Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giữa tâm ‘bão giá’

Quốc Hùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Các doanh nghiệp sản xuất để phục vụ thị trường nội địa lẫn xuất khẩu đều đang rất đau đầu tìm lối ra giữa tâm “bão giá” nguyên vật liệu và phí vận tải do giá xăng dầu tăng liên tục lập đỉnh mới...

Từ ngày 1-3 vừa qua, nhà sản xuất thực phẩm ăn liền hàng đầu trong nước Acecook Việt Nam đã tăng giá bán đối với toàn bộ sản phẩm với tỷ lệ tăng khác nhau tùy theo sản phẩm.

Tương tự, Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A, đơn vị độc quyền nhập khẩu và phân phối sữa Abbott, cũng đã tăng giá 45 mặt hàng của nhãn hiệu Abbott Grow, Similac, Pediasure... từ đầu tháng này. Trước đó, Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam cũng đã tăng giá trong giới hạn 5% với 21 sản phẩm sữa bột Frisolac và Friso cho trẻ dưới 6 tuổi.

Nhiều doanh nghiệp giảm chi phí vận hành, góp phần duy trì giá bán hàng hóa. Ảnh: Quốc Hùng

Các đơn vị vận tải như hãng xe công nghệ Grab cho hay đã điều chỉnh tăng giá tất cả các dịch vụ từ ngày 10-3 để thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng. Còn đại diện một số hệ thống siêu thị cũng cho biết, nhiều nhà cung cấp đã đề nghị được tăng giá hàng hóa nhưng, hiện tại các siêu thị vẫn đang kìm giá sản phẩm.

Giá thành phẩm tăng chóng mặt, giá bán khó giữ nguyên

Ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Acecook Việt Nam, cho rằng Acecook hiện đã hết cách. Vào những năm trước, khi có những đợt cả chi phí mua nguyên vật liệu, nhiên liệu và cho vận chuyển tăng nhưng Acecook Việt Nam đã nỗ lực để duy trì giá bán. “Tuy nhiên, đến nay tình hình đã đến mức doanh nghiệp dù cố gắng hết sức cũng không thể bù lại được”, ông Kajiwara Junichi nói, và cho biết lần tăng giá sản phẩm gần nhất của công ty cũng đã hơn 10 năm.

Bà Huỳnh Phương Trinh, Phó tổng giám đốc Công ty sản xuất Bột quốc tế, cụ thể hơn khi giải thích rằng “do nguồn nguyên liệu thô khan hiếm, phần do tàu về chậm, giá cước tàu tăng cao… nên giá các nguyên liệu nhập về tăng từ 20-50%. “Hầu hết các đối tác Thái Lan, Nhật Bản, châu Âu đều báo không đủ lượng hàng cung ứng, đến tháng 7 tới chỉ cung cấp khoảng 30% đơn đặt hàng”, bà Trinh nói, và cho biết “đáng lo hơn là giá cước tàu vận chuyển tăng cao nhưng lại thiếu tàu chở hàng, thời gian hàng về Việt Nam cũng chậm khoảng 1-1,5 tháng so với trước đây”.

Theo bà Trinh, giá thành phẩm bình quân hiện tăng hơn 20% và công ty sẽ phải điều chỉnh giá bán trong 1-2 tháng tới với mức tăng trên 10%. “Tình hình nguyên liệu và giá đầu vào sản xuất cứ liên tục tăng cao, chúng tôi không còn khả năng giữ giá bán được nữa, nhưng chúng tôi chấp nhận giảm lợi nhuận, không tăng giá sản phẩm nhiều”, bà Trinh nói.

Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) không chỉ phải đối mặt với giá nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi tăng mà còn chịu ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao liên tiếp. Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Vissan cho hay giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao, tất yếu sẽ kéo theo giá heo hơi tăng lên.

Tuy nhiên, khó khăn lớn là từ Tết tới giờ sức mua thấp, nếu tăng giá sản phẩm thì sức mua giảm nữa nên tới thời điểm này công ty vẫn chưa dám tăng giá bán các sản phẩm trong cũng như ngoài chương trình bình ổn thị trường. Thế nên, Vissan bằng mọi giá vẫn ráng cầm cự.

“Đau đầu” với đơn hàng xuất khẩu!

Những khó khăn chồng chất do ảnh hưởng của giá và phí tăng cao ngất ngưỡng nói trên cũng đang xảy ra với những doanh nghiệp xuất khẩu. Chưa kịp mừng khi hoạt động sản xuất đang hồi phục và đơn hàng tăng trở lại, nay các doanh nghiệp “đứng ngồi không yên” vì giá xăng dầu tăng phi mã, kéo theo chi phí giá thành tăng cao cùng nguyên phụ liệu khan hiếm cũng như ảnh hưởng từ chiến sự giữa Nga - Ukraine.

Các doanh nghiệp gỗ cho biết đã bắt đầu chịu tác động từ ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine. Đại diện Công ty gỗ An Lạc cho biết kể từ khi xảy ra xung đột giữa Nga - Ukraine, các đơn hàng từ Ukraine không thể chuyển về Việt Nam được nữa. Việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ châu Âu cũng bị ảnh hưởng vì nguồn cung có hạn, giá bị đẩy lên cao khiến chi phí sản xuất tăng lên.

Cũng dễ hiểu khi EU sẽ phải giữ lại một phần lượng gỗ nguyên liệu để bù đắp do không nhập từ Nga. Tương tự, ông Võ Quang Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu, chia sẻ: “Tôi đã gọi điện cho các nhà cung cấp và biết rằng giá nguyên liệu gỗ đã tăng lên. Việc đấu giá gỗ nguyên liệu sẽ phải cạnh tranh rất cao, trong khi giá cước tàu vận chuyển thời gian tới sẽ tiếp tục tăng”.

Không riêng doanh nghiệp gỗ, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề khác như may mặc, da giày, thủy hải sản... cho biết giá nguyên vật liệu và xăng dầu tăng cao làm đội các chi phí trong hoạt động sản xuất, giảm mức độ cạnh tranh sản phẩm trên thị trường thế giới.

Bà Trần Hoàng Phú Xuân, Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho biết khó khăn hiện nay của ngành may mặc là giá nguyên vật liệu tăng cao. “Giá sợi cotton nhập khẩu 2 năm qua tăng gần 70%, nguyên phụ liệu ngành dệt may trong nước cũng tăng đến 40% nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn”, bà Xuân nói.

Theo bà Xuân, dù các doanh nghiệp đã cố gắng cắt giảm nhiều chi phí cũng như thương lượng với khách hàng để điều chỉnh phí, giá cho phù hợp. Tuy nhiên, do hợp đồng đã ký từ trước nên muốn điều chỉnh giá không dễ.

Nhiều doanh nghiệp ngành da giày trên địa bàn thành phố hiện có đơn hàng đến tháng 7 nhưng theo ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da giày TPHCM, do các chi phí đầu vào và vận chuyển tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu.

Với ngành lương thực, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (chuyên các sản phẩm cà phê nhãn hiệu Meet More), cho biết từ tháng 10-2021 đến nay, giá nguyên liệu đầu vào tăng thêm 70% nhưng doanh nghiệp ông rất khó tăng giá bán vì đơn vị nhập khẩu đã ký hợp đồng sáu tháng. Theo ông Luận, khả năng giữ giá bán của công ty ông không còn. Meet More sẽ có kế hoạch tăng giá bán vào tháng 5 tới với mức tăng khoảng 30% so với hiện nay.

Chủ động điều tiết chi phí

Khó khăn chồng chất những khó khăn khiến các doanh nghiệp phải xoay xở nhiều cách thức khác nhau để bình ổn giá, thậm chí có doanh nghiệp chấp nhận “bù lỗ” để không tăng giá bán, giữ chân người tiêu dùng và nhà nhập khẩu. Tiết giảm chi phí sản xuất đang là giải pháp tự cứu mà nhiều doanh nghiệp đang thực hiện.

Theo chia sẻ của đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh, công ty chọn lọc kỹ nguyên liệu, ký kết với đối tác với số lượng lớn để họ đưa ra một mức giá tốt nhất. Chất lượng sản phẩm giữ nguyên, nhưng điều chỉnh chi phí như marketing, tiếp thị giảm 50% so với trước.

Tương tự, để cầm cự được, Vissan phải rà soát các chi phí không phụ thuộc vào giá xăng dầu, giảm được chi phí nào thì giảm để bù đắp cho phần chi phí tăng cao.

Nhiều doanh nghiệp đã phải chuyển sang hình thức giao hàng tập trung, số lượng lớn, thay vì đi lẻ tẻ vài container như trước đây nhằm giảm bớt chi phí tàu biển. Đối với vận chuyển trong nước, thay vì đi đường bộ thì doanh nghiệp chọn đường thủy để giảm chi phí.

Thay vì thực hiện đơn hàng dài hạn, các doanh nghiệp đã chuyển qua làm các đơn hàng trong ngắn hạn, chuẩn bị nguồn nguyên liệu từ nhiều đối tác khác nhau để có giá tốt hơn. Cùng với đó, những nguồn nguyên liệu có thời hạn bảo quản lâu doanh nghiệp sẽ ưu tiên mua và đưa về kho lưu trữ.

“Trong tình hình bất ổn nguồn gỗ nhập khẩu thì việc duy trì, bảo vệ và phát triển nguồn cung gỗ nội địa sẽ là chỗ dựa lớn cho các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước”, ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch HĐQT Công ty Woodsland, nói.

Các doanh nghiệp kỳ vọng, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng và sự điều hành giá cả linh hoạt của Chính phủ sẽ phát huy hiệu quả để kích thích sức mua, giảm gánh nặng chi phí. Đây cũng dịp để các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, tư duy quản trị để tồn tại.

Tuy vậy, các chuyên gia và giới phân tích cho rằng Chính phủ cần xem xét, đẩy nhanh việc thực hiện các gói hỗ trợ và minh bạch để số doanh nghiệp tiếp cận được càng nhiều càng tốt và tránh thất thoát.

Đáng chú ý, Chính phủ nên cắt giảm các chi phí, như chi phí hành chính, thủ tục mà lâu nay trở thành gánh nặng cho các doanh nghiệp tuân thủ các quy định cũng như cắt giảm thuế và phí để ổn định giá cả nhằm kiềm chế lạm phát… Đơn cử như thuế bảo vệ môi trường xăng dầu cần giảm mạnh và áp dụng nhanh để kềm lại giá xăng dầu ngay bây giờ. Hay TPHCM chưa thu phí hạ tầng cảng biển để doanh nghiệp có thời gian hồi phục.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới