Thứ tư, 20/11/2024
30.6 C
Ho Chi Minh City

Gỡ điểm nghẽn hạ tầng và tạo sự khác biệt để đón dòng vốn FDI dịch chuyển

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các nhà đầu tư đang dồn sự chú ý tới Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đa dạng hóa nguồn cung và dịch chuyển địa điểm đầu tư. Tuy nhiên, giá đất sản xuất tăng cao, cơ sở hạ tầng giao thông, logistics chưa đồng bộ... là những điểm nghẽn cần sớm tháo gỡ để thu hút đầu tư.

Thông tin này được ghi nhận tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2022 vào ngày 24-5 tại TPHCM do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty BW Industrial tổ chức.

Các diễn giả, nhà đầu tư chia sẻ các giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽm, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tại diễn đàn. Ảnh: Hùng Lê

Việt Nam vẫn là lựa chọn tốt của nhà đầu tư

Hiện tại, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ, trong đó xu hướng Trung Quốc+1 sẽ có những thay đổi khi Trung Quốc đang chuẩn bị đưa ra những gói kích thích liên quan đến việc giảm thuế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một số ý kiến lo ngại dòng vốn từ các nước khác vào Việt Nam sẽ bị phân tán, khi mà Ấn Độ cũng đang nổi lên là một thị trường có sức hút với các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp khu công nghiệp DEEP C, Việt Nam không nhất thiết phải cạnh tranh với Trung Quốc, mà nên tạo sự khác biệt với Trung Quốc.

"Chúng tôi đã nhiều lần làm việc và thấy nhiều nhà đầu tư vào Trung Quốc, Việt Nam chỉ cần phần nhỏ trong đó thôi là đã đủ cho thị trường Việt Nam", ông Bruno nói, và cho rằng: “Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng tốt và ổn định. Việt Nam không cần phải cạnh tranh với Trung Quốc và hãy có điểm nhấn riêng".

Theo ông Bruno, Việt Nam hiện đang có chi phí logistics cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Chỉ cần thay đổi điều đó thì Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh tốt với Trung Quốc.

Hiện tại, khẩu vị các nhà đầu tư rất cao và đều có những lựa chọn riêng. Dù nhiều nhà đầu tư ra khỏi Trung Quốc nhưng đây vẫn là "công xưởng" của thế giới. "Rõ ràng, Việt Nam là quốc gia có vị trí tốt và nhiều lợi thế để trở thành người thắng cuộc trong việc đón nhận dòng vốn của xu hướng Trung Quốc+1 này”, ông Bruno nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến việc dịch chuyển của dòng vốn đầu tư, ông Pao Jirakulpattana, Phó chủ tịch Warburg Pincus, cho rằng căng thẳng về địa chính trị trên thế giới đang là vấn đề nổi bật. Trong thời điểm hiện tại, sự lựa chọn của các nhà đầu tư không nhiều như trước. Và tình hình cho thấy dòng vốn đang quay lại Trung Quốc vì đây là một thị trường rất lớn.

Tuy nhiên, đặt trong một bối cảnh đầu tư lớn hơn, đặc biệt khi trên thế giới có những căng thẳng thì khu vực ASEAN sẽ là khu vực tốt để thu hút các nhà đầu tư, các nhà đầu tư mới muốn khám phá. Trong đó, Việt Nam là một điểm đến lý tưởng, ông Pao Jirakulpattana nói.

"Tôi mới đến Việt nam nhưng thấy mức độ tăng trưởng của Việt Nam rất tốt, với định vị như vậy thì Việt Nam là nơi rất tốt để thu hút vốn của nhà đầu tư", Phó chủ tịch Warburg Pincus nhận định.

Trong khi đó, bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc điều hành Amata Vietnam, cho rằng để đón dòng vốn mới, chất lượng, Chính phủ Việt Nam và các địa phương nơi có dự án khu công nghiệp cần đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng giao thông và tăng tính kết nối, đặc biệt là các khu vực còn quỹ đất rộng nhưng lại chủ yếu ở khu vực còn nhiều khó khăn.

Theo ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới bằng cách tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh.

Cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng

Mặc dù vậy, tại diễn đàn, các diễn giả cho rằng hiện nay giá bất động sản bên ngoài đang đẩy lên rất cao, cơ sở hạ tầng, logistics cũng như chất lượng lao động chưa đồng đều cũng là những điểm nghẽn lớn cần tháo gỡ.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư trao đổi ở bên lề sự kiện Diễn đàn.

Ông Lance Li, Tổng giám đốc Công ty BW Industrial, cho rằng Việt Nam đang khan hiếm đất đai tại các vị trí trung tâm và giá đất tăng nhanh. Ngoài ra, Việt Nam đang thiếu cơ sở công nghiệp và logistics.

Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Công ty Cushman & Wakefield, cho rằng giá đất công nghiệp đã đẩy lên cao vượt qua kỳ vọng về chi phí thấp của nhà sản xuất. Để tháo gỡ điểm nghẽn này, thị trường cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ cho các tỉnh còn đang nhiều dư địa để phát triển nhưng có vị trí xa các khu kinh tế trọng điểm.

Ngoài ra, bà Trang Bùi cho rằng một thách thức khác là cơ sở hạ tầng chưa phát triển. "Để có thể chuyển dịch lên một nấc thang mới trong chu kỳ phát triển công nghiệp, logistics và trở nên thu hút, cạnh tranh, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng bao gồm hệ thống đường cao tốc, cảng biển nước sâu, nâng cao hệ thống điện nước, gồm cả hệ thống tái tạo năng lượng", bà Trang Bùi lưu ý.

Tại diễn đàn, các ý kiến khác cũng cho rằng hạ tầng logistics trong nước rất yếu và chi phí dịch vụ đắt đỏ khiến doanh nghiệp kém cạnh tranh.

Về mặt logistics và chuỗi cung ứng, sắp tới sẽ có đường cao tốc kết nối Trung Quốc với Việt Nam. Ông Bruno Jaspaert cho rằng đây sẽ là một “bom tấn”, là giải pháp về logistics rất hiệu quả. Sẽ không cần phải quá vất vả để vận tải bằng đường biển hay chờ đợi container, mà chỉ cần thông qua giao thông đường bộ để đưa hàng hóa từ Việt Nam đến Trung Quốc và ngược lại.

Và vì thế, ngoài việc cải thiện chi phí logistics, ông Bruno còn nhấn mạnh rằng Việt Nam hiện nay vẫn đang tập trung vào chính sách để hút dòng vốn.

"Chúng ta cần phải thu hút và đầu tư để phát triển môi trường sống, phát triển dịch vụ, thương mại. Để không chỉ các dự án mà cả con người cũng muốn đến và ở lại Việt Nam. Như thế, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ đa dạng và tác động tốt hơn nữa tới sự phát triển kinh tế của Việt Nam”, ông Bruno kiến nghị.

Một vấn đề khác được thảo luận là kiến tạo hệ sinh thái khu công nghiệp với việc phát triển các thành phố công nghiệp thông minh, thân thiện với môi trường. Đầu tư "hạ tầng công nghiệp xanh" được xem sẽ là giải pháp hiệu quả cho khách hàng để giảm thiểu cho phí đầu tư song lại tăng chi phí với các nhà phát triển hạ tầng sản xuất công nghiệp.

Giải pháp được bà Somhatai chỉ ra là phải làm với quy mô lớn. Vì lẽ đó, Tổng giám đốc điều hành của Amata Việt Nam đã đề xuất rằng Chính phủ Việt Nam nên xem xét lại quy định giới hạn diện tích của khu công nghiệp.

“Tại nhiều quốc gia chúng tôi đang đầu tư thì đa phần đều có quy mô hơn 10.000 ha. Với quy mô này, chúng tôi mới có thể đưa ra những quy hoạch lớn hơn, kế hoạch lớn, cùng hợp tác với các đối tác lớn, để làm nó trở lên cạnh tranh hơn”, bà Somhatai đề xuất.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Shinec, cho rằng bất động sản công nghiệp phải đi đôi với phát triển hạ tầng như đường cao tốc, như hạ tầng giao thông…  Đó mới là vấn đề cần giải quyết để thu hút đầu tư và giải quyết các điểm nghẽn trong quá trình thu hút đầu tư và phát triển nền kinh tế của mỗi tỉnh, thành phố.

"Tôi biết nhiều nhà đầu tư hay than phiền về thủ tục, nhưng vấn đề bây giờ chúng ta phải tìm giải pháp để tháo gỡ. Trong đó, chúng tôi có thể hỗ trợ các nhà đầu để kết nối, ghép các mảnh ghép lại thành một bức tranh lớn", ông Pao Jirakulpattana nói.

Theo ông Pao Jirakulpattana, Việt Nam thường có kế hoạch phát triển trong 5 năm, 10 năm, 15 năm… Do vậy, các nhà đầu tư có thể căn cứ vào kế hoạch phát triển này để lập kế hoạch cho mình. Tuy nhiên, điểm nghẽn trên thị trường vẫn còn và sẽ cần thêm thời gian để tháo gỡ, nhưng trên bình diện chung, thị trường Việt Nam vẫn rất là tích cực.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới