việc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm, chấm dứt chính sách lãi suất âm vào tháng 3-2024, rồi sau đó tăng lãi suất chuẩn một lần nữa vào tháng 7-2024, dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong giai đoạn tới.
Một điểm cần lưu ý khác là trước tình hình Việt Nam đang là một trong những quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ, thời gian tới nếu Việt Nam rơi vào tầm ngắm áp thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể bị ảnh hưởng.
Cần biết rằng kể từ năm 2018 đến nay, Việt Nam đã nổi lên như là một điểm đến thay thế tiềm năng khi cuộc thương chiến Mỹ - Trung Quốc nổ ra, nhiều doanh nghiệp đã dịch chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam theo xu hướng tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng, và các doanh nghiệp FDI ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây.