Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giúp doanh nghiệp học cách đi vào ‘đường cao tốc’ EVFTA

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giúp doanh nghiệp học cách đi vào ‘đường cao tốc’ EVFTA

Trần Văn Trãi

(TBKTSG Online) – Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) được ví như "con đường cao tốc" cho các doanh nghiệp trong nước. Chính vì sự khác biệt như khi đi trên “đường làng”, người điều khiển phương tiện phải biết tuân thủ những nguyên tắc bắt buộc và nắm rõ quy định để không phạm luật.

EVFTA sẽ loại các ngân hàng yếu khỏi cuộc chơi

Dệt may khó hưởng lợi ngay với EVFTA

Giúp doanh nghiệp học cách đi vào 'đường cao tốc' EVFTA
EVFTA đã mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong thời gian tới. Ảnh: Reuters

Sau khi được Quốc hội phê chuẩn, EVFTA có hiệu lực từ 1-8. Đây được cho là cơ hội vàng cho nền kinh tế.

Doanh nghiệp trong nước sẽ có nhiều cơ hội tăng khả năng cạnh tranh về giá cả, chất lượng sản phẩm hàng hóa khi nhập khẩu vào thị trường rộng lớn này, nhất là một khi được xóa bỏ tới gần 100% thuế quan theo nội dung cam kết trong EVFTA.

Đồng thời, các doanh nghiệp còn có cơ hội sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu ổn định, uy tín, chất lượng tốt với mức giá hợp lý; được tiếp cận với nguồn lực khoa học, công nghệ, kỹ thuật cao từ nhiều nước đã phát triển nhằm nâng cao năng lực sản suất và cải thiện chất lượng sản phẩm nội địa hóa.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội thì thử thách cũng không hề nhỏ khi Liên minh châu Âu (EU) có 28 quốc gia với thị trường khó tính, yêu cầu cao về tiêu chuẩn giá trị và chất lượng sản phẩm, xuất xứ hàng hóa rõ ràng, minh bạch thông tin liên quan.

Nếu ví EVFTA như một "con đường cao tốc" cho các doanh nghiệp, thì có thể thấy cao tốc này chỉ phù hợp với những phương tiện đủ điều kiện an toàn giao thông, tốc độ di chuyển nhanh, tài xế phải nắm rõ và tuân thủ các quy định. Nếu thiếu kỹ năng rất dễ vi phạm, tai nạn một khi xảy ra sẽ khủng khiếp.

Không phải vô lý mà doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu rất kỹ thông tin liên quan, quy định chính sách pháp lý trước khi xúc tiến đầu tư vào các thị trường mới. Những công việc mang tính chuẩn bị ban đầu này có thể chưa mang đến lợi nhuận gì, thậm chí doanh nghiệp còn tốn công sức và chi phí để thực hiện. Tuy nhiên, lợi ích về sau là rất lớn.

Tại một cuộc hội thảo về chủ đề EVFTA vừa qua, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, EVFTA là “con đường cao tốc” và hầu như không có rào cản để kết nối nền kinh tế Việt Nam với EU.

Với con đường này, hàng hóa của Việt Nam có thể đến đích nhanh hơn các đối thủ nhưng không phải loại xe (doanh nghiệp – PV) nào cũng tham gia lưu thông được. Nếu muốn đi trên “cao tốc” ấy, doanh nghiệp phải thay đổi để đáp ứng những điều kiện nhất định, đồng thời, các cơ quan Nhà nước phải có giải pháp tốt để vận hành.

 Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ lớn ở nước ta, tổ chức theo dạng gia đình tự quản lý và điều hành các công việc liên quan. Nhiều doanh nghiệp chỉ có kinh nghiệm xử lý những tình huống đối phó, miễn sao có lợi nhuận, sẵn sàng "vượt rào" để kiếm tiền nhanh hơn. Đó là kinh doanh theo kiểu “mì ăn liền”, chưa lường hết những hậu quả.

Điều này giống như lái xe trên đường làng dễ dàng lấn tuyến, ép trái, ép phải, luồn lách mà không sợ bị phạt hay chế tài nghiêm.

Có thể các cách thức này thời gian qua đã giúp ít nhiều doanh nghiệp thành công. Trong khi đó, một số doanh nghiệp có kế hoạch lâu dài đầu tư mở rộng sản xuất, nhà xưởng, dịch vụ, thương mại với ước vọng tạo lập thương hiệu nhưng phải dừng lại.     

Nền kinh tế nước ta những năm qua có tiến bộ đáng kể với tỷ lệ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước đã phát triển thì còn kém rất xa.

Trong quá khứ, Việt Nam đã có những bài học từ những vi phạm trong hợp tác, làm ăn trên trường quốc tế. Có thể thấy qua vụ Vietnam Airlines phải bồi thường mất hơn 100 tỉ đồng vào năm 2006, sau vụ kiện của một người làm công tại Italia. Mới đây nhất, Mỹ trừng phạt thuế lên tới 450% với mặt hàng thép đến từ ở Việt Nam do Mỹ cho rằng một số sản phẩm thép có xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan được nhập vào Việt Nam, sau đó thực hiện những công đoạn gia công nhỏ rồi xuất khẩu sang Mỹ.

Đây là những ví dụ gây tổn thất về uy tín, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa. Nếu chúng ta không rút kinh nghiệm và nhanh chóng khắc phục thì sẽ tiếp tục tiềm ẩn rủi ro bị phạt nặng khi tham gia thị trường EU.

Theo các nhà quản lý, ngoài việc phải đáp ứng những quy tắc chung của thị trường EU doanh nghiệp còn phải đáp ứng quy tắc riêng cho mỗi nhóm hàng hóa. Trong mỗi quy tắc ấy gồm nhiều yếu tố chi tiết cụ thể.

Ngoài ra, yêu cầu đáp ứng các quy tắc của khách hàng EU còn cao hơn nữa. Do đó, các doanh nghiệp khi nỗ lực cải thiện chất lượng, mẫu mã không chỉ để vượt qua hàng rào bắt buộc của cơ quan Nhà nước phía EU mà còn là quá trình để doanh nghiệp chinh phục khách hàng.

Qua ghi nhận thực tế, tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp muốn quan tâm đến thị trường này nhưng chưa hiểu rõ các nội dung hoạt động, phương thức hợp tác, cơ hội phát triển, các thông tin thị trường, sự thiệt hại và bị phạt nếu vi phạm luật.

Nhà nước, với tầm nhìn dẫn dắt, cần tham khảo kinh nghiệm từ các nước đi trước đã thành công. Việt Nam cần cải cách thể chế nhằm tháo gỡ các điểm ngẽn pháp lý, thủ tục hành chính sao cho phù hợp tầm nhìn, phù hợp với hội nhập quốc tế; cần xây dựng nền quản trị minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, phối hợp giữa doanh nghiệp với chính quyền một cách hiệu quả, hướng đến văn hóa đầu tư kinh doanh dựa trên quy luật thay vì “luồn lách”, “chộp giật”.

Nhiều doanh nghiệp trong nước cần học lại luật chơi, chủ động tìm hiểu thông tin thị trường, lợi thế cạnh tranh, tự phân tích chỗ mạnh, chỗ yếu, cơ hội, thử thách để đưa ra kế hoạch hành động. Nếu chưa đủ hãy mời những nhà tư vấn hàng đầu thế giới đến giúp hoạch định chiến lược, hỗ trợ thực tập các kỹ năng thiết yếu, trang bị toàn bộ quy trình an toàn trong hoạt động để sẵn sàn cho cuộc chơi mới.

Trên thực tế, theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) Lương Hoàng Thái, nhiều bộ, ngành đang nỗ lực chuẩn bị để triển khai ngay khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1-8, trong đó hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là ưu tiên hàng đầu.

Mặc dù vậy, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng các cơ quan quản lý cần có một bộ phận phản ứng nhanh để giúp doanh nghiệp tháo gỡ ngay những khó khăn họ gặp phải.

Nên chăng, Chính phủ cần thành lập tổ chức tư vấn chuyên nghiệp về EVFTA cho chính quyền, bộ ngành, doanh nghiệp, như cung cấp các dịch vụ đào tạo, tìm kiếm và đánh giá thị trường; trợ giúp pháp lý; cảnh báo sớm các tình huống bất lợi; theo dõi và đưa ra biện pháp khắc phục những thiếu sót nếu có.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới