Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giữa tâm dịch, doanh nghiệp vẫn đạt lợi nhuận cao

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giữa tâm dịch, doanh nghiệp vẫn đạt lợi nhuận cao

Lê Hoàng

(TBKTSG Online) – Giữa đại dịch Covid-19, phần lớn doanh nghiệp đều rơi vào khủng hoảng, nhưng vẫn có một số doanh nghiệp đã lội ngược dòng để đạt tăng trưởng doanh thu và mang lại lợi nhuận cao, thậm chí là lãi "khủng".

Covid-19 khiến hàng chục ngàn doanh nghiệp rút khỏi thị trường

Giữa tâm dịch, doanh nghiệp vẫn đạt lợi nhuận cao
Sản xuất dầu ăn của TAC. Ảnh: DN cung cấp

Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành thực phẩm, dược phẩm, cao su, công nghệ… cho thấy có kết quả hoạt động đạt lợi nhuận cao trong quí 1-2020. Tuy nhiên, thành quả này của mỗi doanh nghiệp là khác nhau, có doanh nghiệp "hưởng lợi" giữa trận dịch bệnh này, nhưng cũng có doanh nghiệp từ các khoản doanh thu tài chính, thanh lý tài sản…

Từ ngành thực phẩm

Có lẽ gây sự chú ý nhiều là kết quả kinh doanh của Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HOSE: DBC) khi quí 1 rồi ghi nhận doanh thu 3.248 tỉ đồng và lãi sau thuế trên 340 tỉ đồng, tương ứng mức vượt gần gấp hai lần và 17 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tính ra, mỗi ngày trong quí vừa qua, Dabaco thu lãi khoảng 3,7 tỉ đồng.

Kết quả tăng trưởng trong thời gian bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 là vì các đơn vị sản xuất kinh doanh trong Tập đoàn này đều là những cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (trứng gà, dầu ăn, thịt heo, thịt gà, các chế phẩm từ thịt…) và các hoạt động tạo nguồn cung thực phẩm (như cung cấp thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi gia súc gia cầm, cung cấp con giống…).

Theo DBC, các đơn vị trực thuộc đã tăng cường sản xuất các sản phẩm là nhu yếu phẩm thiết yếu nói trên và tổ chức hệ thống phân phối, vận chuyển đến tận tay người tiêu dùng.

Trong khi đó, các đơn vị chăn nuôi tăng cường bán heo thịt, gà thịt nhằm cung cấp cho thị trường nguồn cung thực phẩm chất lượng cao và ổn định trong bối cảnh dịch bệnh.

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên của DBC công bố, năm nay, Công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu (bao gồm cả nội bộ) đạt 13.203 tỉ đồng, tăng 83,7% so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế 457 tỉ đồng, tăng trưởng 49,84%, trong đó lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh chính là 405 tỉ đồng và từ các lĩnh vực khác là 52 tỉ đồng.

Đối với Công ty Dầu thực vật Tường An (HOSE: TAC) dù không có lợi nhuận khủng như DBC, nhưng kết thúc quí đầu tiên của năm nay, TAC cũng ghi nhận doanh thu thuần 1.043 tỉ đồng và lãi trước thuế 37 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt là 23,5% và 22,5% so với cùng kỳ năm trước đó.

Theo ban lãnh đạo TAC, trong bối cảnh dịch Covid-19, công ty đã đẩy mạnh chiến lược cao cấp hóa và đa dạng hóa sản phẩm, tập trung vào những sản phẩm cốt lõi và cao cấp; phát triển sản phẩm mang giá trị dinh dưỡng cao phù hợp với nhu cầu bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng. Ngoài ra, TAC cũng khai thác hiệu quả kênh bán hàng hiện đại Minimart, CVS… tiếp tục gia tăng độ phủ sản phẩm trên các kênh truyền thống và hiện đại.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu, trước tình hình dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, TAC cho biết đã chủ động lên kế hoạch về nguyên vật liệu, luôn chú trọng đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất, tối ưu hóa hàng tồn kho, đảm bảo đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho người tiêu dùng với giá cả ổn định.

Đến ngành dược phẩm 

Một bộ phận sản xuất của DHT. Ảnh: website công ty

Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP) gần đây đã công bố kết quả kinh doanh quí 1 với doanh thu thuần gần 304 tỉ đồng và lãi sau thuế hơn 41 tỉ đồng, lần lượt tăng 11% và 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ban Lãnh đạo IMP đặt mục tiêu trọng tâm trong qúi 2 này là bảo đảm cung ứng đủ nguyên vật liệu cho sản xuất của sáu tháng cuối năm trong tình hình dịch Covid-19, nhằm bảo đảm các mục tiêu sản xuất kinh doanh năm 2020 được hoàn thành hiệu quả.

Với kết quả quí I, IMP đã hoàn thành được 17,4% mục tiêu doanh thu và 20% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Năm nay, IMP đặt kế hoạch doanh thu đạt 1.750 tỉ đồng, tăng 23% so với thực hiện 2019; lợi nhuận trước thuế 260 tỉ đồng, tăng 28,4% so với năm 2019.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây (HNX: DHT) đã kết thúc quí đầu tiên ghi nhận doanh thu thuần  đạt gần 519 tỉ đồng, tăng 29% và giá vốn hàng bán chiếm gần 443 tỉ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái, dẫn đến mức lợi nhuận gộp đạt hơn 76 tỉ đồng, tăng 43%. Qua đó, biên lãi gộp của DHT đã tăng từ 13% lến 15%.

Nhờ có doanh thu từ hoạt động kinh doanh tăng trưởng nên mặc dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng tương ứng 57% và 24% so với cùng kỳ năm trước, chiếm hơn 24 tỉ đồng và 16 tỉ đồng. Song, DHT vẫn có lợi nhuận trước thuế đạt hơn 40 tỉ đồng và lãi ròng đạt hơn 31 tỉ đồng, mức tăng tương ứng là 31% và 33% so với quí 1-2019.

Theo tài liệu ĐHCĐ thường niên năm 2020, DHT đặt kế hoạch tổng doanh thu dự kiến đạt 2.007 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến ở mức 112 tỉ đồng. So với kế hoạch này, DHT đã thực hiện được 26% kế hoạch về chỉ tiêu doanh thu và 36% về chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.

Ấn tượng với doanh nghiệp cao su

Lấy mũ cao su. Ảnh: Website: TNC

Có thể thấy trong quí vừa qua thị trường cũng chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng của doanh nghiệp ngành cao su, nhưng kết quả lại không dựa vào tình hình hoạt động kinh doanh.

Đơn cử Công ty cổ phần cao su Thống Nhất (HoSE: TNC) vừa có thông tin sơ lược về kết quả kinh doanh quí 1 đạt 37,9 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế thu nhập đạt 24,8 tỉ đồng, có mức tăng trưởng tương ứng là 347,2% và 1.633,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo sự lý giải của ban lãnh đạo TNC, lợi nhuận tăng vọt trong kỳ chủ yếu nhờ vào doanh thu tài chính tăng. Đó là số tiền nhận được do Công ty cổ phần Dịch vụ Xuất nhập khẩu Nông lâm sản và Phân bón Bà Rịa trả cổ tức thuộc các năm tài chính trước 2018. Theo đó, trong 25,4 tỉ đồng doanh thu tài chính ghi nhận trong quí 1-2020 có 22,3 tỉ đồng là cổ tức, lợi nhuận được chia, phần còn lại là lãi tiền gửi ngân hàng.

Hay Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh (mã CK: TRC) đã công bố báo cáo tài chính quí 1 với hơn 52 tỉ đồng doanh thu thuần giảm 26,3% so với cùng kỳ. Chi phí giá vốn hàng bán giảm mạnh 31,2% nên lãi gộp đạt 8,4 tỉ đồng tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ phần lãi từ công ty liên doanh liên kết giảm từ hơn 1 tỉ đồng xuống còn gần 600 triệu đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp của TRC tăng mạnh từ gần 5 tỉ đồng lên 6,7 tỉ đồng.

Đáng chú ý trong quí rồi nhờ có khoản thu từ thanh lý tài sản cố định 21 tỉ đồng mà cùng kỳ năm trước không có, nên khoản thu nhập khác tăng đột biến từ hơn 1 tỉ đồng lên 22 tỉ đồng. Kết quả sau khi khấu trừ chi phí và thuế, TRC báo lãi sau thuế 20,3 tỉ đồng, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn Công ty cổ phần Cao su Bà Rịa (UPCoM: BRR) công bố có kết quả kinh doanh quí rồi với doanh thu giảm 21% so với cùng kỳ năm trước chỉ còn 46 tỉ đồng, chủ yếu là do doanh thu bán mủ cao su giảm hơn 22%. Tuy vậy do giá vốn hàng bán cũng giảm 35% nên lợi nhuận gộp của BRR tăng 65%, đạt hơn 13 tỉ đồng. Doanh thu tài chính gấp 13 lần cùng kỳ, ghi nhận 800 triệu đồng.

Do trong kỳ, BRR không có nguồn thu từ thanh lý tài sản cố định như quí 1-2019 nên lợi nhuận khác của Công ty giảm 91%, đạt 430 triệu đồng. Ngược lại, chi phí lãi vay tăng 61%, ghi nhận 1,22 tỉ đồng. Nhưng nhờ chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm so với cùng kỳ năm trước, nên lợi nhuận trước và sau thuế của Công ty tăng lần lượt 24% và 31%, đạt gần 8,8 tỉ đồng và 7,7 tỉ đồng.

Và các doanh nghiệp khác

Lãi sau thuế của DGW tăng trưởng mạnh trong quí 1-2020. Ảnh minh họa: Website công ty

Gây chú ý là Công ty cổ phần Thế Giới Số (HOSE: DGW) ước tính kết quả kinh doanh quí đầu năm với doanh thu 2.237 tỉ đồng và lãi sau thuế 45 tỉ đồng, mức tăng trưởng tương ứng là 63% và 80% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quí 1 có kết quả kinh doanh cao nhất trong lịch sử hoạt động của DGW.

Trong đó, ngành hàng máy tính xách tay và máy tính bảng của DGW ước đạt 791 tỉ đồng doanh thu, tăng trưởng 69%. Điều này là nhờ nhu cầu đối với các sản phẩm máy tính dành cho học tập, làm việc đã tăng rất cao giữa bối cảnh cả nước đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn sự lây lan của dịch do Covid-19.

Trong đó, ngành hàng điện thoại ước đạt 1,142 tỉ đồng, tăng trưởng 96% so với cùng kỳ, một kết quả khá ấn tượng trong bối cảnh thị trường này đang chứng kiến sự bão hòa.

Trong năm này, DGW đặt chỉ tiêu 10.200 tỉ đồng và 202 tỉ đồng lần lượt với doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau quí kinh doanh đầu tiên, DGW đã thực hiện được xấp xỉ 22% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của cả năm nay.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Cảng Cam Ranh (UPCoM: CCR) công bố báo cáo khép lại quí 1, CCR ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 40 tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ, trong khi đó giá vốn hàng bán tăng 16%, lên hơn 23 tỉ đồng. Từ đó dẫn đến lãi gộp của CCR tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 17 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp của CCR cũng tăng 22%, ghi nhận hơn 7 tỉ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính và chi phí bán hàng quí 1 của CCR lần lươt giảm 27% và 72% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 1 tỉ đồng và gần 73 triệu đồng. Và kết thúc quí 1, CCR ghi nhận lãi ròng tăng 57% so với cùng kỳ, tăng gần 7 tỉ đồng.

Trong năm 2020, CCR lên kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt gần 171 tỉ đồng và lãi trước thuế đạt gần 31 tỉ đồng, Như vậy, kết thúc quí 1, CCR đã thực hiện được 23% kế hoạch doanh thu và 26% kế hoạch lãi trước thuế năm 2020.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới